Ngoài kia gió hú, mưa rơi….Nhìn qua khung cửa kinh xem cây cối ngã nghiêng đong đưa trước gió…xiêu vẹo. Qua cái radio cà giật cà tàng theo dõi cơn bão số 11 đang hoành hành miền trung dữ dội. Điện thoại cho nhau ơi ới hỏi thăm (may mà đã chuẩn bị xạc pin từ trước, vì biết rằng mỗi lần bão là điện nước biệt tăm) Nhà mấy đứa cháu con ông anh ruột ở Đà nẵng nhà lợp mái tole bay tuốt luốt, cũng may là trước đó đã di tản gia đình lên nhà thờ Phú Thượng tránh nạn. Thật đúng là lúc khốn khó nguy nan ai cũng tìm về nương nhờ Chúa Phật. Tưởng đâu cơn bão nầy tàn phá Thừa thiên Huế. Tin dự báo của VTV ít khi rõ ràng chính xác.
Mấy ngày trước, mình và vợ dầm mưa chèn chống nhà cửa, chặt cây cối trong vườn, xúc cát vào bao, khệ nệ ôm từng bao chuyền nhau lên dằn trên mái nhà. Tuổi già sức yếu làm công việc nặng nhọc nầy là cả một kỳ công. Nhà đơn chiếc chỉ còn hai vợ chồng già, cậu con trai độc nhất tuổi đã lớn chưa vợ, vì cuộc sống phải tha phương cầu thực, vào Saigon làm ăn, hai đứa con gái theo chồng hằng năm hỏi thăm vài lần. Tội nghiệp vợ, chân yếu tay mềm, lại còn mang bệnh thấp khớp, loãng xương, may nhờ chuyến hội ngộ vừa qua vợ chồng Doan về thăm, nghe mình đau thần kinh tọa, có cho chai thuốc biểu mầy uống thử, vì có ca sĩ Chung tử Lưu ở gần tau bên Mỹ cũng bệnh như mầy uống vào dứt bệnh luôn. Chầm chày may rủi rũ vợ cùng uống, nào ngờ thuốc hay hiệu nghiệm. Khỏe được vài tháng, mừng hơn bắt được vàng. Xui xẻo làm sao, đợt chống hai cơn bão, hai đứa ráng sức khuân vác, ráng sức bê bao cát, giờ nghe “trở chắc “ đau mình đau mẩy, trái gió trở trời, rêm đau trở lại. Âu là cũng tại số trời, bù lại Trời cảm động đưa bão số 10 đi ra Đồng hới, lệnh bão số 11 thổi vào Quảng nam. Cũng là miền trung chịu thương chịu khó.
“ Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn. Trời làm cơn lụt mỗi nặm…ơ…ơ…” Nhạc sĩ Lê Thương sáng tác còn thiếu bão, mỗi năm VN đón tiếp 12 cái bão thì đa phần là lọt vào miền Trung khốn khổ. Lụt thì nhằm nhò gì, bão mới đáng sợ. Bão hoành hành, tác oai tác quái, cửa nhà tốc mái, cây đỏ ngã nghiêng, trụ điện chổng vó. Lụt thì cũng ghê thật nhưng đâu nguy hiểm bằng bão. Phải chi mình biết sáng tác nhạc thì mình sẽ viết về bão. Bão như một hung thần mà Trời sai xuống trần thi hành án phạt. Dân miền Trung nầy chắc phạm tội nhiều nên thường hay bị phạt. Mấy đứa khôn lanh vào Nam trốn tránh, có đứa sung sướng lọt vào đất Sài thành hoa lệ như thằng Thất, thằng Sơn thằng Quý. Chậm chạp như Hùng noir thì về Cù bị làm nông dân. Lận đận lên rừng làm mọi như Phước móm, Đức Xuân. Đẻ bọc điều như thằng Du thằng Phu thì vào Nha trang mát mẻ, nhà cao cửa rộng, thằng Phu còn được đi Mỹ đi Tây rong chơi bang nầy bang nọ,
được gặp bạn bè Lâm Hiền bên nớ, thi nhau khoe lên mạng. Hẹn nhau năm tới sẽ có mặt đầy đủ. Không biết có giữ lời hứa được không? Nghe đâu thằng Phu đã về VN đang mệt nên còn nghỉ lấy sức mà viết Du ký. Mãi lo cuộc sống, bạn bè ít có đứa quan tâm thời sự. “Triệu người quen có mấy người thân…khi lìa trần có mấy người đưa…”Bão số 10 có Lê Xuân, Vinh Sơn hỏi thăm. Bão số 11, thương nhất thằng Vang, sáng nay nó gọi mình sớm, hỏi thăm tình hình mưa bão, cu cậu yên tâm khi nghe mình nói không hề gì. Còn tìm được niềm vui an ủi khi được bạn bè quan tâm. Cái số mình quê mùa lận đận, có lẽ sinh nhằm ngôi sao xấu. Thôi cũng đành chấp nhận số phận Trời ban. Mấy câu thơ của ai đó vận vào đời mình sao quá trùng hợp nên ăn sâu vào tâm khảm, để mỗi lần gặp ai chào hỏi: “Lúc nầy mầy làm gì, sống ra sao?” thì mình trả lời không cần suy nghĩ :
“….Sáng thì vác nợ đi ra, Chiều về ôm lấy ta bà mà than…”
Phi Khanh
Vùng biển mặn ngày giông bão
0 nhận xét:
Đăng nhận xét