Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Chuyện bây giờ kể lại- Phần 4

Thân Hạnh

Ngày thứ tám- Sáng thứ Ba chúng tôi thức dậy ở thành phố Đà Nẵng, thành phố tôi đã trải qua những năm tháng thời thơ ấu, từ bậc tiểu học đến hết trung học nhưng đã quá lâu không về thăm lại. Cảm nhận đầu tiên về thành phố này là sạch, khá sạch sẽ. Dù chưa thể so sánh với Singapore, nơi được mệnh danh là The Fine City nhưng cũng chẵng xa là mấy. Singapore là thành phố đẹp (tính từ FINE nghĩa là đẹp), đẹp vì sạch và Singapore cũng nổi tiếng với những mức phạt tiền nặng nề nếu người dân vi phạm ( danh từ FINE nghĩa là tiền phạt). Điều thứ hai tôi thấy tự hào về Đà Nẵng là có free wifi ở khắp mọi nơi, ngay cả ở thành phố cổ Hội An. Học sinh, sinh viên có thể sử dụng wifi ở bất cứ nơi nào trong thành phố Đà Nẵng để truy cập các thông tin cần thiết cho việc học tập. Điều này tuyệt vời, hơn cả sân bay quốc tế JFK của thành phố New York nổi tiếng thế giới.

Chúng tôi bắt đầu ngày bằng ly cà phê trong quán có tên là VIP Vườn, gần nhà người em gái của tôi. Không gian lịch sự, đẹp, tha hồ cho du khách và khách vãng lai chụp hình làm kỷ niệm. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. 




Đà Nẵng sáng hôm đó nhiều nắng. Chúng tôi đến Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt, Sơn Trà- Đà Nẵng là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng ở Đà Nẵng. Không rõ là do vô tình hay do chữ duyên mà cả ba ngôi chùa đều được tọa lạc trên những vị thế đắc địa của thành phố Đà Nẵng, tạo thành một tam giác linh thiêng trong thành phố. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước, nằm trên hòn Thủy sơn của 1 trong 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Chùa Linh Ứng Bà Nà, nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát "Đà Lạt của miền Trung" và Linh ứng Bãi Bụt, Sơn Trà, nằm lưng chừng núi – bán đảo Sơn Trà. Linh Ứng Tự Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa.

Chùa Linh Ứng được đặt viên đá táng đầu tiên vào ngày 19/6/2004 âm lịch, sau 6 năm xây dựng ngày 30/7/2010 (nhằm ngày 19/6 năm Canh Dần) thì chính thức khánh thành. 

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về phía đông bắc, ở độ cao 693m so với mực nước biển, bán đảo Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Dù đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy ngọn núi này.

Chùa Linh Ứng - Bãi Bụt nằm trên bán đảo Sơn Trà trực thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, do Thượng tọa Thích Thiện Nguyện trụ trì. Chùa tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, mặt nhìn ra biển Đông bao la, xa xa bên trái là đảo Cù lao Chàm án ngự, bên phải là ngọn Hải Vân ngăn che với dòng sông Hàn hiền hòa thơ mộng. 

Tọa lạc trên một ngọn đồi, mang hình con rùa hướng ra biển cả, lưng tựa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với bao chim thú, chùa Linh Ứng-Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà không những được xem là một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI mà còn là nơi hội tụ của linh khí đất trời và lòng người.

Đặc biệt,chùa Linh Ứng nằm ở một vị trí mà đi từ rất xa trên đường ven biển Sơn Trà Điện Ngọc, du khách đã có thể nhìn thấy ngôi chùa với mái ngói xanh xanh nằm vững chãi bên sườn Đông của bán đảo. Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất của thành phố về cả mặt quy mô cũng như về mặt nghệ thuật.

Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và trẻ nhất trong 3 ngôi "Linh Ứng Tự" ở Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng Bãi Bụt còn được biết đến bởi là nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam. (Theo Wikipedia)








Địa danh mà chúng tôi đến sau chùa Linh Ứng là Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước.Đây là tên chung của một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng - Hội An; nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Ngày 22 tháng 3 năm 1990, khu danh thắng này đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Tên núi Non Nước (tức Non Nước Sơn) đã có từ lâu đời, và đã đi vào ca dao Việt Nam như một tổng kết kinh nghiệm về thời tiết của người dân địa phương:

Chiều chiều mây phủ Sơn Trà,
Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa.

Cái tên ấy còn tìm thấy trong:

-Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng lập năm 1594, sau khi được vua Lê Thế Tông cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp, có ghi địa danh là "Non Nước Sơn".

-Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo (tự Đạo Phủ, quê Nghệ An) soạn vào năm Bính Dần (1686), vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành, có ghi địa danh là "Non Nước Sơn tam đỉnh" bằng chữ Nôm.

Tên Ngũ Hành Sơn xuất hiện muộn hơn, và đã được Lê Quang Định nói đến trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806): "Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước" 

Tháng 4 (âm lịch) năm 1825, vua Minh Mạng đến chơi Ngũ Hành Sơn lần đầu . Tuy nhiên, mãi đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tên của các ngọn núi ấy mới được nhà vua tái xác nhận bằng một văn bản hành chính. Sách Đại Nam dư địa chí ước biên có từ thời Nguyễn chép:

"Ngũ Hành Sơn ở huyện Diên Phước...Tục gọi là hòn Non Nước. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía đông bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía tây nam là núi Mộc Sơn, núi Dương Hỏa, núi Âm Hỏa. Hai ngọn phía tây là Thổ Sơn, Kim Sơn, (cho) khắc tên núi lên đá"...

Theo một số người, tên Ngũ Hành Sơn không những mang tính hoa mỹ hơn, mà người đặt ra nó đã dựa vào thế đất, thế núi và có kết hợp các yếu tố cơ bản của thuyết âm dương-ngũ hành. Tuy nhiên, ở cuối thế kỷ 19, một nhà nghiên cứu người Pháp là Albert Sallet, thì lại dựa vào chất liệu của núi đá để đặt tên cho thắng cảnh là "Les montagnes de marbre" (Những ngọn núi đá cẩm thạch) .

Ngoài ra, Ngũ Hành Sơn còn có các tên khác như: Ngũ Uẩn Sơn, Ngũ Chỉ Sơn(Theo Wikipedia)


Từ trên đỉnh Thủy Sơn, nhìn thấy một phần phong cảnh Ngũ Hành Sơn






Chùa Linh Ứng- Ngũ Hành Sơn- Tượng Phật Thích Ca





Chùa Linh Ứng- Ngũ Hành Sơn

Điều đặc biệt khi chúng tôi về tham quan lại Ngũ Hành Sơn lần này là NHS đã được thiết kế hệ thống thang máy giúp những người già yếu và không đủ sức khỏe có thể lên trên cao để chiêm ngưỡng các ngọn núi mà không cần phải leo.


Điểm đến cuối cùng trong ngày của chúng tôi là Phố cổ Hội An. Đó là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.

Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phần bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Với những giá trị nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 cuối năm 1999 (ngày 4 tháng 12 năm 1999), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí:
Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

(Theo Wikipedia)



Bến Hội An

Nhà cổ Hội An

Chùa Cầu Hội An




Cầu Nhật Bản- Hội An

Miếu Quan Công

Điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là thành phố cổ Hội An chỉ là một phố nhỏ gồm những ngôi nhà cổ nhưng lại thu hút rất nhiều người nước ngoài đến tham quan hàng đêm.

Chúng tôi trở về Vĩnh Hưng Riverside Resort nghỉ ngơi sau một ngày leo núi dưới cái nắng gắt của những ngày cuối tháng Năm ở thành phố quê hương.


( Mời quý ACE xem tiếp phần 5. Một câu chuyện dài nhiều tập.. Cảm ơn đã đọc.)

Trong bài viết có một số hình ảnh sưu tầm từ Internet.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét