Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Chuyện bây giờ kể lại- Phần 7

Thân Hạnh

Ngày thứ mười một- Buổi sáng thức dậy nhìn dòng sông Tiền lặng lẽ trôi và chuyến phà đưa khách sang sông vừa cập bến, lòng tôi chợt thấy bình an vô cùng. Đường phố ở đây yên tĩnh hơn ở Sài Gòn. Âm thanh đường phố ít ồn ào hơn. Cuộc sống dường như cũng ít hối hả hơn. Không khí thoáng đãng và mát mẻ. Tôi đang đứng dưới bầu trời Vĩnh Long và cố hít thở thật sâu. Vĩnh Long, một thành phố hiền hòa với những con người chất phác rặt chất miền Tây Nam bộ. Tôi thấy lòng bỗng cồn cào lên một cái gì đó, vừa rõ ràng vừa mơ hồ, vừa thân quen vừa lạ lẫm. Bỗng nhớ đến những từ nói trại và phát âm không chuẩn của người miền Tây, hoặc các ngữ khí từ như hé, héng, hèng chi, ngheng, chèng ơi, chèng đéc ơi, mèng ơi, dữ ác hôông,...nghe dân dã, bình dị và dễ thương lắm lắm! Những cảm giác vui buồn thương nhớ cứ thế quyện lấy nhau, len lỏi vào nhau. Mới tối hôm qua cười cười nói nói với các bạn, các trò nhỏ ngày nào mà bây giờ đã xa, đã qua. 


Sáng nay anh xã tôi có hẹn với người em trai đi thăm mộ ông bà. Tôi ngồi trong quán cà phê đối diện với nhà hàng Phương Thủy chờ một số bạn bè hẹn đến thăm trước khi về lại Sài Gòn. Hai người đầu tiên gặp trong ngày là Lan Anh và Ngọc Phấn. Sau đó là hai vợ chồng em Triệu Minh Tâm và hai vợ chồng em Nguyễn thị Huyền Phương. Thật là cảm động khi Minh Tâm và Huyền Phương đều đưa anh xã đến thăm chúng tôi. Triệu Minh Tâm và Nguyễn thị Huyền Phương hiện nay là giáo viên dạy tiếng Anh của trường trung học Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau cùng là cô Thu Nguyệt. Mọi người ăn sáng, uống cà phê, nói đủ thứ chuyện, ôn lại nhiều kỷ niệm vui buồn và lại chia tay vì các em có giờ lên lớp. Không gặp thì buồn nhưng gặp rồi phải vẫy tay chào tạm biệt lại càng buồn hơn.




Biết nói sao cho hết niềm vui bất ngờ mà người Vĩnh Long đã mang đến cho chúng tôi trong chuyến về quê này. Những cái ôm siết chặt, những lời hỏi thăm chân tình, những kỉ niệm về một thời khó khăn gian khổ đã trải qua với đồng nghiệp và những nghiêm khắc của cô thầy đối với các trò nhỏ ngày nào. Chân thành cảm ơn quý thầy cô, các học sinh cũ đã đón tiếp chúng tôi với biết bao nhiêu tình cảm thân thương. Xin cảm ơn Vĩnh Long, nơi chốn chúng tôi đã từ lâu nhận làm quê hương thứ hai với những năm tháng không thể nào quên.

Chúng tôi còn đến thăm anh Lâm Chiêu Đồng, một người có đôi bàn tay vàng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật với nhiều loại tranh khác nhau như tranh xé dán đã đoạt nhiều giải thưởng, tranh thủy thái họa, tranh sơn mài, những tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu xốp giả đá, giả gỗ, giả đồng mà tôi hân hạnh được quen biết. Thú thật ban đầu tôi có hơi e ngại vì sự nổi tiếng của anh. Đối với một người tài hoa như thế, tôi biết phải nói gì. Chỉ e là kiến thức của mình quá ít ỏi, suy nghĩ của mình còn nông cạn , nhận thức của mình thiếu sâu sắc sẽ khiến mình lúng túng và trở nên lố bịch. Nhưng rồi vì đã có lần do hào hứng khi xem tranh của anh qua màn hình máy tính, tôi đã hẹn nếu có cơ hội về Việt Nam, nhất định sẽ ghé nhà anh để chính mắt được ngắm nhìn tranh anh, chắc chắn sẽ đẹp hơn rất nhiều so với nhìn qua hình chụp và đăng trên FB. Thế là phải giữ lời đã hứa. 

Được gặp nhà họa sĩ tôi có chút xúc động ngỡ ngàng. Anh đã tiếp đón chúng tôi rất ân cần và chân tình khiến chúng tôi thấy cuộc viếng thăm này là cơ hội không nên bỏ qua vì nó đầy ắp tình người. Trong phòng khách nhà anh là những bức tranh xé dán được dựng vào tường chung với nhau cùng với những bức phù điêu được làm từ xốp phế thải. Giá mà anh có một phòng thật lớn để trưng bày những bức tranh quý như thế thì tốt biết mấy. Chúng tôi không có đủ không gian và thời gian để có thể ngắm những bức tranh với những màu sắc mà theo cảm nhận của nhà báo Đặng Ngọc Khoa là "màu sắc của một tâm hồn lộng lẫy". Anh đưa cho chúng tôi xem một chùm hoa cúc anh đang xé dán. Chỉ một chùm hoa bé tí mà anh đã mất 3 ngày để làm ra. Anh quả thật là một họa sĩ tài năng nhưng rất kiên nhẫn mới có thể cống hiến hết mình như thế cho những sáng tạo nghệ thuật của mình. Anh đã có những hướng đi rất riêng, rất lạ, rất Lâm Chiêu Đồng. Trân trọng và ngưỡng mộ biết mấy một con người tài hoa như anh.

Chia tay anh Lâm Chiêu Đồng với một cảm giác tiếc nuối vì không được nói chuyện nhiều, cũng không được ngắm tranh như mong muốn. Đành hẹn một ngày không xa, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn. Anh sẽ đón chúng tôi với những tình cảm rất thật, xuất phát từ trái tim nhân hậu và nồng nàn, như lần này chứ?

Trở về Sài Gòn khoảng 2 giờ trưa và lại chuẩn bị cho cuộc họp mặt với các em cựu học sinh đang sống và làm việc ở Sài Gòn. Các em hẹn ở nhà hàng Làng Nướng 63 Cao Thắng quận 3. Người "tổ chức sự kiện" là em Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đã từng làm nghề gõ đầu trẻ nhưng theo lời tâm sự của em, vì thấy có nhều mảng tối trong ngành nên bỏ nghề dù lòng nhiệt tình với học sinh vẫn còn bừng cháy trong trái tim bé nhỏ và hiện nay là hướng dẫn viên du lịch đi tour ở ngoài nước. 

Đến chung vui với nhóm khóa 96 còn có lớp trưởng Đặng Thanh Bình, lớp phó học tập Nguyễn thị Tú, vợ chồng Dương Thái Thanh, vợ chồng Nguyễn thị Thu Trang, Trần thị Hồng Vân, Huỳnh Tú Anh, Trương Nguyên Lạc, Biện thị Thu Thanh, Hồ Nhựt Phong, Đặng thị Việt Nga, ...


2015- Mừng họp mặt thầy cô Nguyễn Thông





Dương Thái Thanh và chồng.






Sau tiệc là karaoke ở Avatar. Các em đã dành nhau mà ca và không về cho đến lúc quán bị cúp điện. Khi thầy trò về đến nhà, đồng hồ chỉ nửa đêm. Không kịp cắt bánh ăn vì chỉ lo ca và dự định ca đến sáng. Haiz!!

Chúng tôi đã có thêm một ngày đầy ắp tiếng cười và niềm vui với các trò nhỏ cách đây 20 năm. Giờ chia tay thầy trò bịn rịn không muốn về. Các em đã kể cho nghe công việc đang làm và cuộc sống gia đình. Phần lớn các em thành đạt. Có em có một gia đình hạnh phúc, có em cuộc sống chưa được như ý, có em vẫn chưa có một mái ấm. Cô thầy vui vì hạnh phúc của các em. Cô thầy nén tiếng thở dài vì các em có những nỗi buồn nhưng không muốn chia sẻ vì sợ thầy cô lo lắng. Chia tay với những cái ôm siết chặt vào lòng không muốn bỏ ra, với những nghẹn ngào không dám khóc. Lòng cô giống như của người mẹ vui sau cái vui của con nhưng buồn trước nỗi buồn của con. Chỉ còn cách cầu mong cho các em sống được vui vẻ và hạnh phúc.

Đến tận bây giờ tôi vẫn luôn thấy hạnh phúc vì đã được sống và làm việc ở Vĩnh Long trong gần 20 năm. Chính cái nghề gõ đầu trẻ này đã mang lại cho tôi những niềm vui bất ngờ, những cảm xúc òa vỡ mà tôi nghĩ khó có thể tìm thấy ở một nghề nào khác.Tôi thật sự may mắn vì đã được làm người đưa đò cho các em qua sông và thấy nhiều lứa học sinh của mình lớn lên và thành đạt. Thậm chí có nhiều học sinh cũng theo nghề dạy học như tôi nhưng các em đã vượt xa tôi về mọi mặt và tôi tự hào về điều đó. Tôi muốn nói đến trò nhỏ Nguyễn thị Tú, bây giờ là giảng viên và là trưởng khoa Ngoại ngữ của trường Đại học Sư phạm. 

Đêm nay chúng tôi kết thúc ngày thứ 11 trong lộ trình trở về nhà sau bao năm ở xứ người. Dù không muốn khóc nhưng thật sự có những giọt nước mắt hạnh phúc của người xa quê đã từng đau đáu trong tim một nỗi nhớ về nơi những nơi đã sinh ra, đã lớn lên, đã làm việc và đã sống với biết bao người yêu mến chung quanh…

( Mời quý ACE xem tiếp phần 8. Một câu chuyện dài nhiều tập.. Cảm ơn đã đọc.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét