Thân Hạnh
Ngày thứ mười hai- Thêm một ngày ở Sài Gòn nghĩa là ngày sắp rời xa quê hương gần lại một ngày. Bắt đầu từ hôm nay chúng tôi chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn không đi đâu xa nữa. Thấy con gái tất bật lo cơm nước mà thương. Nghe đứa cháu ngoại mới 2 tuổi nói bi bô suốt ngày khiến cả nhà rộn rã tiếng cười. Không khí gia đình thật là đầm ấm.
Một cựu học sinh trường THPT Lưu văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long, em Ngô Tấn Lộc mời chúng tôi đi ăn cơm chay ở nhà hàng Loving Hut Hoa Đăng, số 38 Huỳnh Khương Ninh, phường Đa Kao, quận 1. Nhà hàng trông sang trọng, lịch sự. Chúng tôi đã có một bữa ăn ngon và nhiều ấn tượng khi thấy có khá nhiều thanh niên đến dùng cơm ở đây. Hiện nay ở Sài Gòn, Đà Nẵng và có lẽ các thành phố khác ở Việt Nam cũng vậy, càng ngày càng có nhiều quán bán cơm chay. Đã đến lúc mọi người nhận ra sự cần thiết của việc ăn chay. Ngoài việc tránh sát sinh, làm tổn thương đến mạng sống của nhiều loại động vật khác, ăn chay còn có lợi cho sức khỏe. Trên tất cả, ăn thuần chay còn là vì tình thương, vì mong ước cho một thế giới hòa bình, an lành.
Một bài viết có tựa đề: Các khoa học gia và nhà phát minh nổi tiếng nói về ăn chay,
(Nguồn: http://www.godsdirectcontact.org/unicode/news/160/vg5.htm), đã đưa ra nhiều ví dụ của nhiều nhà tư tưởng học và khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới đã giữ trường chay và xác nhận sự cần thiết của việc ăn chay từ quan điểm đạo đức, và từ bi, cũng như từ quan điểm khoa học. Những nhân vật xuất chúng trong lịch sử như Isaac Newton, Leonardo Da Vinci, Srinivasa Ramanujan(1887-1920), Nikola Tesla (1856-1943), Thomas Edison (1847-1931), Albert Einstein (1879-1955), Edward Witten, Brian Greene đều là những người ăn chay và chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ cần đổi thói quen ăn uống, chúng ta có thể mang biết bao lợi ích đến cho loài người.
Buổi chiều, chúng tôi có hẹn ăn cơm nhà một người bạn có biệt hiệu là Nhật Y Khoa. Anh Huỳnh văn Nhật là một trong những người bạn "thời sách đèn có nhau" của anh Vinh Tran, đã nhiều năm mất liên lạc và 35 năm rồi mới gặp lại nhau. Sở dĩ anh có biệt danh Nhật Y Khoa vì vào tháng 4/1975, anh ấy bỏ học khi đang là sinh viên năm thứ 3 đại học Y khoa Huế. Không biết cuộc đời anh sau đó đã trải qua ba chìm bảy nổi chín lênh đênh như thế nào chỉ biết cuối cùng anh đã lang thang vào khu vực ngoại thành của Sài Gòn đi cày, làm ruộng. Lúc bấy giờ nơi đó là chỗ khỉ ho cò gáy nhưng bây giờ là huyện Bình Chánh đông đúc và nhộn nhịp. Tôi đã chụp được tấm hình cây hoa sứ nhà anh và anh cũng đã đăng hình cây hoa khế và buồng chuối sắp chín trên cây..
Cùng đến dùng cơm hôm nay có một số bạn bè cùng là đồng hương Phủ Cam, Huế. Họ đều là những người bạn thời thơ ấu và cách xa nhiều năm giờ mới gặp lại của anh Vinh Tran. Họ đã kể đủ thứ chuyện, nhắc lại biết bao nhiêu kỷ niệm, buồn có, vui có. Tôi đã cười nhiều đến nỗi bị ho sặc sụa và... lên cơn suyễn.
Chúng tôi kết thúc ngày thứ 12 với nhiều hình ảnh thân thương trong vườn nhà anh Nhật, bây giờ là một chuyên gia dạy luyện thi đại học nổi tiếng của Sài thành. Nhìn những bông sứ trắng, những hoa khế đỏ, và buồng chuối trên cây bên cạnh chuồng gà, tôi nhớ bài thơ "Bài Học Đầu Cho Con”. của Đỗ Trung Quân. Sau này bài thơ đã được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc và mang tên Quê Hương. Bài hát có thêm câu cuối " ...sẽ không lớn nổi thành người". Tôi xin phép nhà thơ được chép ra đây bài thơ Bài Học Đầu Cho Con để khép lại câu chuyện tôi kể hôm nay:
Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè
Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ.....
( Mời quý ACE xem tiếp phần 9. Một câu chuyện dài nhiều tập.. Cảm ơn đã đọc.)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét