Sau hai chặng bay tầm trung ( trên dưới ba tiếng), mình đặt chân xuống Thành Đô, Tứ Xuyên.
Qua cứ sổ máy bay, cảm giác đầu tiên là buồn: trời đất xám xịt. Và trên xe từ sân bay về, người bên cạnh còn cho biết, ở đây, rất ít người biết nói tiếng Anh. Không nói được tiếng Tàu, cơ bản là mù tịt.
Thành Đô là thành phố lớn, trên mười triệu dân với một hệ thống đường bộ hoàn chỉnh. Nhưng ấn tượng nhất là rất sạch. Thiếu mặt trời nên cây cỏ ít xanh, tuy nhiều. Người bạn cho biết, do điều kiện tự nhiên, và do khói bụi từ các nhà máy, ở đây hàng năm chỉ có một hai tháng thấy được mặt trời.
Vì không có nhiều người nói tiếng Anh, nên một tuần lưu lại đây chủ yếu chỉ để họp và họp. Biết rằng ở đây có nhiều trung tâm mua sắm ( rất lớn), nhưng cái đó thì xin chào. Sau tuần làm việc, có đi thăm một làng quê. Ngang qua một huyện nhỏ, chạy xe từ đầu nầy đến đầu kia huyện lỵ đâu chừng như chưa tới 10 phút, nhưng nhà cao tầng ( trên 30 chục tầng ) rất nhiều. Hình như người ta tiết kiệm đất để làm việc khác.
Nét đặc trưng của ẩm thực vùng nầy là cay và nhiều dầu. Ớt nướng nguyên trái là một đặc sản. Ai không quen thì phỏng mồm. Và trong hầu hết các món ăn, ớt khô cắt khúc chừng 2 ba phân lúc nào cũng có. Có điều may là loại ớt ở đây không cay như ớt hiểm Thái Lan. Tiêu cũng là một nét đặc trưng. Tiêu Tứ xuyên màu nâu nâu, mùi vị cũng khác và ở đây, món nào cũng có rất rất nhiều tiêu. Như khi ăn đồ nướng, dù là cá, thịt hay bất cứ cái gì, họ cũng phết một lớp tiêu bột dày trịch.
Nhìn trên mạng, thấy khu trung tâm có tượng bác Mao rất lớn, cờ xí rợp trời. Nhưng hình như chỉ dành cho những ngày lễ lạc. Những nơi mình đi qua, rất ít cờ xí, biểu ngữ. Chủ yếu là biển quảng cáo. Tò mò tìm kiếm tượng bác Mao cờ đảng, nhưng không thấy. Thậm chí đồn cảnh sát ở khu bảo tồn cũng chẳng có cờ quạt gì.
Đi thăm khu bảo tồn gấu trúc. Lớn, sạch. Con gấu trúc to hơn mình tưởng tượng nhiều, nhưng loài thú nầy rù rờ, chậm chạp.
.
Rời Thành Đô, tìm lại chút mặt trời Quảng Châu, thấy ấm lòng. Xin chào Lưu Bị, hình như ông chán xứ nầy lắm nên lúc nào cũng muốn thoát ra.
Nguyễn Phú HT63-64
0 nhận xét:
Đăng nhận xét