Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

MỸ DU TÓM LƯỢC

Đọc bài của Phi Khanh về việc chống bão lụt ( tuy hắn đâu có bị), thoáng chút hối hận. Mình về nhà đúng vào lúc bão đang vào Đà Nẵng, nghĩ rằng chắc anh em Huế an toàn nên cũng chẳng lưu tâm. Thôi, anh em Huế-Quảng Trị thông cảm nhé.
Máy bay xuống Tân Sơn Nhất lúc nửa đêm, chấm dứt năm tuần cởi ngựa xem hoa bên xứ “cờ hoa”. Đúng nghĩa là cởi ngựa xem hoa vì mình chỉ đi phớt qua, đi khá nhiều, từ bờ đông sang bờ tây, nhưng nơi nào cũng chỉ dừng lại một vài ngày, xem phớt qua những chổ đặc biệt nhất rồi biến. Năm tuần thôi mà. Trong những thư trước, mình đã tóm tắt một vài chuyện, nhưng vì đang lu bu với công việc, trong thư nầy xin được lược lại những nơi đã đi qua:
Camden-New Jersey: Camden nằm ngay bên cạnh sông Delaware, bờ bên kia là thành phố lịch sử Philadelphia, nơi có Independence hall, là nơi Bản tuyên ngôn Độc lập Mỹ được công bố, Từ bên nầy qua bên Philadelphia chỉ mất chừng mười phút lái xe. Ở đây có món đặc sản là bánh mì kẹp thịt bò . Sức thanh niên trai trẻ cũng chỉ ăn được một cái. Con trai mình dẫn đến một tiệm phở Việt Nam. Cần lưu ý là bên nầy, tô phở to gấp ba bốn lần tô phở bên mình. Nếu không có sức ăn, thì chỉ nên gọi tô nhỏ thôi.
Người bạn đầu tiên gặp trên đất Mỹ là Lê Văn Khôi. Vẫn vui tính và trẻ trung ( dù cho so với các bạn trong lớp, nó cũng lớn tuổi hơn). Ngồi tâm sự với Khôi gần một ngày. Khôi nhắc đến rất nhiều kỷ niệm với anh em, những chuyện mà đa số anh em đều biết, nhưng nói lại vẩn vui. Hai ngày hôm sau vợ chồng Nở đến thăm. Nó ở Atlantic, cách nhà mình chừng non tiếng đồng hồ lái xe thôi. Hai vợ chồng mạnh khỏe. Những ngày đầu gian nan vất vả trên đất Mỹ đã lùi xa, bây giờ, nhờ ơn trên và may mắn ( lời Nở) tụi nó quyết tâm định cư ở đây.
Những ngày sau, bận rộn với một số việc gia đình và những buổi tiệc tùng với bà con, hàng xóm ngày xưa biết nhau bên Việt Nam. Bữa tiệc nào bia rượu cũng ê hề và thường kết thúc với một tô bún bò hay phở. Bia thì mình thấy ở đây bà con mình hay uống Heinneiken chai nhỏ hay Budweiser. Các món ăn đãi khách thường là những món thông dụng: Gà đi bộ luộc ( béo ngậy hơn gà bên mình), bánh hỏi heo quay, bánh bột lọc, bánh bèo…Và suốt trong năm tuần ở đây, mình chỉ được ăn đồ Mỹ một hai lần chi đó thôi. Trong thời gian nầy, mình tranh thủ đi New York và Washington DC.
Ba tuần ở với con trai qua mau, mình tiếp tục phiêu lưu: Từ Philadelphia ( bờ đông), mình bay qua Denver rồi về San Jose, California ( bờ tây). Gia đình người quen mình trọ lại ở ngay Silicon valley nên ngày đầu tiên mình được đi thăm trụ sở chính của Google, Intel, Apple, trung tâm nghiên cứu của Nasa. Nhưng cũng chỉ là cởi ngựa xem hoa vì người ta không cho vào trong.
Ngày hôm sau, người quen chở đi chơi San Francisco, cách đó chừng hai giờ lái xe. Buổi sáng, đi tàu tham quan vịnh San Francisco, Golden Gate. Sau tour đó, đi vòng vòng thành phố và ăn cơm trưa trong China town. Được tận mắt chứng kiến những gì mình đã đọc trên sách báo cũng hứng thú hơn. Ở đây, mình cũng được nhậu một chầu với bà con đồng hương Nhu Lý, Quảng Trị.

Rời San Jose, mình bay qua Amarillo, miền nam bang Texas. Đây là nơi nuôi bò rất nhiều. Chồng bạn mình làm trong nhà máy của công ty Tyson, mỗi ngày giết mổ năm sáu ngàn con bò. Còn trên đường đi, có thể bắt gặp những nơi nuôi nhốt bò chờ mổ thịt dài hàng cây số, chắc cũng phải rất nhiều bò. Trên đường họ cắm một cái bảng: Đây là thủ đô bò của thế giới.Một buổi tối, một người bạn chiêu đãi một bữa thịt bò bifteck no nê. Thịt bò mềm, ngọt ăn kèm với xà lách trộn và khoai tây nướng. Gắng hết sức cũng không ăn hết được một phần nhỏ nhất ( có ba loại: dĩa nhỏ, trung, đại)
Chia tay bạn, mình bay xuống Houston thăm cháu. Vì chính phủ đóng cửa, nên không được tham quan bảo tàng vũ trụ của Nasa. Thôi ở nhà với cháu vậy. Ở đây, gặp được Nguyễn Đức Lâm. Thời tiết ở Texas ấm áp hơn trên New Jersey, cộng đồng Việt Nam cũng lớn hơn cho nên có nhiều đồ ăn Việt Nam hơn, ngon hơn.
Chuyến bay từ Houston về Philadelphia quả thật vất vả. Theo hành trình đã đặt trước, mình sẽ đi từ Houston lúc 16h30, đến Atlanta chuyển máy bay đi Philadelphia và đến lúc nửa đêm. Nhưng, chuyến bay bị hủy. Năn nỉ ( với chút tiếng anh “giả cầy”), họ xếp cho bay chuyến sớm nhất, hy vọng kịp đi Phila. Nhưng đến đó thì máy bay mình đã đi được nửa tiếng rồi. Lại thêm một màn xếp hàng chờ lấy vé mới. Đến hơn 12 giờ đêm mới có vé, nhưng phải bay ngược xuống Denver rồi về lại Phila. Hành trình trước đây dự kiến 4 tiếng, nay thành hai ngày. Một đêm không ngủ trên băng ghế sân bay. Cho đến sáu giờ chiều hôm sau mới về tới nhà. Hãi.
Về đến Camden thì chỉ còn thời gian mua sắm chút ít để chuẩn bị về. Tranh thủ thăm thêm Phila một chút rồi đi Atlantic. Bất ngờ không kịp gọi cho Nở ( hắn có dặn xuống thì kêu hắn). Dạo bãi biển, trời thu nên biển tối đen, gió mạnh thổi cát đầy đầu. Vào Casino thử một ván, ăn 275 đồng. Mua cho bằng hết tiền rồi chạy về. Chuyến về Việt Nam suông sẻ, thuận lợi.

Một vài cảm nhận: Đây là những cảm nhận ban đầu rất hời hợt và có thể hoàn toàn sai lệch, nhưng cũng xin được chia sẻ.
1/ Tuy đi Mỹ, nhưng những người mình gặp, tiếp xúc toàn là người Việt. Đi lễ ( hàng ngày) cũng là nhà thờ Việt. Mình cười thầm trong bụng: đây là đi chơi xứ Việt Nam 2, chứ có Mẽo miếc gì đâu. Những câu chuyện trao đổi cũng chỉ với người Việt và chỉ liên quan đến công việc, người thân bên nầy, bên kia, ăn cũng toàn ăn kiểu việt và ở đây các chợ ( siêu thị) Việt hay Tàu đều có đủ thứ như ở Việt Nam, kể cả mắm ruốc, mắm tôm nhưng chắc chắn là không có thịt chó. Lần sau ai đi, xin đừng mang theo đồ ăn, mất công, người ta không cần đâu.
2/ Có người nói hơi quá, qua đây nhớ con muỗi, con ruồi. Không phải mô, ruồi muỗi cũng có, nhưng không nhiều, với lại nhà Mỹ cửa hai lớp, có lớp chống ruồi nên chúng không vào được mà thôi.
3/Đường sá bên nầy chằng chịt. Biết cách đi thì thiệt thoải mái. Một cái hay là khi ra đường bị cảnh sát phạt ( đậu xe không đúng chổ hay gì đó) thì rất thoải mái, cứ nhận giấy phạt, tiếp tục đi chơi. Về nhà chuyển tiền trả phạt là xong. Nói chung, không ảnh hưởng gì đến việc tiếp tục hành trình của mình. Trừ khi phạm lỗi nặng hay tai nạn thì cũng như mọi nơi khác…
4/ Mới bên Việt Nam qua, mua gì , ăn gì cũng nhẩm tính xem tính ra tiền đồng là bao nhiêu. So với tiền mình, thì bên nầy đắt đỏ thiệt. Một nhúm rau thơm chừng vài chục lá cũng mất hai chục ngàn. Bên mình hai chục ngàn đó đủ để nấu đám cưới. Nhưng bù lại, kiếm tiền cũng dễ: nhổ lông mi bốn phút: tám đồng. Ơ , chỉ một chút thôi mà nó kiếm được cả 160.000 đồng, ăn răng cho hết.
5/ Thành phố của họ rất nhiều cây. Trừ một vài khu phố lớn ở trung tâm, nhà cửa san sát, các thành phố khác rất nhiều cây xanh. Đi đâu cũng có cảm tưởng như ở trong rừng. Hai bên free way cũng trồng cây, không thấy gì nhiều.
6/ Khác biệt với Pháp, có nhiều làng mạc ( mà bây giờ gọi là thành phố) với tháp chuông nhà thờ là trung tâm, bên Mỹ nhà thở nhỏ hơn và làng mạc không thấy nhiều. Ra khỏi thành phố là nông trại. Chắc có lẽ mình chưa được đến những nơi đó thôi, chắc cũng có.
7/ Nước Mỹ to thiệt. Từ bên nầy qua bên kia hết bốn múi giờ. Thời gian của mình thì ít, mà muốn đi cho nhiều, nên nhiều khi có ngày đổi giờ đến hai lần. Túm lại, mất hết ý niệm ngày đêm: lúc người ta ngủ thì mình thức và ngược lại.
Cảm ơn Chúa đã mang vợ chồng mình trở lại quê hương an toàn, mạnh khỏe. Nhưng những chuyến bay dài dằng dặc để qua đến Mỹ và về Việt Nam thì còn lâu mới quên.

  Nguyễn Phu







0 nhận xét:

Đăng nhận xét