Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Ngày 27 tháng 2

Bích Hạnh (phu nhân Trần Nở HT63)

1. Hôm nay ngày 27 tháng 2, ngày Thầy thuốc Việt Nam.  Vào những ngày này, ở Việt Nam các đài phát thanh, đài truyền hình và báo chí nói nhiều đến các hoạt động tôn vinh " Blouse Trắng" nên chúng ta không thể không nhớ. Riêng ở xứ người, vì người ta không mừng lễ ngày này nên tôi cứ phải dặn lòng là không được quên cuối tháng hai còn có một ngày đối với tôi cũng có rất nhiều ý nghĩa, ngày mà tôi luôn phải tri ân những người mặc áo blouse trắng, đó là ngày 27, ngày của ngành y.

Nhớ lại những năm tháng tôi còn ở Vĩnh Long, hầu như năm nào đến ngày này tôi cũng đều đến bệnh viện của thành phố để chúc mừng và nói lời cám ơn đến các y bác sĩ ở khoa Nội C, nơi tôi được điều trị nhiều lần. Tôi đã nợ họ quá nhiều. Vẫn biết các y bác sĩ, các y tá, các y công ở đó đều chỉ làm công việc mà họ được trả lương như tôi và nhiều người khác cũng đang làm công việc của chúng tôi, nhưng tôi không thể xem công việc của họ đơn giản và bình thường như bất cứ công việc nào khác. Có một cái gì đó rất đáng trân trọng trong công việc mà họ đang làm. Và tên một bác sĩ mà tôi mãi mãi không quên : Diệp thị Xuân Hoa.

2. Trong cuộc đời dạy học của tôi, có nhiều học sinh đã trở thành những bác sĩ giỏi, nhưng tôi đặc biệt muốn nhắc đến một học sinh mà tôi rất thương mến do tính hiền lành, chăm chỉ và khiêm tốn của em, em Lê Tấn Đạt.  Là một học sinh ở khu vực vùng sâu, thiếu điều kiện học tập nhưng em đã vượt qua tất cả mọi hoàn cảnh để trở thành 1 bác sĩ giỏi làm việc ở bệnh viện Ung Bướu, thành phố Sài Gòn, được đồng nghiệp và bệnh nhân thương mến. Nghe nói em đi tu nghiệp ở Nhật, chuyên ngành ung bướu. Có lẽ bây giờ em ấy đã về nước và đang đem hết khả năng và lòng nhiệt tình của mình để tiếp tục làm theo lời thề Hippocrates.Tôi thật vô cùng tự hào về em.

Ngoài ra, tôi còn có một học sinh xuất sắc của trường trung học chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Vĩnh Long , em Nguyễn Trường Duy. Tôi không phải là giáo viên trực tiếp dạy lớp của em nhưng tôi có tham gia dạy lớp bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi giải toàn quốc môn tiếng Anh lớp 12 và em đạt giải năm em đang còn học lớp 11. Em hiện là bác sĩ giỏi về chuyên môn và nhiệt tình trong công việc của khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy và là giảng viên trường đại học Y Dược Sài Gòn, rất được nhiều người yêu mến, trong đó có tôi.

Sẽ rất là thiếu sót nếu tôi không nhắc đến những bác sĩ, dược sĩ, những người làm trong ngành y xuất thân từ trường trung học Nguyễn Thông, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Những cái tên như bác sĩ Nguyễn thị Như Phượng, bác sĩ Trần thị Vân Thủy, và nhiều nhều nữa, đều là những thiên thần áo trắng mà chúng ta có thể ngẩng cao đầu để nói rằng họ đã đóng góp rất nhiều cho ngành y tế và có những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc.

3. Có một bộ phim tài liệu tựa đề Don't cry for me Sudan (Xin đừng khóc thương tôi Sudan) sản xuất năm 2010, phụ đề tiếng Việt do hội truyền giáo Phanxicô Xaviê thực hiện. Đây là một phim đầy cảm động và chan chứa yêu thương. Phim đã chia sẻ về cuộc đời truyền giáo của linh mục Gioan Lee Tae Suk. Cha Gioan Lee là linh mục đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc đã từ bỏ đất nước của mình và tình nguyện đến sống tại một xứ sở nghèo đói nhất thế giới, giữa những người đói khổ và bệnh tật trong làng Tonj thuộc miền Nam Sudan- Phi Châu trong suốt 8 năm trước khi cha qua đời vị căn bệnh ung thư ruột già. Trước khi trở thành linh mục, cha Gioan Lee đã là một bác sĩ y khoa và với chuyên môn của một bác sĩ, cha đã làm việc không mệt mỏi để chữa lành các vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn cho những người dân làng ở đó. Cha còn có biệt danh là “Schweitzer của Sudan”, nhưng theo tôi ở một vài khía cạnh, nhất là về thái độ đối với người Phi Châu, thì  vị linh mục này còn hơn cả Albert Schweitzer, vị bác sĩ Pháp-Đức và thần học gia này. Có người goi linh mục là thánh nhân của thế kỷ 21. Ngài là một bác sĩ cống hiến vì các bệnh nhân phong cùi, đồng thời là một giáo viên và một nhạc sĩ.


4. Thật sự  nghề Y là nghề cứu nhân độ thế nên dân gian có câu “Nhất thế y tam đại công khanh” nghĩa là một đời làm nghề y ba đời làm khanh tướng. Trong lịch sử Trung quốc, nhiều thầy thuốc nổi tiếng như Hoa Đà, Biển Thước, Trương Trọng Cảnh… và trong lịch sử Việt Nam ta, có nhiều dòng họ ba bốn đời là bác sĩ lưu lại tiếng thơm muôn thuở như các dòng họ Tôn Thất, Hồ Đắc, Lê Khắc.

Tuy vậy, thời gian gần đây tôi đọc báo thấy và nghe nhiều chuyện tiêu cực từ các cán bộ cấp cao của ngành y tế Việt Nam. Nhiều bác sĩ và cán bộ y tế đã phạm y đức, do đó câu "nhất thế y, tam thế suy" có nghĩa là một đời làm thầy thuốc, ba đời bị suy cũng sẽ là những hậu quả tất yếu và không phải là không đúng.

5. Hôm nay, nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam, tôi xin được phép gửi lời chúc mừng đến toàn thể những ai đang làm việc trong ngành y, đặc biệt tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến các y bác sĩ, y tá và y công của khoa Nội C bệnh viện thành phố Vĩnh Long. Mong sao ngành y Việt Nam chúng ta sẽ mãi mãi có những người mặc áo blouse trắng không chỉ có kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn là những tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học và y tế của nước nhà, xứng đáng với câu Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền.

Trân trọng.


Thân Hạnh
27/2/2015

0 nhận xét:

Đăng nhận xét