Nguyễn Như Doan st
1.
1.
Không hiểu tại sao con Ngọc có số điện thoại của Lão. Nó gọi cho Lão:
- Con xin lỗi, con là Ngọc, học trò cũ, xin gặp thầy được không ạ?
Lạ thật, ngày ấy đám học trò chỉ xưng em, có đứa nào xưng con với Lão đâu? Lão xót xa: “Mình về hưu non, nghỉ dạy tháng trước, tháng sau đã có đứa gọi mình bằng chú, tháng sau nữa bằng anh. Cũng may, chưa đứa nào gọi mình bằng mày, xưng tao. Thế là phúc đức nhà mình lắm rồi. Nay có đứa gọi mình là thầy, xưng con. Quái lạ, Ngọc nào nhỉ?” Lão nhỏ nhẹ:
- Tôi xin lỗi…
- Con là Ngọc Ngố Tàu đây, thầy quên rồi sao?
Lão có nhiều học trò tên Ngọc, nhưng Ngọc biệt danh Ngố Tàu thì Lão nhớ ra ngay.
- Trời ạ! – Lão mau mắn – Em không quên ông giáo già trường làng, quê mùa này ư? Cửa nhà thầy lúc nào cũng mở, mời em, mời các em…
- Không! – Nó ngắt lời Lão – Chỉ một mình con thôi.
2.
Lão không cần phải lục lọi ký ức, hình ảnh của Ngọc Ngố Tàu ngày xưa lồ lộ trong tâm trí Lão: Đôi mắt to, tròn, hơi lồi, tóc vàng hoe lưa thưa không che được vầng trán nhô ra, trông ngô nghê, ngờ nghệch, ngốc nghếch, ngu ngơ, ngớ ngẩn, tóm lại là ngố không chịu nổi, gọi là “Ngố Tàu” quả thật, chẳng quá đáng chút nào; không một mảy may giống với người thiếu phụ ngồi trước mặt Lão đây. Nàng đẹp quá, đẹp đến não nùng, dáng người quý phái, mái tóc đen mượt mà, dài, buông thả. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt u ám, vương vất nỗi buồn sâu thăm thẳm kia, Lão bỗng rùng mình lạnh suốt xương da, gai ốc nổi ngược lên, ái ngại… Hẳn là người học trò cũ của Lão đây đã phải trải qua những biến cố kinh hoàng lắm. Lão buột miệng:
- Em sao vậy?
Nàng nhìn giò bạch ngọc treo ngoài cửa sổ, như tránh cái nhìn của Lão:
- Nhành lan đẹp quá!… Thưa, thầy đáng tuổi cha con, xin coi con là con được không ạ? Thầy mạnh giỏi ạ? Đang làm gì ạ? Cuộc sống thế nào ạ?
Tuổi già được người hỏi thăm, lại là học trò cũ từ lâu lắm, Lão bỗng dưng vui, đùa cho bầu khí chùng xuống:
- Giỏi thì không, mạnh thì có, nhưng mạnh của tuổi già thôi. Thầy lớn tuổi rồi, không thua bất kỳ ai cùng trang lứa về những thói hư tật xấu của tuổi già: Ốm đau, bệnh tật, mất ngủ, cáu gắt, khó tính khó nết… Em, à, ừ, con… Con hỏi thầy làm gì à? Thì làm ngơ, làm tàng, làm biếng… Còn về cuộc sống ư? Tệ hơn xưa, bao giờ cũng “lình xình như lục bình trôi sông”.
Nàng im lặng thật lâu, rồi cắn môi, có vẻ đăm chiêu lắm:
- Không phải thầy, Con mới bọt bèo, mới lình xình như lục bình trôi sông… Thầy có tin không, có thể nghe con kể không? Chuyện dài lắm, nhưng con xin kể vắn tắt thôi. Xong lớp 12, con ôn thi một năm, thi vào đại học y dược, trượt, nhưng đủ điểm xét tuyển nguyện vọng hai hệ cao đẳng. Nếu thời gian học phổ thông là nụ hồng, mầm xanh, là ríu rít tiếng chim thì những năm học cao đẳng là hoa thơm cỏ lạ, là bướm bay dập dờn. Cuộc đời sao mà đẹp, sao mà đáng yêu đến thế. Thầy còn nhớ Trung Gà Tồ không? Cái anh chàng nghĩ sao nói vậy, không được một nết đẹp nào ngoài tính thật thà và tận tâm. Chúng con yêu nhau, thầy ạ! Ra trường, chúng con làm đám cưới. Rất hạnh phúc. Anh ấy là giáo viên một trường phổ thông trung học, còn con là y sĩ, xin việc ở một trạm y tế xã, được phân công làm việc ở phòng bảo vệ bà mẹ trẻ em. Con bị khủng hoảng tinh thần ngay ngày làm việc đầu tiên. Trời ơi! Những mảnh thai nhi người ta lấy ra vẫn còn co giật, thầy ạ. Con sợ quá, xin làm viêc khác, ba lần không được, thế là con bị đuổi việc… Mất việc cũng chẳng sao. Thầy biết đấy, con là con một, cha mẹ để lại cho một lô đất trong kênh, trị giá cả gần trăm cây vàng, cho thuê một năm cũng được sáu, bảy chục triệu chứ ít ỏi gì…
Con có thai con so. Được ba tháng, đi khám, siêu âm, làm xét nghiệm, vợ chồng con rụng rời chân tay, thầy ạ! Đứa bé bị hội chứng down. Người ta khuyên con phá bỏ, bởi vì nếu được sinh ra, đứa trẻ sẽ là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội và nhất là cho chính nó. Con xin lễ, cầu nguyện xin ơn sáng soi, hỏi ý kiến cha xứ, đọc Giáo luật, đọc sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, và mường tượng ra đứa con của con sẽ là những mảnh thai nhi người ta lấy ra vẫn còn co giật, con quyết tâm giữ đứa bé lại. Sinh ra, nó bị down thật, đầu và chân tay ngắn choằn, tai chuột, đầy một mồm lưỡi, lè cả ra ngoài. Con bán nhà cửa, bán luôn lô ruộng được tám chục cây vàng, lo chạy chữa cho nó. Không ích lợi gì thầy ạ. Ba tuổi, nó mới biết cười thì bị ung thư máu. Đau đớn lắm, thầy ơi! Bốn tuổi, nó chết.
Con có thai đứa thứ hai. Con sợ, không đi bác sĩ. Con phó thác mọi sự cho Chúa, xin Chúa thương ban cho con một đứa con bình thường thôi. Với con, một đứa trẻ bình thường đã là một phép lạ cả thể rồi. Nhưng Chúa làm ngơ. Sinh ra, nó lại bị down như anh nó. Con tự hỏi: “Ai đã phạm tội, nó hay cha mẹ nó, để nó phải sinh ra như vậy?” (Ga 9, 2). Con dốc đến đồng xu cuối cùng chữa trị cho nó. Chưa được ba tuổi, nó biết cười, rồi chết.
Con bị u nang buồng trứng, phải cắt bỏ, thế là tuyệt đường sinh sản. Thầy có biết nhà đạo-đức-vô-đạo-đức nào đã nói cái câu vô đạo đức này không, “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”? Con không thể sinh con được nữa, gia đình và cả dòng họ bên chồng nguyền rủa, hắt hủi, xua đuổi con. Chồng con bị ức chế nặng, tới tận cùng giới hạn của sự chịu đựng. Anh lao đầu vào những cơn say bất tận, rơi vào vòng tay của một cô ca-ve. Cô này cũng gốc gác đạo Công Giáo, thầy ạ. Họ có với nhau hai đứa con trai, đều lành lặn, xinh xắn, dễ thương lắm… Cả nhà chồng con xúi dục anh ấy viết đơn ly dị, con nhất quyết không ký. Thế nhưng người ta thu xếp được. Ra tòa, con bị xử thua kiện vì những tội lỗi con không phạm…
Kể xong, nàng nhìn Lão bằng ánh mắt van lơn, cầu cứu:
- Con mới từ tòa án về đây. Con không còn mái nhà để về, không còn ai để hỏi một câu. Con đã mất hết nhà cửa, ruộng vườn, công ăn việc làm, mất con, mất chồng, mất hết mọi thứ. Con chỉ còn biết cầu nguyện và cầu nguyện, nhưng Chúa chẳng nhận lời. Con phải làm gì đây? Thầy ơi!
Lão im lặng hồi lâu, rồi nói với nàng chân thành như nói với chính bản thân Lão:
- Thầy không là một nhà đạo đức dù thật hay giả, nên không thể khuyên bảo con được điều gì… Chỉ xin chúng ta đọc với nhau một kinh Lạy Cha thôi, được không?
Họ quỳ trước cây Thánh giá mộc treo trên tường. Đọc được đúng một câu: “Lạy cha chúng con ở trên trời” thì nàng lặng tiếng, nghiêng đầu qua một bên, nhắm mắt lại. Nước mắt nàng giàn giụa, đầm đìa trên khuôn mặt diễm lệ. Người ta cầu nguyện bằng Lời Chúa, bằng chiêm niệm, bằng kinh sách, bằng thơ, bằng nhạc…, còn nàng thì cầu nguyện bằng nước mắt. Lão thưa với Chúa, nhỏ tiếng thôi, nhưng đủ cho Chúa và nàng nghe thấy: “Chúa Giêsu ơi!Trong cơn hấp hối, Chúa đã cô đơn và tuyệt vọng đến độ phải kêu lên: “Ôi, Thiên Chúa! Sao Chúa nỡ lại bỏ con!” (Mc 15, 34); nhưng Chúa vẫn một lòng cậy trông, vẫn “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46), thì xin Chúa cho người chị em con đây, đang cô đơn và tuyệt vọng, giữ được một lòng cậy trông. Và xin ban cho nàng ơn bình an”.
3.
Lão ghé trung tâm bảo trợ xã hội, thăm bà giáo già dạy Lão thuở Lão học tiểu học. Tới nơi thì vừa trưa. Đang bữa ăn trưa, mấy mươi con người trên những chiếc xe lăn, trên những chiếc ghế đá ngoài hành lang nhà ăn đổ dồn con mắt về phía Lão. Rõ ràng là ai cũng mòn mỏi chờ mong người thân một lần đến thăm. Sơ Bề trên nói với Lão:
- Ông tìm bà cụ Tuyết Nhung phải không? Ông có quan hệ với cụ thế nào? Cụ là cô giáo cũ của ông à? Quý hóa quá! Tội nghiệp lắm! Cụ vốn đông con nhiều cháu, nhưng thực sự bị bỏ rơi. Con cái cụ đều thành danh, có chức vị trong xã hội, nhưng họ bị cơn lốc duy tiền cuốn hút đi. Họ không phải lo gì miếng ăn, cái mặc… Nhưng những nhà cửa, những đất đai, những cổ phiếu, những tài khoản ở nước ngoài… chiếm hết trái tim, khối óc của họ. Họ là tỷ phú về tiền bạc nhưng lại là những kẻ túng quẫn cùng cực về đức yêu thương và về thời gian. Cả năm, không ai bỏ ra được một buổi đi thăm mẹ.
Sơ dẫn Lão đến bên chiếc xe lăn. Bà cụ Tuyết Nhung gầy guộc lọt thỏm trong xe, mắt nhìn xa vắng, không nhận ra Lão, trong lúc cô nhân viên đang cho cụ ăn thảng thốt:
- Thầy hả? Thầy hả? Con, Ngọc Ngố Tàu đây, thầy ơi!
Lão cũng thảng thốt:
- Con để tóc ngắn, nên thầy không nhận ra. Mái tóc dài của con đẹp thế, sao lại cắt đi?
- Con tiếc lắm. – Nàng nhìn xa vắng, như lạc hồn về dĩ vãng – Ngày xưa, anh ấy yêu mái tóc ấy lắm, cấm, không cho con cắt… Con muốn giữ lại, nhưng ở đây vì công việc, cần phải gọn gàng, năng động, con đành phải cắt bỏ.
Nhìn nàng xúc từng thìa thức ăn cho bà cụ ăn một cách gọn gàng, cẩn trọng, Lão nhớ tới lời Mẹ Thánh Têrêsa dạy bảo đệ tử của Mẹ: “Chị thấy trong Thánh lễ, linh mục cầm tấm bánh đã trở nên Mình Chúa Kitô, kính cẩn như thế nào, chị hãy làm như vậy trong nhà hấp hối”, Lão thấy mắt mình cay cay.
Một sơ còn trẻ chạy đến:
- Chị Ngọc ơi! Cụ Lan đòi chị cho ăn mới chịu.
Sơ khác:
- Chị Ngọc ơi! Cụ Tím không chịu uống thuốc.
Một sơ khác:
- Chị Ngọc ơi! Cụ Hồng chắc không qua khỏi.
Lão nhìn thẳng vào đôi mắt nàng. Đôi mắt nàng trong veo, sáng long lanh, đã mất đi vẻ u ám hôm nào. Khuôn mặt nàng có già nua đi, nhưng phảng phất niềm vui thơ trẻ. Lão tin rằng nàng đã tìm thấy Bình An, “sự bình an không phải do thế gian ban tặng” (Ga 14, 27). Nàng thì thầm:
- Nhiều người đã chết trên tay con. Có người chết đau đớn vì cô đơn, vì thương con nhớ cháu, nhưng cũng có những người chết thanh thản thấy thèm, thầy ạ!
- Thèm, lại là thèm chết, sao lại thèm? Sự sống chết của chúng ta nằm trong tay Chúa mà.
- Con biết. Con biết sự sống là một huyền nhiệm, sự góp mặt trần gian của một con người là một Ơn Ban trọng đại. Trên đời, có gì cao quý, đáng giá hơn chính cuộc sống đâu phải không, thầy? Bây giờ, con yêu cuộc đời này lắm, yêu thiết tha nữa cơ. Ít ra con không vô dụng. Tuy trắng tay, con cũng còn cần cho ai đó, có ích cho ai đó, dù nhỏ nhoi… Nhưng con thèm chết thật mà. Chỉ có chết đi, con mới được gặp lại hai đứa con tật nguyền của con. Hơn nữa con có chết đi thì gia đình anh ấy, mới hợp thức hóa được, mới hiệp thông trọn vẹn với Thân Mình Mầu Nhiệm được, phải không thầy?
Lão còn nói gì được nữa?! Môi miệng Lão im bặt. Lão nghĩ: Nghịch lý thay, môt nghịch lý tuyệt diệu! Chúa đã dùng bàn tay của một con người bất hạnh để xoa dịu vết thương của những con ngưởi bất hạnh, dùng một trái tim tan nát để vá víu những trái tim tan nát, dùng một cõi lòng vô vọng để đem hy vọng đến cho những cõi lòng vô vọng. Cũng là một nghịch lý tuyệt diệu nữa: Người học trò của Lão học được gì nơi Lão? Có chăng, mấy con tính cộng trừ nhân chia lũy thừa căn số vớ vẩn. Còn nàng, nàng đâu có dạy Lão được một chữ nào, nhưng đã dùng chính đời sống của mình làm chứng nhân, dạy bảo Lão những điều to tát hơn nhiều. Đó là biết tin tưởng, biết hy vọng và nhất là biết yêu thương quên mình.
Nàng mới thật sự là người thầy của Lão, dù chỉ là người-thầy-học-trò.
Lão Ngu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét