Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Chuyện bây giờ kể lại- Phần 3

Thân Hạnh

Ngày thứ sáu- Chúng tôi trở về Sài Gòn theo chuyến bay duy nhất trong ngày. Bấy giờ là sáng chủ nhật. Anh xã đi chơi với những người bạn vừa đồng hương Huế, vừa đồng đạo, vừa đồng môn trong nhóm Hoan Thiện 63-64, trong đó có nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Vinh Sơn, là đạo diễn và tác giả kịch bản bộ phim truyền hình dài 11 tập nổi tiếng mang tên Đất Phương Nam. Anh còn là người Việt Nam đầu tiên đoạt danh hiệu "Đạo diễn châu Á xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim Madrid vào năm 2009. Ngoài ra còn có một người bạn đã hơn 30 năm mới gặp lại là anh Huỳnh văn Nhật, tự Nhật Y Khoa. Theo anh xã tôi, đây là "một con người cực đoan nhưng vô cùng đáng mến, là một tâm hồn Huế tinh khôi với một bề ngoài xù xì góc cạnh, là một người có kiến thức uyên bác với bề ngoài nông dân". Trong khi trò chuyện với cô học sinh cũ bây giờ là một bác sĩ thành danh Nguyễn thị Như Phượng, anh xã đã kể về người bạn thời trung học và đại học Huỳnh văn Nhật này, người đang là sinh viên y khoa năm thứ 3 nhưng lại bỏ học để về quê đi cày sau ngày 30/4/1975 nhưng bây giờ lại trở thành một trong vài vị "giáo sư " dạy luyện thi đại học nổi tiếng ở đất Sài Gòn. Có lẽ do người thầy cũ cách đây 25 năm giới thiệu người bạn của thầy quá kỹ nên cô bác sĩ có ấn tượng sâu sắc bèn mua 6 ký sầu riêng tặng thầy và bạn thầy. Những múi sầu riêng được xếp cẩn thận trong những hộp xốp gửi đến rất thơm ngon, chứa chan tình cảm của người học trò năm xưa nhưng thầy không chuyển đến tay bạn thầy được vì nhà bạn thầy ở xa quá, tận huyện ngoại thành Bình Chánh và thầy cũng có phần bận rộn "nhậu nhẹt" chút đỉnh. Hi hi.



Nguyễn Vinh Sơn, bạn thời tiểu học và trung học.


Huỳnh văn Nhật, bạn thời trung học và đại học.


Ngày thứ bảy- Một buổi sáng đầu tuần ở thành phố ồn ào tiếng xe chạy, tiếng còi, tiếng rao hàng, cả những bài vọng cổ có lẽ từ dĩa CD của nhà hàng xóm. Lâu quá rồi tôi mới nghe lại những âm thanh đường phố này, quen thuộc và thân thương biết bao. Một người bạn đang ở bang Illinois đã nói trong một bình luận về status của tôi rằng "âm thanh đường phố đã từng có lúc là điều khó chịu, khi đi xa lại là nỗi nhớ!" Ở xứ người, nơi chúng tôi đang sống, hiếm khi nghe những âm thanh như thế. Chỉ thấy xe chạy nối đuôi nhau, hoàn toàn im ắng và không một bóng người, ngay cả vào lễ giáng sinh, ngày lễ lớn nhất trong năm. Tôi còn nhớ một học sinh cũ là Nguyễn Tấn Hưng vừa định cư ở thành phố Philadelphia, thuộc tiểu bang Pennsylvania đã đăng hình chụp vào đêm lễ giáng sinh năm 2014 với dòng status như thế này: "Noel là gì thế này? Chán phèo". 



Hôm nay có hai người bạn chí cốt trong nhóm Hoan Thiện 63 -64 của anh xã ghé thăm- anh Nguyễn Vinh Sơn và anh Tống Viết Quý. Câu chuyện kéo dài tưởng như không thể kết thúc. Các anh đã nhắc về những người bạn trong lớp Hoan Thiện, về những gian nan vất vả vào những năm cuối của thập niên 70, 80. Những tình cảm chân thành từ các anh và những người bạn khác chưa có cơ hội gặp mặt hầu như không có bút mực hay lời hoa mỹ nào có thể diễn tả hết. Cảm ơn hai anh đã giúp chúng tôi thấy chuyến về thăm quê lần này có biết bao nhiêu ý nghĩa và đáng trân trọng biết mấy cái tình cảm đồng hương, đồng đạo, đồng môn của các anh dành cho chúng tôi. Những trải nghiệm tuyệt vời, không thể nào quên.

Đến chiều tối, chúng tôi lại vào sân bay quốc nội ra Đà Nẵng. Nhìn nụ cười luôn nở trên môi của chúng tôi, Dương Thái Thanh là một em học sinh cũ đã nói: "Với thầy cô, hình như cuộc sống thật đơn giản và nhẹ nhàng, là liều thuốc bổ không thể mua được bằng tiền". Lần này em gái tôi mua vé giá rẻ của hãng hàng không Viet Jet cho chúng tôi. Thay vì chuyến bay cất cánh lúc 19:20 lại bị hoãn sang 22:20. Em gái tôi phải gọi điện thoại, ít nhất cũng mất 6 cuộc để được sắp xếp bay lúc 20:20. Điều không hợp lý của hãng máy bay này là người dân đi các chuyến bay đến nhiều nơi khác nhau và giờ giấc khởi hành cũng khác nhau nhưng lại được xếp trong cùng một hàng duy nhất, nghĩa là chỉ có một nhân viên kiểm tra hành lý và vé tàu. Người dân cười nói ồn ào và than phiền về việc trễ giờ. Có người vừa cười vừa nói:" No delay, no Viet Jet", dịch nôm na là" Không trễ, không phải hãng máy bay Viet Jet". Cũng có người nói rằng" Họ hành mình cho đủ với giá rẻ mà mình đã mua mà". Nói chung là đủ kiểu nói châm biếm để mọi người cười quên thời gian phải chờ đợi vì trễ chuyến bay. Con tôi cho rằng vì giá rẻ nên số lượng vé bán ra rất nhiều mà hãng lại không đủ máy bay nên cứ dồn chuyến này lên chuyến kia như thế. Tôi không hiểu mấy về chuyện giá rẻ và trễ nãi này và không cảm thấy khó chịu vì theo tôi, hãng hàng không cũng có những cái khó của họ. Tại sao họ lại bán vé giá rẻ, phải nói là rất rẻ nếu so với hãng VietNam Airline, trong khi hãng VietNam Airline thỉnh thoảng cũng bị trễ như thường. Cuối cùng chúng tôi cũng ra đến Đà Nẵng,thành phố mà có người cho rằng là nơi đáng sống nhất Việt Nam hiện nay.

Tạm chia tay Sài Gòn với những cơn mưa chiều để đi xem những thay đổi lớn của thành phố thời thơ ấu của tôi, Đà Nẵng.



( Mời quý ACE xem tiếp phần 4. Một câu chuyện dài nhiều tập.. Cảm ơn đã đọc)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét