Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Chuyện bây giờ kể lại- Phần 5

Thân Hạnh

Ngày thứ chín- Chúng tôi thức dậy trong cái yên tĩnh của khu nhà nghỉ Vĩnh Hưng ở Phố cổ Hội An. Một buổi sáng yên ắng. Tôi có thể nghe được tiếng kêu chiêm chiếp của mấy chú chim trên cành cây ngoài cửa sổ. Khí trời mát mẻ, lòng người hình như cũng muốn mở rộng với thiên nhiên. 






Chúng tôi chào đón một ngày mới với niềm vui bất ngờ thú vị. Trong lần gặp mặt người bạn nhỏ làm phóng viên ở Sài Gòn mà anh xã tôi đánh giá là xuất sắc tên MQA, anh đã kể cho MQA nghe về một người đồng nghiệp cũ quê ở thành phố Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An tên Nguyễn Tiến Mãi, cách xa đã 35 năm không có tin tức. Chỉ vài hôm sau, MQA đã cho chúng tôi số điện thoại liên lạc của anh NTM. 

Sau tháng 4/1975, rất nhiều giáo viên ở miền Bắc hoặc Bắc Trung bộ vào miền Nam dạy học. Lúc đó nhà nước giao cho họ nhiệm vụ đi chi viện miền Nam, có lẽ vì nhà nước nghĩ rằng giáo viên miền Nam không đủ trình độ về chuyên môn lẫn chính trị để dạy học sinh thành những con người toàn diện vừa hồng vừa chuyên chăng? Người bạn đồng nghiệp xứ Nghệ đó của tôi là một trong những giáo viên nhận công tác ấy.

Anh là giáo viên dạy môn Lý. Lúc ấy anh vừa đi học ở Rumani về và vào những lúc rảnh rỗi anh đều kể về những ngày tháng sống ở Ru. Tôi còn nhớ nếu không kể chuyện bên Ru thì anh lại kéo chiếc đàn violon mà anh từng nói là đi đâu anh cũng mang theo. Tôi mới vừa ra trường, chỉ ngoài 20. Chúng tôi dạy ở một ngôi trường trung học mang tên Nguyễn Trãi thuộc thị trấn Ninh Hòa, bây giờ đã là thị xã, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Anh cũng còn rất trẻ, và tình cờ tên tôi lại giống hệt tên vợ anh, lúc bấy giờ chị đang ở Vinh. Chúng tôi đã xem nhau là anh em. Anh chăm sóc cho tôi, nhất là những lúc tôi bị bệnh-kiếm lá cho tôi xông, kiếm thuốc nam cho tôi uống chữa bệnh hen phế quản. Tình cảm anh em thật sâu sắc và ấm áp cho đến ngày anh trở về Vinh vì hết thời hạn chi viện và chúng tôi mất liên lạc với nhau từ đó.

Biết được số của anh nhờ nhà báo MQA, chúng tôi gọi điện thoại cho anh và cho biết nick trên mạng FB. Chúng tôi đã kết nối. Anh bây giờ cũng đã có cháu ngoại nội và khi tôi nói chuyện với anh qua điện thoại là lúc anh đang trông cháu vì tôi nghe có tiếng trẻ con khóc inh ỏi. Anh cho biết anh có trở lại Nguyễn Trãi tìm chúng tôi nhưng lúc đó chúng tôi đã vào Vĩnh Long và không ai biết địa chỉ của chúng tôi để anh có thể tìm gặp. Một người bạn đồng nghiệp và là một người anh chí tình chí nghĩa. Tôi cảm thấy vui về cái duyên chúng tôi tìm gặp lại nhau và chân thành cảm ơn MQA đã giúp chúng tôi được trò chuyện với nhau sau 35 năm mất liên lạc.

Sau bữa điểm tâm chúng tôi chia tay với Hội An và trở về Đà Nẵng. Trên đường vào thành phố tôi thấy rải rác dọc các con đường, đa số không phải là những con đường lớn vì chính quyền không cho phép, người dân đặt những bình nước lọc dành cho khách bộ hành uống miễn phí. Đà Nẵng bây giờ có nhiều quán bán cơm chay hơn và theo lời em tôi kể thì nhiều nhóm người dân tổ chức những buổi phát cơm chay, phát cháo chay hoặc phát sữa đậu nành cho người nghèo. Họ tổ chức quy mô, có thông báo lịch hẳn hòi và làm đều đặn hầu như ở khắp mọi nơi trong thành phố. Ở các bệnh viện thì đã có những tổ chức từ thiện lo liệu và nếu bạn muốn tham gia thì phải đăng ký để ban tổ chức sắp xếp chứ không thể tự phát kiểu vui làm buồn nghỉ. Tất cả đều là do người dân phát tâm làm từ thiện chứ không phải của nhà nước. Hoan hô người dân Đà Nẵng! Họ đã và đang nhường cơm xẻ áo cho đồng bào mình, cho những người cùng dòng máu Việt, cùng nói tiếng Việt và cùng sống dưới một mái nhà Việt. Hoan hô! Hoan hô!

Về đến nhà, chúng tôi lại có thêm một bất ngờ khác nhưng có lẽ không được thú vị lắm. Đó là được gặp lại một người bạn nhỏ thời thơ ấu khi còn học tiểu học và trung học ở Đà Nẵng này, em Lê Như Thuyết. Sau 4/1975, tôi tiếp tục học ở đại học Sư phạm Huế và sau đó vào Ninh Hòa, rồi vào Vĩnh Long dạy học. Thỉnh thoảng chúng tôi về Đà Nẵng thăm gia đình vào những tháng hè nhưng hầu như không nhận được tin tức của em. Cho đến hôm nay do người em rể bắt liên lạc, chúng tôi mới gặp lại nhau. Em đã kể về một người anh đã ra đi vĩnh viễn, một người có duyên gặp gỡ tôi những ngày tôi là nữ sinh với áo dài trắng thướt tha và nhiều mơ mộng nhưng chúng tôi đã không có nợ với nhau. Điều làm tôi xúc động nhất là sau khi tôi rời bỏ Đà Nẵng đi Huế học đại học, anh ấy chỉ kết bạn với những người nào có tên giống tôi. Tôi nghe em Lê như Thuyết kể mà nước mắt rưng rưng. Cả đời anh đã sống theo đúng với tên của anh sao, hả anh Ngyễn Trung Thành? Bây giờ anh đã không còn trên thế gian này nữa, anh đã không còn buồn và thở dài khi nhớ đến tôi nữa. Tôi đã vô tình không hề hay biết. Bốn mươi ba năm rồi anh ạ. Bây giờ tôi đã là một bà lão da đã bị đồi mồi và đã có cháu gọi bằng bà. Tôi biết nói gì và phải nghĩ gì? Chia tay với em Lê Như Thuyết mà lòng nặng trĩu một nỗi buồn không nói được thành lời. Muốn đến viếng mộ anh dù chỉ một lần nhưng em bảo mộ ở cách đây xa lắm mà chị lại sắp bay vào Sài Gòn. Thôi đành vậy. Duyên cạn nên không có gì trọn vẹn, dù chỉ một nén nhang tôi muốn thắp lên để anh được ấm lòng một chút mà vẫn không thực hiện được. Buồn quá phải không anh?

Chúng tôi còn gặp thêm hai người bạn thời đại học nữa- Hoàng Dục và Ngô Kim Hoa- trước khi chúng tôi ra phi trường đáp chuyến bay đêm về Sài Gòn. Cuộc hội ngộ với nhiều tin tức về bạn cũ trường xưa tưởng như không bao giờ hết và chia tay mà bịn rịn vì còn nhiều điều chưa kịp nói, chưa kịp kể. Chỉ cần nghĩ đến biết bao giờ mới có thể gặp lại nhau và khi trở về biết ai còn ai mất cũng đủ cho chúng tôi nghẹn ngào không cầm được nước mắt.

Người em con dì tôi- Nguyễn Lan Anh- cũng đã 39 năm không gặp mặt đến thăm chúng tôi lúc 19 giờ. Khi tôi còn ở Huế, các em con dì tôi còn nhỏ. Khi tôi đi dạy xa nhà, thỉnh thoảng có về thăm quê thì các em ấy lại đi học hay đi làm xa nên dù là chị em họ nhưng chẵng biết mặt nhau. Em ấy chỉ kịp đưa tôi đi một vòng quanh vài con đường chính của Đà Nẵng để xem thành phố về đêm, đặc biệt là xem Cầu Rồng, là cây cầu thứ 7 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Cầu Rồng được thiết kế và xây dựng với hình dạng của một con rồng có khả năng phun lửa và phun nước như thật. Hiện tại, thời gian phun lửa và phun nước bắt đầu vào lúc 21 giờ các ngày Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn. 


Cầu Rồng về đêm

Đà Nẵng ơi xin chào! Một thành phố mà tôi rất tự hào về nhiều điều tốt đẹp. Da Nang is a really nice city! We love you, Da Nang!

( Mời quý ACE xem tiếp phần 6. Một câu chuyện dài nhiều tập.. Cảm ơn đã đọc.)
Trong bài viết có một hình ảnh sưu tầm từ Internet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét