Thân Hạnh
Ngày thứ mười sáu- Hôm nay là ngày cuối chúng tôi còn đứng dưới bầu trời của Sài Gòn. Ngày mai phải trở về với bầu trời của thành phố Atlantic. Dù bầu trời ở đâu cũng xanh nhưng hình như bầu trời ở đây thấp hơn và chật hẹp hơn khiến người ta cảm thấy gần nhau hơn.
Bầu trời ở đây như thấp hơn phải chăng vì bây giờ là tháng Năm, tháng của những cơn mưa thường chợt ào xuống vào buổi chiều. Trời như chùng xuống, hơi ảm đạm một chút giống lòng của những con chim Việt đang có chút lưu luyến với những ngày vui hội ngộ đã qua mau.
Chúng tôi cũng thấy bầu trời như chật hẹp hơn vì đường phố Sài Gòn lúc nào cũng tấp nập xe cộ và người, tưởng chừng như mọi người đều đổ ra đường. Xe gắn máy nhiều vô số và mọi người đều bịt kín từ đầu đến chân, thật khó có thể nhận ra nhau khi đang chạy trên đường.
Dù thấp, dù chật hẹp, tôi vẫn muốn gắn bó với bầu trời này. Một cảm giác thân thương và chân thành đầy ắp trong trái tim người xa xứ vì những con người ở đây đã dành cho chúng tôi những tình cảm trọn vẹn và những niềm vui lớn lao không thể nói thành lời. Như buổi sáng nay tôi lại bất ngờ có một học sinh cũ ghé thăm, một trò nhỏ của niên khoá 93, Nguyễn Hoàng Anh. Em bận rộn với công việc nhưng sáng nay sau khi làm xong thủ tục xin visa đi công tác ở Hoa Kỳ, em đã ghé. Thầy trò đều thấy vui trong lòng vì đã được nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt, được ngồi gần bên nhau để hàn huyên đủ thứ chuyện, từ chuyện công việc đến chuyện gia đình, từ những kỷ niệm đẹp thời còn đi học đến những vất vả khi phải đương đầu với cuộc sống.
Buổi chiều chúng tôi có một cuộc họp mặt với bạn bè trong lớp Hoan Thiện 63-64 tại nhà anh Nguyễn Vinh Sơn. Tiểu chủng viện Hoan Thiện thuộc giáo phận Huế là tên một ngôi trường của Công giáo. Ngoài việc dạy văn hóa, trường còn có một sứ mệnh cao cả là đào tạo những linh mục tương lai. Cả hai khóa 63 và 64 gần một trăm chủng sinh nhưng cuối cùng trường chỉ đào tạo được một linh mục, đó là Đức Ông Phan Hiền, hiện đang làm việc ở Roma, Ý. Trong số trăm học sinh này, có anh chỉ học được vài tháng, có anh học vài năm chung với nhau nhưng tình cảm gắn bó khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Bây giờ các anh không những gắn bó với nhau mà thậm chí các nội tướng của họ cũng gắn bó như ruột thịt.
Tôi muốn kể một câu chuyện về tình cảm sâu đậm này của những học sinh lớp Hoan Thiện mà bản thân tôi cũng thấy bất ngờ. Đó là một người bạn tên Bùi Trầm đã mất trong chiến tranh năm 1975 nhưng gia đình anh không biết nơi anh được chôn cất. Một người bạn khác là Lê Xuân đã tìm ra mộ anh ở Thủ Đức và báo cho gia đình anh biết nhưng hoàn cảnh gia đình người đã mất ở Quảng Trị quá khó khăn không thể vào Nam lo liệu việc di dời hài cốt về nhà. Anh Nguyễn Vinh Sơn và anh em trong lớp Hoan Thiện trong nước và ở nước ngoài đã đóng góp công và của giúp vợ và con của người quá cố vào Sài Gòn và đích thân anh em đã đưa cốt về nhà anh Vinh Sơn ở Sài Gòn. Họ đã tổ chức đọc kinh cầu hồn và một buổi họp mặt tại nhà anh đạo diễn. Sau đó hai mẹ con đưa cốt về quê. Thật trân trọng nghĩa cử cao đẹp của anh em Hoan Thiện 63-64.
Đối với tôi, việc đưa cốt một người quen về nhà cũng không phải là một điều không thể. Tôi không mê tín dị đoan nhưng đối với đa số người Việt, nhất là những người lớn tuổi thì hình như đây là điều tối kỵ. Tôi thấy cảm phục anh Vinh Sơn và vợ của anh. Họ đã không nghĩ đến điều gì khác ngoài tình anh em đồng môn và đồng đạo với nhau nhưng trên tất cả vẫn là tình người đối với kẻ còn sống cũng như với người đã mất.
Buổi họp mặt diễn ra trong không khí vui hơn ngày hội. Tôi là thành viên mới được gia nhập của nhóm nhưng các anh các chị đã xem tôi là người nhà và hẹn lần sau cố sắp xếp để về dự hội ngộ hàng năm với nhóm. Năm nay hội ngộ được tổ chức ở Đà Lạt. Năm ngoái ở Huế và năm trước nữa ở Nha Trang.
Chúng tôi chia tay ra về lúc 9 giờ tối vì có hẹn với em Ngô Tấn Lộc đi uống nước. Anh Octo Thiên Nhân đại diện anh em Hoan Thiện tặng chúng tôi hai câu thơ:
Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông.
(Thơ Trịnh Bửu Hoài)
Nghẹn ngào không nói nên lời vì món quà chia tay và vì hai câu thơ các anh khéo chọn hợp với tâm trạng của chúng tôi. Nhớ câu cmt của cô Bùi Mỹ Hạnh: Tình người đẹp như thơ và đẹp hơn những vần thơ !
Chúng tôi đến Ami Cafe ở 133 đường Hai Bà Trưng , quận 1 gặp em Lộc. Em ấy không muốn đưa tiễn chúng tôi vào ngày mai ở phi trường nên muốn ngồi nghe nhạc và chia tay tối nay. Trước khi vào quán, chúng tôi đi bộ sang nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố và Diamond Plaza chụp hình kỷ niệm.
Ami Cafe (tiếng Pháp Ami nghĩa là bạn) là quán của một người bạn của em Lộc Ngô, là một trong những quán cafe nổi tiếng ở Quận 1. Hôm nay là tối thứ Tư, không phải cuối tuần nên không khí khá yên tĩnh. Quán trông lịch sự, chủ quán là một thanh niên còn trẻ, nói giọng Huế, là một diễn viên điện ảnh tôi không nhớ tên nhưng em trông khá điển trai với má lúm đồng tiền. Cô MC dẫn chương trình khá xinh đẹp. Đây là chương trình Hát Với Nhau nên khách lần lượt được mời lên hát hoặc tự đăng ký lên hát. Phần lớn khách là những người biết ca và ca hay nên chương trình diễn ra nhẹ nhàng, ấm cúng trong ánh đèn nhẹ vừa đủ sáng. Đúng là một không gian dành cho bạn bè và những người yêu ca hát. Ở mỗi bàn, chủ quán cho đặt một bình hoa để khách tặng ca sĩ lên hát, trong những bông hoa tôi thấy có kèm 200K đồng tiền Việt Nam. Thỉnh thoảng anh chủ quán cũng ca và ca hay mới nói chứ. Em Lộc ca hai bài vọng cổ, có một bài cùng ca với chủ quán. Chúng tôi đã trải qua một đêm thật bình lặng và thoải mái.
Cảm ơn em Loc Ngo đã tạo cho chúng tôi có một đêm cuối cùng ở thành phố vô cùng an lạc dù có chút bùi ngùi khi chia tay.
( Mời quý ACE xem tiếp phần cuối. Một câu chuyện dài nhiều tập và sắp kết thúc rồi. Cảm ơn đã đọc.)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét