Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Chuyện bây giờ kể lại- Phần 9

Thân Hạnh

Ngày thứ mười ba - Hôm nay là ngày chủ nhật 24/5. Anh Vinh Tran có cái hẹn cà phê với con trai một người đồng nghiệp cũ dạy ở Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách đây gần 40 năm. Quán cà phê tên Miền Đồng Thảo, ở số 221 A, phường 8, quận Phú Nhuận. Anh bạn già đồng nghiệp Phùng Tiết ở Ninh Phụng, Ninh Hòa của chúng tôi là một nhà giáo đã nghỉ hưu và là một nhà thơ nổi tiếng đã in nhiều tập thơ. Không gặp được anh bạn già sau bao nhiêu năm nhưng lại được gặp con và hai cháu nội của anh. Thôi thì đành hẹn hội ngộ lần sau, một ngày không xa nhé anh.


Trên đường về nhà, anh Vinh Tran đã trải nghiệm một nét đẹp nhỏ của người Sài Gòn. Tôi xin phép được trích stt anh ấy đã viết:

"Tôi bước ra khỏi quán cà phê và vẫy tay gọi một chiếc xe ôm về Gò Vấp. Tôi hỏi bác xe ôm về Gò Vấp giá bao nhiêu. Bác xe ôm hỏi tôi anh trả bao nhiêu tiền từ Gò Vấp đến đây. Tôi trả lời 30K. Bác xe ôm nói:" Vậy thì tôi tính 30K".
Tôi leo lên xe ngồi sau lưng bác. Trên đường đi hai anh em nói chuyện rôm rã về Sài Gòn, về con người, về mọi thứ. Đến bùng binh ngã Sáu thì kẹt xe. chúng tôi mất gần 30 phút mới có thể thoát khỏi chỗ đó. Sài Gòn bây giờ kẹt xe khủng khiếp. Tôi thấy áy náy vì nghĩ chuyến này bác xe ôm chắc không kiếm được bao nhiêu rồi nếu không muốn nói là huề trất. Đến nhà tôi gửi thêm cho bác xe ôm 20K coi như bù cho bác thời gian đứng chờ nhưng xe vẫn nổ máy.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, bác xe ôm trả lại tôi 20K tiền tặng thêm và từ tốn nói:"Tôi đã nói với huynh 30K là 30K, đừng bân tâm huynh". Nụ cười vẫn giữ trên môi, bác rú ga chạy thẳng không để ý đến tôi đang ngẩn ngơ nhìn theo dáng người gầy gò khắc khổ của bác.

Tôi thấy cay cay trong mắt. Ôi nét đẹp nhỏ người Sài Gòn!"

Nói đến xe ôm, tôi đọc được một bài báo với hình ảnh: Bác Phúc (SN 1955), hành nghề xe ôm ở hẻm 96, đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận. Trong suốt 30 năm chạy xe ôm, bác đã chở miễn phí cho không biết bao nhiêu người tàn tật. Thật đúng là người có tấm lòng vàng!

Hình của kenh14.vn

Gần đây trên FB, tôi cũng được đọc vài truyện ngắn của nhà văn Đàm Hà Phú viết về người Sài Gòn. Đa số các câu chuyện của anh đều xoay quanh tấm lòng đôn hậu hào phóng của người Sài Gòn, nhất là của những người dân lao động. Tôi rất thích đọc những câu chuyện như thế của anh. Chúng khiến cho chúng ta có cái nhìn lạc quan vì chung quanh mình còn biết bao nhiêu tấm lòng đầy ắp tình người ấm áp và nồng nàn. Câu chuyện anh Vinh Tran kể hôm nay cũng là một nét đẹp của người dân lao động Sài Gòn- tính hào sảng của người dân Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng.

Nói đến người Sài Gòn, còn biết bao nhiêu điều tốt đẹp khác mà báo chí đã nhắc đến. Tôi không có thời gian để tận mắt thấy, tận tai nghe nhưng vào trang web kenh14.vn/xahoi, chúng ta có thể đọc và xem hình ảnh của nhiều tấm lòng đẹp của người Sài Gòn. 

Ví dụ "Con hẻm nhỏ đặc biệt giữa Sài Gòn - nơi cái gì cũng được dùng miễn phí!" (1) là nhan đề của một bài viết giới thiệu con hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM, nơi mà "từ tủ thuốc treo ngay ở đầu hẻm, bình nước uống hay xe ôm, vá xe... cho đến cả dịch vụ mai táng, cái gì trong con hẻm nhỏ này cũng đều được ghi rõ là "miễn phí". Nhờ nó mà những người nghèo khổ, những người khuyết tật khó khăn, mỗi khi đi qua đây lại thấy ấm lòng hơn..."

hoặc bài báo "Con hẻm của hàng trăm suất cơm miễn phí cho người nghèo ở Sài Gòn"(2) với tựa đề : 5h30 sáng, con hẻm 178 Đoàn Văn Bơ (P.9, Q.4, TP.HCM) trở nên nhộn nhịp, người dân nơi đây đang chuẩn bị nấu cháo từ thiện cho người nghèo, bệnh nhân tàn tật, người vô gia cư...

Ngoài ra còn có những bữa cơm ấm áp tình người trong dự án trợ giúp suất ăn giá rẻ của Quỹ từ thiện Tình Thương. Đó là những quán cơm xã hội trong hệ thống quán Nụ Cười, lần lượt ra đời như Quán cơm xã hội Nụ Cười 1 ở quận 1 (3), Quán cơm tương trợ Nụ Cười 2 ở quận Tân Phú (4), Quán cơm xã hội Nụ Cười 3 ở quận 7 (5), Quán cơm Nụ Cười 4 ở quận 4 (6), Quán cơm xã hội Nụ Cười 6 ở quận Thủ Đức (7) . Mỗi suất cơm giá chỉ 2.000 đồng/phần, gồm đủ cơm (bao no), canh, món mặn, món tráng miệng với chất lượng tương đương suất cơm giá 15-20 nghìn ở bên ngoài. Các quán Nụ Cười ở tất cả chi nhánh trong Sài Gòn đều ngăn nắp, sạch sẽ, mở cửa từ sớm để tiếp đón người nghèo từ khắp mọi nơi. Tính đến nay, Nụ Cười đã có 6 quán với 5 quán ở Sài Gòn và 1 ở Phan Rang (8), sẽ có thêm Nụ Cười Sông Trà của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và Nụ Cười 5 đang tìm mặt bằng ở Hà Nội.

Vì muốn đa dạng và mọi người đến ăn cảm thấy hạnh phúc hơn nữa, các quán cơm Nụ Cười ở Sài Gòn đã thực hiện chương trình "Ngày thứ năm hạnh phúc" (9) với các món như: phở, hủ tíu, bún bò, bún bò huế... với giá chỉ 1.000 đồng/1 tô và mọi người ăn bao nhiêu tùy thích.

Các hành động lá lành đùm lá rách của người Sài Gòn không chỉ có chừng đó và cũng không chỉ có ở Sài Gòn mà ở tất cả mọi nơi trên tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Qua mạng xã hội FB, tôi đọc được những việc làm của các facebookers như Nhí Nhố ở nhóm Từ thiện Cà phê Suối mơ, Thao Dinh ở Trà Vinh, Tâm Hải ở Hội Phật quang, Khánh Hòa.. Tất cả đều muốn đóng góp một chút sức mọn vào việc giúp đỡ phần nào những mảnh đời bất hạnh, để làm đẹp cuộc đời, để có thêm nhiều nụ cười an lạc nở trên môi mọi người.

Trân trọng biết mấy những cử chỉ nhường cơm xẻ áo của mọi người ở khắp mọi nơi trên quê hương có hình cong như chữ S.

Xế chiều, cô Lâm Trần Tố Loan ghé thăm. Cô từng là đồng nghiệp của chúng tôi ở trường THPT Nguyễn Thông. Là một giáo viên dạy giỏi môn Hóa học, được học sinh nhiều khóa thương mến vì phương pháp truyền thụ kiến thức sinh động, vì lòng nhiệt tình với trường, với lớp, nhưng trên tất cả là vì tấm lòng thương yêu học sinh vô điều kiện. Hiện nay cô đã về Sài Gòn dạy học, ở chung với người em trai. Gia đình chỉ có hai chị em. Ba mẹ đều đã không còn. Cô tâm sự: " về đây chỉ đi dạy ở trường, không đăng ký mọi danh hiệu thi đua, không dạy thêm, sau giờ dạy ở trường là lo dạy dỗ cho các cháu gọi bằng cô". Cuộc sống cô bây giờ thật nhẹ nhàng, an lạc. Hôm nay là chủ nhật đầu tiên của tháng âm lịch (7/4) và cô vừa đi dự khóa tu "Niệm Phật một ngày" ở chùa Hoằng Pháp về. Chùa tọa lạc ở Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam, do Thượng tọa Thích Chân Tính trụ trì. Trên đường từ chùa về, cô ghé thăm chúng tôi. Thật không biết nói sao cho hết những tình cảm thân thương cô đã dành cho chúng tôi.


Suốt ngày chúng tôi ở nhà chơi với các cháu và chụp hình lưu niệm. Tình cảm gia đình đầm ấm tuyệt vời.





Một ngày nữa lại qua đi. Vẫn những nụ cười tròn trịa, trong trẻo và những cảm xúc tuyệt vời chúng tôi có được trong những ngày ở quê nhà. Cảm ơn đời, cảm ơn cuộc sống, cảm ơn tất cả mọi người.

( Mời quý ACE xem tiếp phần 10. Một câu chuyện dài nhiều tập.. Cảm ơn đã đọc.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét