Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

35 năm nhìn lại(1979-2014)

Vào ngày 22 tháng 12 năm 1979, TCV.Hoan Thiện bị đóng cửa, toàn bộ cơ sở bị chính quyền trưng thu, 62 chủng sinh đang tu học bị buộc phải rời nhà trường và trở về gia đình trên mọi miền đất nước…
2000 năm trước, vào thời hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số,tất cả mọi người phải về quê quán, Giuse đưa Maria đang tới ngày mãn nguyệt khai hoa về nguyên quán Bêlem để kê khai…và sau đó tất tả đưa cả hai mẹ con sang Ai cập để tránh lệnh vua Herôđê Cả đang truy sát Hài Nhi, sau chừng vài năm, lại đưa về quê nhà Nazarét miền Giuđa.
Theo dòng thời sự, năm 1961, Fidel Castro đưa cả đất nước Cuba gia nhập xã hội chủ nghĩa và cuối năm 2014, tức là sau 53 năm bị cô lập, Raul Castro lại rục rịch đưa ngược Cuba trở về hội nhập với thế giới tự do…

Trở lại chuyện 35 năm về trước, tôi cũng có mặt trong số 62 chú được lệnh trở về bổn quán…và tôi xót xa khi phải rời xa nơi mà như một nhà thơ đã viết:


“Khi ta ở,chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi,đất bỗng hóa tâm hồn.”


Đối với chúng tôi, tất cả 62 con người ngày đó, với mái nhà trường yêu dấu vô hạn đó, không chỉ hóa tâm hồn, mà còn hóa cả linh hồn. Nếu như sau 35 năm, đứng trước số 11 Đống Đa, phường Vĩnh Lợi,thành phố Huế, tôi có thể nhắm mắt đi một lèo khắp mọi ngõ ngách,mọi dãy lầu…trong tất cả khuôn viên TCV.Hoan Thiện.Vì trong 35 năm đó. hầu như tôi luôn nằm mơ đang sống tại nơi đẹp nhất trong suốt cuộc đời mình.Và thời gian đâu phải ít, gần cả 10 năm, chỉ thua lớp 69 của anh Lê Văn Hùng một năm.

Tôi vẫn nhớ như in buổi cầu nguyện chung cuối cùng tại TCV. có 124 cánh tay nắm chặt nhau thành một vòng tròn quanh bàn thờ, quỳ xuống trong nước mắt đầm đìa và thổn thức:Cho con sinh ra trong ngàn người rồi Chúa khẽ gọi con đi, dù tâm tư con không thể, hiểu thấu.......hiểu thấu sự gì? Tiếng khóc của Lê Văn Thọ (HT.74) bỗng òa lên nức nở như một đứa con thơ phải xa mẹ…62 mái đầu xanh từ 15-20 tuổi sẽ đi về đâu? làm gì? sống ra sao?...


…Buổi chia ly, chìm trong nước mắt
Chung lời thề: Sát cánh bên nhau
Bao nhiêu năm, nước chảy qua cầu
Lời thề đó, kẻ còn người mất…”(1)



Tôi trở về với gia đình ở đặc khu kinh tế mới Bình Điền, cách Huế khoảng 25 cây số theo hướng qua phà Tuần, nếu đi xa hơn nữa, sẽ đến A Sao A Lưới, tuy gọi là gia đình, nhưng đó là gia đình anh tôi, cha mẹ tôi đều đã ly trần. Cứ mỗi tuần,theo thông lệ, tôi được lệnh công an đặc khu triệu tập hỏi thăm, đến khi bị buộc làm bản kiểm điểm, tôi dứt khoát không làm vì tôi không gây ra tội gì cả với chính quyền, họ giam lỏng tôi, đợi tới trưa, lợi dụng lúc họ đang ngủ, tôi bơi qua sông về lại thành phố Huế, lang thang và biết đi về đâu? Đói và lạnh quá, ghé nhà bác Chiếu (chuyên mổ bò ) được anh Tư (rip) cho ăn và hỏi thăm, nào ngờ đâu cán bộ công an ở Bình Điền cũng là người quen của anh, một lá thư được gửi ngay và tôi được yên ổn thoải mái sinh hoạt mục vụ với các thanh niên công giáo, mỗi Chúa Nhật, tôi dẫn anh chị em đi bộ về Đá Hàn dự lễ, thi thoảng tôi lại đưa về Huế tỉnh tâm dưới sự hướng dẫn của cha Trần Văn Quý (lúc đó ngài làm thư ký Tòa TGM) và người bạn cùng lớp Đặng Quang Tiến .Nhưng cơn sốt rét rừng cố hữu từ mùa hè năm 74 khi tham gia sống cùng nhóm bụi đời do cha Hồ Hán Thanh (rip) thành lập tại khu rừng ở cầu 14 Ban mê thuộc, lúc ấy anh Nguyễn Xuân Sơn(HT68) đã ra đi vĩnh viễn sau cơn sốt quái ác, cơn sốt rét đó lại hành hạ tôi khốn đốn, tôi hóa thành thân tàn ma dại, da dẻ vàng vọt…ngay cả ông phó ban đặc khu khi thấy tôi, đã thương hại cho 10 viên ký ninh quý giá, nhưng chỉ cầm chừng chứ không hết bệnh. Tới lễ Noel 1980, cha Nguyễn Trọng dâng lễ tại khu kinh tế mới Bình Điền, mới bảo tôi phải đi ngay vào Saigon may ra mới sống được, ngài còn chỉ một địa chỉ có thể giúp đỡ anh em cơ nhỡ, nhưng ngài chỉ đúng vế trước, dù sao cũng nhớ ơn ngài…


…Con chim non sớm rời cánh mẹ
Chịu sao nổi móng vuốt đại bàng
Cơn rét rừng càng thêm bại hoại
Ta thư sinh bỗng hóa ma làng…”(2)


Không chỉ riêng mình tôi, mà cả 61 anh em còn lại cũng gặp hoàn cảnh bi đát không kém, cũng chịu gian nan, vất vả tư bề, nhiều anh em làm thuê, phu lục lộ, nhiều nhất là làm rẩy, nông dân, đạp cyclo, buôn chợ trời…một số rất ít theo đại học và ngoài ra có khá nhiều anh em quyết chí tìm mọi cách vượt biên tìm tự do ở hải ngoại. Tuy phải đương đầu với nhiều gian nan, thử thách vẫn có nhiều anh em bền đỗ với ơn gọi đến cùng, ngay cả khi vượt biển thành công, lại xin vào chủng viện tiếp tục tu học .Như vậy, sau 35 năm kể từ lúc giải tán, 62 anh em đó gồm 4 lớp (74,72-73,71 và 69) có 22 linh mục (3), với xác suất 35,5% , một tỷ lệ khá thành công trong việc đào tạo ơn gọi với chương trình “Nhu cầu mới,linh mục mới”mà ban huấn đạo gồm 3 cha : Cha Bartolomeo Nguyễn Phùng Tuệ (rip) cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải và cha Anrê Nguyễn Văn Phúc đã tận tụy huấn luyện trong suốt 5 năm (từ 1975-1079) để chuẩn bị hành trang lên đường cho 62 chú ra đi trong bốn phương trời. Trong quá trình đó, ngoài việc giáo dục nhân bản, học triết học, Thánh Kinh, tu đức…còn có việc thao luyện bản thân bằng lao động trên các nông trường, đặc biệt nhất là ở Thiên An với phương châm “Ora et labora in caritate”.Năm cuối cùng, khi không còn nguồn tài chính, ban huấn đạo lại chia 62 anh em thành nhiều tổ, mỗi tổ đều có lớp lớn và lớp nhỏ, các chú nhỏ đi học, nửa còn lại xông xáo ở ngoài đời làm mọi việc để kiếm tiền tự túc lương thực cho cả tổ. Vậy đó, 62 anh em chúng tôi đều vượt qua được mọi khó khăn để tồn tại cho đến ngày chia tay.
Ngoài 22 anh em làm linh mục, thì con số anh em còn lại đều trở thành những con người lương thiện, sống tử tế, đàng hoàng, không một ai bê tha, phản bội. Mối liên hệ tinh thần vô hình chung đã thấm vào huyết quản của 62 anh em chúng tôi, dù thời gian đã 35 năm. Tôi xin kể một câu chuyện điển hình như sau: Vào dịp lễ giỗ mãn tang của mẹ cha PX.Phan Chiếm(HT.69) vừa qua, một vị linh mục hỏi tôi: "sao chỉ là ngày giỗ mà anh em tham dự đông đủ như vậy? " Cả thảy 40 người hiện diện, tôi chỉ im lặng, mỉm cười vì sẽ rất dài dòng khi kể về mối thâm tình đó đã có từ 40 năm trước, sau biến cố 75. Riêng với cá nhân tôi, hầu như mỗi sự kiện quan trọng trong cuộc đời, đều có cha Chiếm, nhất là những lúc tuyệt vọng nhất, ngài đều chìa bàn tay ra, kéo tôi đứng dậy; và ngược lại, những biến cố trong đời ngài, tại sao tôi có thể vắng mặt được.Và điều đó không phải chỉ mình tôi mà thôi, ngoài ra nhiều anh em khác, hầu như đều gắn bó với ngài, ngay cả niên trưởng Lê Thiện Sĩ, cũng rất trân quý ngài…

Vào ngày 22 tháng 12 năm 2014, sẽ là ngày kỷ niệm 35 năm chúng tôi rời xa mái trường, cũng có thể nói được là ngày chúng tôi bị mất trường, như mất một cái gì thiêng liêng nhất, giá trị nhất và tốt đẹp nhất của cuộc đời 62 anh em chúng tôi. Ngay tại thời điểm đó, chúng tôi hoàn toàn ngỡ ngàng, không thể “Hiểu thấu sự gì?” Như tâm trạng rất đau buồn của đấng chủ chăn, Đức cố TGM.Philipphê đã nói: “Năm nay, các nhà không treo đèn bên ngoài căn nhà mình..., vì một con ngươi của Giám mục không còn nữa”. Nhưng sau 35 năm, chúng tôi đã cảm nghiệm và thấu hiểu việc Chúa làm và tạ ơn ngài đã ban cho chúng tôi 22 linh mục trong số 62 anh em cuối cùng, cũng như những anh em còn lại đều tín trung sống tràn đầy ơn nghĩa với Thiên Chúa. Ngài đã ban ơn nhưng không cho 62 anh em chúng ta sống bình an, hạnh phúc trong suốt 35 năm qua, cho dù vẫn còn nhiều anh em đã và còn vất vả, lo toan chuyện cơm áo, gạo tiền, bệnh tật, hoạn nạn và cả chuyện áp bức có thể…

Thiết tưởng trong ngày đó, 35 năm trước, cả TGP.Huế để tang vì mất cơ sở đào tạo, lại vừa mất thêm 62 chú đã được đào tạo kỹ càng. Nhưng sau ngần ấy năm đã qua, với bao hồng ân mà Thiên Chúa đã thực hiện, hãy để tâm tình trong ngày tưởng niệm này, là chúng ta hãy mừng vui, vì chính ý nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn tung anh em chúng ta đi muôn phương để làm chứng nhân cho nước Trời, và chính Thiên Chúa đã gìn giữ 62 anh em chúng ta mãi đến hôm nay, và hơn nữa, con số 62 anh em đó đã tăng gấp nhiều lần vì chúng ta được hiệp thông với mọi anh em, không chỉ ở mái trường Hoan Thiện, mà còn cả nhà trường An Ninh và Phú Xuân, ngoài ra sự liên kết đó không chỉ ở quốc nội, mà còn liên đới với cả anh em hải ngoại và nhất là lan đến cả thế hệ kế thừa F1. Cơ sở đào tạo đã không còn, Thiên Chúa quan phòng cho cách đào tạo khác như huấn luyện chủng sinh ngoại trú trong suốt bao năm qua, và mới đây nhất công việc xây dựng khu nhà tiền chủng viện đã hoàn thành tại Tòa TGM.Huế.

Trong ngày tưởng niệm 35 năm, cha Antôn Nguyễn Văn Thăng, một trong những người anh em trong ngày cuối cùng chia tay ấy, với tâm tình tưởng niệm tạ ơn, đại diện cho lớp út cuối cùng của tiểu chủng viện là lớp HT.74 đã xin phép Đức Tổng cho tổ chức một Thánh Lễ Tạ Ơn vào ngày 22 tháng 12 này, tại nhà thờ An Truyền, có sự hiện diện của quý cha ân sư và anh em Ccsinh Huế.

Chúng ta cần làm nhất trong ngày tưởng niệm là cùng hiệp thông với nhau, cầu nguyện cho Hội Thánh đã nuôi dưỡng chúng ta, cầu nguyện cho các ân sư đã trực tiếp dạy dỗ chúng ta, cầu nguyện cho một số anh em đã thiên cổ và cầu nguyện cho nhau biết sống đẹp lòng Chúa; nếu có để tang, thì hãy để tang cho tội lỗi của chúng ta, để tang cho sự mất mát ân sủng của chúng ta đã làm mất lòng Chúa, đã lỗi đạo với nhau và với cả tha nhân.

Lạy Chúa, đến muôn đời, 62 anh em chúng con chúc tụng và cảm tạ hồng ân bao la của Thiên Chúa.

Mic.Nguyễn Hùng Dũng HT.71

(1) Và (2) trích trong bài tình ca 50 năm

(2) 22 Linh Mục(trong 62 anh em):

1/Lớp 69:7 Linh Mục:
-Cha PX.Phan Chiếm
-Cha Phêrô Phạm Ngọc Hoa
-Cha Phêrô Nguyễn Huệ
-Cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục
-Cha Giuse Phùng Văn Phụng
-Cha Đaminh Võ Văn Thông
-Cha GB.Nguyễn Vinh

2/Lớp 71:8 Linh Mục:

-Cha Đaminh Phan Văn Anh
-Cha GB.Dương Quang Đức
-Cha Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
-Cha Luy Gonzaga Đặng Quang Tiến
-Cha Inhaxio Trần Thiên Thu
-Cha Giuse Hồ Thứ
-Cha Phaolô Bùi Quang Trung
-Cha Mathêu Nguyễn Quang Tuấn

3/Lớp 72-73:3 Linh Mục:

-Cha Phaolô Nguyễn Văn Hiệu
-Cha Giuse Hồ Khanh
-Cha Giuse Phan Miên (rip)

4/Lớp 74:4 Linh Mục:

-Cha Phaolô Nguyễn Văn Chửng
-Cha Antôn Nguyễn Văn Thăng
-Cha Giuse Phạm Thọ
-Cha Phêrô Trương Văn Thường





























0 nhận xét:

Đăng nhận xét