Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Chuyện bây giờ kể lại- Phần 6

Thân Hạnh

Ngày thứ mười- Đêm hôm trước khi chúng tôi từ Đà Nẵng bay về Sài Gòn đã gần nửa đêm của ngày thứ Tư. Sáng thứ Năm, chúng tôi lật đật chuẩn bị cho chuyến đi về Vĩnh Long, nơi chúng tôi đã gắn bó gần 20 năm. Chưa đến 8 giờ sáng em lái xe đã nhắn tin cho tôi: " Cô ơi em đến rồi" để nhắc chúng tôi đã đến giờ khởi hành. Chúng tôi may mắn có một em học sinh cũ đề nghị cho mượn xe và người lái xe để chuyến đi gặp nhiều thuận lợi, nhất là trong việc đi thăm người thân, bạn bè và đồng nghệp cũ ở Vĩnh Long. Chúng tôi không biết phải nói gì để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự chu đáo và giúp đỡ của em ấy.

Thời gian đi từ Sài Gòn về Vĩnh Long được rút ngắn nhờ có đường cao tốc, đây là cái mới mà đến bây giờ chúng tôi mới biết. Khi xe sắp đến cầu Mỹ Thuận, lòng chúng tôi ngập tràn cảm xúc. Những kỷ niệm xưa về phà Mỹ Thuận chợt hiện về. Nhớ những tiếng rao hàng, những âm thanh đủ loại và nhớ cả cái nắng khi phải xuống xe đi bộ qua phà.

Về đến phường 9, chúng tôi tạt vào thăm anh chị bên chồng. Nhà nằm trong con hẻm có tấm bảng Hớt Tóc Nghĩa đã tồn tại ở đó không biết bao nhiêu năm rồi nhưng bây giờ chúng tôi không còn thấy nữa. Chúng tôi phải hỏi đường mới tìm được con hẻm nhỏ dẫn đến nhà anh chị. Không biết vì thay đổi nhều quá hay vì chúng tôi già quá nên mắc bệnh Alzheimer? Chị già hơn xưa đó là chuyện đương nhiên. Các cháu nội ngoại của chị nay đã lớn lắm rồi và tíu tít vòng tay cúi đầu chào ông Tám, bà Tám. Chị điện thoại gọi con trai, con gái về thăm cậu mợ Tám và gọi anh rể về sớm để gặp hai em. Không khí thắm đượm tình cảm gia đình. Sau khi sắp xếp xong việc đi thăm mộ ông bà nội vào sáng hôm sau, chúng tôi chia tay anh chị và các cháu goi cậu mợ, và gọi ông bà. Chị đã nói với chúng tôi khi từ giã là lần sau các em về không biết anh chị có còn không. Câu nói của chị làm tôi thấy đắng lòng. Anh chị lớn hơn chúng tôi chỉ vài tuổi. Do đó không thể biết ai ra đi trước ai đây?

Rời phường 9, chúng tôi lên phường 8, đường Đinh Tiên Hoàng, nơi có khu tập thể giáo viên và trường THPT Nguyễn Thông. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi ghé là nhà anh Ba. Anh nguyên là hiệu trưởng đầu tiên của chúng tôi và chị Hồng Điều là người quan tâm đến chuyến về thăm quê của tôi nhiều lắm. Chị liên tục hỏi thăm tôi khi nào về đến Vĩnh Long. Mới sáng sớm ngày 21, chị đã hỏi tôi em đi đến đâu rồi, sắp về tới chưa? Em cảm ơn tình cảm ấm áp chị dành cho chúng em. Càng cảm động hơn khi vừa vào đến nhà chị đã bày biện món ăn thức uống tiếp đón chúng tôi. Chị đãi chúng tôi món cuốn bì, mỗi người một ly lớn chè sâm bổ lượng mát lạnh. Do tôi không ăn được món bì cuốn mặn, chị bèn đãi sầu riêng. Anh chị em gặp nhau không nói được nhiều như mong muốn vì thời gian không cho phép nhưng tình yêu thương thì ngập tràn trong từng cử chỉ, từng nụ cười và từng ánh mắt.


Người thứ hai chúng tôi ghé thăm là anh Phạm Cường. Từ lâu chúng tôi không xem anh chỉ như là đồng nghiệp mà hơn thế nữa, là người anh. Anh không lập gia đình, sống thui thủi một mình. Trông anh không khỏe khiến tôi rơi nước mắt. Muốn làm một điều gì đó cho anh, anh cho phép không anh?



Sang nhà cô Chín Nguyễn và thầy Lý Đại Hồng, chúng tôi gặp những niềm vui tương tự. Vẫn những lời thăm hỏi và những kỷ niệm xưa được nhắc lại. 

Rồi nhà thầy Huỳnh văn Sanh và cô Dửng. Thầy lấy tặng tôi cuốn băng video kỷ niệm 25 năm thành lập trường Nguyễn Thông và 2 quyển kỷ yếu 25 năm sức trẻ Nguyễn Thông và 30 năm một niềm tự hào. Gặp cô Trương Ngọc Phấn chuẩn bị đi làm, hai chị em ôm nhau mừng không nói thành lời.




Muốn ghé thăm tất cả các đồng nghiệp vừa là láng giềng trong khu tập thể nhưng lúc ấy là giờ nghỉ trưa, cửa nhà nào cũng đóng kín nên đành nhờ anh Sanh dẫn qua trường để thăm lại cảnh cũ người xưa. Chúng tôi xin phép thầy hiệu trưởng để đi thăm quanh trường. Gặp được hai cô giáo trong tổ bộ môn ngày xưa đang trên lớp nhưng cũng tranh thủ chụp hình kỷ niệm: cô Đặng Thu Dung và Phạm Lê Kỳ Duyên. 




và ba giáo viên cũ là thầy Trung dạy Lý, thầy Trung dạy Toán và thầy Bình dạy Toán. Còn lại là giáo viên trẻ về trường sau khi chúng tôi đã nghỉ. Ấn tượng đầu tiên của tôi là trường vẫn còn thiếu bóng mát nhiều. Nắng và nóng. Cứ nghĩ sẽ được thưởng thức nhiều sắc màu của bằng lăng tím, của phượng đỏ, của điệp vàng, của tràm bông vàng, của hoa hoàng hậu, của ngọc lan trắng và của cả những bụi cỏ mười giờ rực rỡ đủ màu, nhưng chúng tôi đã đến không đúng lúc. Hoa không nhiều và không khoe sắc. Có một chút thất vọng nhưng hy vọng lần sau khi về thăm lại trường xưa, sẽ có nhiều bóng mát hơn và nhiều sắc màu hơn.

Và đây là cổng trường THPT Nguyễn Thông.


Xin cảm ơn anh Sanh, Ba Đông Anh đã giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi đi xem cảnh trường vào một buổi trưa nhiều nắng như thế. Tình hàng xóm, tình bạn cùng nghề của các anh chị em đối với chúng tôi vẫn tròn trịa như ngày nào dù bây giờ tóc ai cũng đã không còn xanh, mắt ai cũng đều phải đeo kiếng vì tuổi già đã gõ cửa từ lâu rồi. 

Rời trường Nguyễn Thông, chúng tôi về Long Hồ thăm gia đình cô em út bên chồng. Tay bắt mặt mừng, anh em nói với nhau đủ thứ chuyện. Là em gái nên cô út loay hoay dọn cơm, pha nước cho anh chị. Thương nhau biết mấy cho vừa.

Một người em tôi biết từ những năm cuối thập niên 80 nhưng chưa hề gặp mặt, có nhiều cái chung như cùng có quê hương là Huế, cùng làm dâu đất Vĩnh, tuy vậy tuyệt nhiên tôi không thể nào có điểm chung về khoản tài hoa của em ấy. Tôi muốn nói đến Dương Thanh Thanh, một phụ nữ có giọng nói nhẹ nhàng như mây trời, một nhà thơ và cũng là một nhà văn. Dù thời gian có eo hẹp cách mấy đi nữa, chúng tôi không thể không đến thăm, dù chỉ nhìn nhau dăm ba phút thì cũng phải gặp mới yên tâm. Em đang bệnh phải điều trị dài hạn nhưng cái vẻ lạc quan yêu đời vẫn không mất trong nụ cười, trong ánh mắt và cả trong giọng nói của em. Cố lên Thanh nhé.


Chúng tôi cũng đến thăm anh Lâm Chiêu Đồng, một người có đôi bàn tay vàng trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật với nhiều loại tranh khác nhau như tranh xé dán đã đoạt nhiều giải thưởng, tranh thủy thái họa, tranh sơn mài, những tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu xốp giả đá, giả gỗ, giả đồng mà tôi hân hạnh được quen biết. Thú thật ban đầu tôi có hơi e ngại vì sự nổi tiếng của anh. Đối với một người tài hoa như thế, tôi biết phải nói gì. Chỉ e là kiến thức của mình quá ít ỏi, suy nghĩ của mình còn nông cạn , nhận thức của mình thiếu sâu sắc sẽ khiến mình lúng túng và trở nên lố bịch. Nhưng rồi vì đã có lần do hào hứng khi xem tranh của anh qua màn hình máy tính, tôi đã hẹn nếu có cơ hội về Việt Nam, nhất định sẽ ghé nhà anh để chính mắt được ngắm nhìn tranh anh, chắc chắn sẽ đẹp hơn rất nhiều so với nhìn qua hình chụp và đăng trên FB. Thế là phải giữ lời đã hứa. 

Được gặp nhà họa sĩ tôi có chút xúc động ngỡ ngàng. Anh đã tiếp đón chúng tôi rất ân cần và chân tình khiến chúng tôi thấy cuộc viếng thăm này là cơ hội không nên bỏ qua vì nó đầy ắp tình người. Trong phòng khách nhà anh là những bức tranh xé dán được dựng vào tường chung với nhau cùng với những bức phù điêu được làm từ xốp phế thải. Giá mà anh có một phòng thật lớn để trưng bày những bức tranh quý như thế thì tốt biết mấy. Chúng tôi không có đủ không gian và thời gian để có thể ngắm những bức tranh với những màu sắc mà theo cảm nhận của nhà báo Đặng Ngọc Khoa là "màu sắc của một tâm hồn lộng lẫy". Anh đưa cho chúng tôi xem một chùm hoa cúc anh đang xé dán. Chỉ một chùm hoa bé tí mà anh đã mất 3 ngày để làm ra. Anh quả thật là một họa sĩ tài năng nhưng rất kiên nhẫn mới có thể cống hiến hết mình như thế cho những sáng tạo nghệ thuật của mình. Anh đã có những hướng đi rất riêng, rất lạ, rất Lâm Chiêu Đồng. Trân trọng và ngưỡng mộ biết mấy một con người tài hoa như anh.



Chia tay anh Lâm Chiêu Đồng với một cảm giác tiếc nuối vì không được nói chuyện nhiều, cũng không được ngắm tranh như mong muốn. Đành hẹn một ngày không xa, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn. Anh sẽ đón chúng tôi như lần này chứ, với những tình cảm rất thật, xuất phát từ trái tim nhân hậu và nồng nàn?
Chúng tôi trở về khách sạn để chuẩn bị cho cuộc họp mặt với các em cựu học sinh Nguyễn Thông vào 5:30 chiều cùng ngày.

Tối ngày thứ mười- Ngày 5/5 khi chúng tôi vừa đăng stt Mai chúng tôi về em có về không? thì ngay sau đó đã có nhiều bạn bè, đồng nghiệp cũ và cả những cựu học sinh Nguyễn Thông trong nước cũng như nước ngoài hỏi thăm khi nào về, hẹn gặp mặt và chúc một chuyến về thăm quê vui vẻ, hạnh phúc. Lòng đầy nỗi niềm thương nhớ và xúc động , chúng tôi đã nôn nao biết mấy chuyến về thăm quê lần này. Ngoài các thầy cô giáo đồng nghiệp cũ, các em cựu học sinh đã đón chờ chúng tôi với tình cảm thầy trò thật sâu đậm. Học sinh nhiều khóa, từ 1989 đến 2005 đã liên tục nhắn tin cho tôi và chia thành 2 nhóm, nhóm Vĩnh Long và nhóm Sài Gòn. Không có thời gian để họp mặt riêng từng khóa, tôi đề nghị các em nhập chung vào một buổi và các em đã chọn tối 21/5 tại nhà hàng Thiên Tân ở Vĩnh Long. Người lo liệu mọi điều là em Hoàng Hữu Chỉnh, cựu học sinh khóa 96. Bây giờ hầu như em nào cũng đều trên dưới 40, đều có một mái ấm nhỏ của mình nhưng các em đã sắp xếp sau giờ làm việc để tập trung về họp mặt. 

Huỳnh Sơn cô học trò luôn có nụ cười trên môi và Phạm thị Thu Hương

Hình do em Trần Lâm ghép.

Thầy và đại đệ tử Hoàng Hữu Chỉnh sau 20 năm.

Cuộc hội ngộ quả thật đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Ban tổ chức tuyên bố lý do họp mặt thầy cô cũ và cựu học sinh Nguyễn Thông nhiều khóa. Tôi như được tiếp thêm sức sống nhờ niềm vui gặp lại một số đồng nghiệp cũ như thầy Lưu Vĩnh Ngộ, Bùi Anh Tuấn, Võ Minh Trí, Nguyễn văn Trung, cô Trương Mỹ Linh, Trần thị Bạch Vân, Phạm Lê Kỳ Duyên, Đặng Thu Dung, Trương Ngọc Phấn, Triệu Minh Tâm, Lê Nguyễn Lan Anh, Nguyễn Thái Phương. Xin cảm ơn các bạn, các em đồng nghiệp trước đây, đã chia sẻ với chúng tôi niềm vui này.

Tổ Anh văn của trường năm xưa: cô Lê Nguyễn Lan Anh, Đặng Thu Dung, Phạm Lê Kỳ Duyên

Cô Trương Mỹ Linh

Cô Triệu Minh Tâm

Cô Trương Ngọc Phán và cô Trần thị Bạch Vân

Chúng tôi không thể nhớ hết tên các em và năm các em tốt nghiệp. Thầy trò gặp nhau chỉ biết tay bắt mặt mừng. Ngoài Hoàng Hữu Chỉnh, có em Trần Lâm là phó nhòm.

Nhờ có em ấy, chúng tôi mới có những tấm hình đẹp và những khoảnh khắc thú vị.






Phan Thanh Yên Thảo là học sinh cũ chúng tôi có nhiều gắn bó. Em là một trong vài học sinh gần gũi với chúng tôi, nhất là những ngày tháng tôi ốm đau , bệnh tật. Bây giờ sau nhiều năm gặp lại nhau, cô trò vẫn có điểm chung, đó là cùng trên con đường tìm đến với chánh pháp.

Lucky money

Phạm Thị Thu Hương cũng là một học sinh đặc biệt của tôi.



Em đã cất giữ quyển tập môn Tiếng Anh tôi dạy em ngày nào. Em viết trong 1 stt nhân kỷ niệm ngày nhà giáo 20/11/ 2013 : " Dự định đúng 20 năm sau khi tốt nghiệp tú tài mình sẽ mang "kỷ vật" ra khoe các bạn. Nhưng mới đây, nhờ Facebook, mình đã tìm được Cô giáo dạy Tiếng Anh của mình năm 12. Rất nhiều kỹ niệm về Cô, về mái trường, về lớp học 12/6 "cá biệt" lại hiện ra giống như mới hôm qua.. Facebook các bạn các em hôm nay tràn ngập hoa cùng những lời chúc đầy ý nghĩa dành cho Thầy Cô. Riêng mình, mình chỉ muốn "khoe" với mọi người quyển tập môn Tiếng Anh, môn học mình yêu thích và "giỏi" nhất. Mình đã cất giữ nó 18 năm nay. Nó là hành trang của mình suốt 4 năm Đại học và 7 năm giảng dạy. Nét chữ đã phai, nhưng tình cảm yêu mến kính trọng của mình dành cho Thầy Cô giáo vẫn không thay đổi."

Tôi không biết có niềm vui nào lớn lao hơn đối với một người thầy khi 18 năm sau lại đọc được những dòng chữ như thế của một học sinh cũ viết về mình. Nhìn bìa quyển tập và bài học tôi dạy mà em đã ghi chép cẩn thận được em đăng trên trang cá nhân của em làm tôi rơi nước mắt vì xúc động. Cám ơn em về tình cảm em dành cho cô. Kỷ niệm thì lúc nào cũng đẹp và cũng đáng trân trọng cả em ạ. 
Tất cả các em khác như Huỳnh Sơn, Nguyễn Oanh Kiều, Hồ Quế Anh, Cok Coffee, Nguyễn Đông Châu, Diệp Cẩm Tú, Trần thị Hồng Gấm, Nguyễn thị A Kiều, Nguyễn Quốc Thoại Anh, Nguyễn Văn Bé Năm, Nguyễn thị Cẩm Vân, Phan Thị Mỹ Nương, Phương Thúy, Trương Thị Cẩm Vân...đều đã làm òa vỡ những cảm xúc trong chúng tôi tối hôm đó.

Điều đáng vui hơn nữa là ngoài những cựu học sinh Nguyễn Thông ra còn có sự tham gia của dâu, rể , cháu ngoại nội của trường. 



Tình cảm thầy trò thắm thiết biết bao!

Ban tổ chức tặng hoa cho các thầy cô và khóa 2001 tặng thầy cô quà lưu niệm.







Tặng hoa và quà của niên khóa 2001- Em Phan thị Mỹ Nương và Phương Thúy.

Sau đó là nâng ly cùng uống, cùng ăn. Không khí sôi động vô cùng
Các em nữ vẫn luôn quan tâm đến việc chụp hình để giữ làm kỷ niệm. Cô giáo già vừa cầm đũa lên chưa gắp được mếng nào thì có em đến mời chụp hình. Rồi vừa gắp được miếng tàu hủ chiên chưa kịp bỏ vào miệng thì em khác mời nâng ly. 

Dù có Nguyễn Thái Phương ngồi cạnh chăm sóc chu đáo nhưng cô giáo già vẫn không ăn được miếng nào. Ha ha!!! Cứ xoay quanh chụp hình và nâng ly mãi như thế nên cuối cùng cô giáo già bụng đói meo. Haiz!!! Nguyễn Thái Phương là cô giáo hiện dạy trường THPT Trưng Vương, con của cố đồng nghiệp cũ của chúng tôi là anh Nguyễn Văn Tam dạy môn Lịch sử . Chúng tôi bùi ngùi tưởng nhớ đến anh qua hình ảnh cô con gái. 

Các em cũng yêu cầu chúng tôi phát biểu cảm tưởng. Chúng tôi thật sự xúc động đến không nói thành lời. Nghĩ là sẽ có nhiều điều để nói với các em nhưng rồi không biết nói gì hơn là bày tỏ niềm vui đã được quý thầy cô và các em tiếp đón, lời cảm ơn sâu sắc và hẹn ngày không xa sẽ gặp lại.



Và cuối cùng là hát karaoke.

Trò nhỏ xinh gái Hồ Quế Anh

Thầy Võ Minh Trí và Cok Coffee.

Tiệc vui nào rồi cũng tàn. Chúng tôi chia tay nhau không khỏi bùi ngùi lưu luyến. Khi chúng tôi trở về khách sạn Cửu Long có lẽ đã gần 12 giờ đêm nhưng các em lại hú thầy đi cà phê và mãi đến 2 giờ sáng các thầy trò mới chịu ai về nhà nấy. Tôi chìm vào giấc ngủ dễ dàng mà miệng vẫn còn cười toe toét.

P/S Thầy cô cảm ơn em Hoàng Hữu Chỉnh đã tổ chức chu đáo và hoành tráng như thế. Đặc biệt là chỉ trong thời gian vài ngày sau khi cô cho biết lịch di chuyển của cô mà em đã huy động được một lực lượng hùng hậu đến vậy.

( Mời quý ACE xem tiếp phần 7. Một câu chuyện dài nhiều tập.. Cảm ơn đã đọc.)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét