Nơi đó không phải là quê nội tôi. Tôi cũng không sinh ra ở đó. Mẹ tôi sinh tôi tại Thạch Hản, khi gia đình tôi lánh nạn chiến tranh lên đó vào cuối những năm bốn mươi của thế kỷ trước.
Nhưng những gì tôi biết khi tôi vừa có trí khôn, thì chỉ có nơi đó. Làng tôi nhỏ, chỉ có năm mươi gia đình ( mà bây giờ tôi có thể kể tên vanh vách từng nhà, từ đầu làng đến cuối làng), sống hiền hoà cạnh một chi lưu nhỏ cuối giòng sông Thạch Hản. Dân làng tôi quê mùa, hiền hoà như đồng lúa năm hai mùa thơm ngát mồ hôi. Tắt một lời, chẳng khác gì những làng quê Việt Nam khác. Nhưng làng tôi là làng toàn tòng, ở đó sự đời chỉ là để phụ trợ cho việc đạo. Tôi lớn lên dưới bóng nhà thờ, điều đó có thể hiễu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sáng sớm ( không biết mấy giờ, vì mấy ai có đồng hồ) đi lễ. Lễ về, và miếng cơm nguội (hay có khi là khoai sắn, nhưng không nhiều vì đồng đất trủng, không trồng được), cắp sách đi học trường giáo xứ, trưa nghe kinh nhật một là ăn cơm, xong ngủ trưa, nghe trống đánh vào nhà thờ lần hạt với câc chị Mến Thánh Giá, học tiếp. Tan học, cả đám tụ tập chơi bi, hay các trò chơi dân gian khác. Cơm tối xong, nghe chuông, vào nhà thờ đọc kinh tối. Khi nào tụi tôi cũng đi sớm, còn thời gian chơi đủ thứ trò: bợ đầu, vật nhau… Lớn lên một chút, thì ghé vô nhà cha xứ, nghe rađiô ( khi đó cả làng chỉ có ngài có) hay hóng chuyện người lớn.
Cuộc đời cứ êm ả trôi theo tiếng cầm chịch của chuông trống nhà thờ. Lớn lên một chút, con gái thì ở nhà làm việc nhà, lấy chồng. Con trai thì lên thị xã học hay đi tu. Tuy dân số ít ỏi, nhưng làng cũng đã đóng góp cho giáo hội một thánh tử đạo, Simon Phan Đắc Hoà, trên năm linh mục và một giám mục, còn các nữ tu thì tôi không nhớ, nhưng cũng không dưới mươi người. Thế nhưng, thời cuộc đổi thay, những cuộc chiến đã chà đi xát lại quê tôi và mùa hè đỏ lửa 1972 , mọi người đều dắt díu nhau lánh nạn: Cam Ranh, Ninh Thuận, Đồng Nai. Làng bị bỏ không, mặc cho bom đạn giày xéo. Sau nầy người nơi khác đến ngụ cư.
Tôi đi biệt từ đó theo cuộc mưu sinh, đến hôm nay mới về lại đứng trên con đường làng. Nhìn ra cánh đồng, lúa sắp ra đồng xanh mặn mà, những tia nắng chiều lọc qua màu xanh của lúa thành mùa ngọc biếc. Nhưng đây không phải là cánh đồng mùa khô cỏ cháy của tôi ngày xưa, những con mương thuỷ lợi chia cắt cánh đồng. Ngày xưa, vào mùa nầy, sau khi ruộng đã cày xong, đêm đêm trăng sáng, thanh niên thường hay chơi “đôi đất”. Nhiều khi nguy hiểm quá, cha sở phải ra lệnh cấm.
Con đường tôi đi ngày xưa bụi mù hay lầy lội theo mùa, nay đã bê tông hoá, tuy nhiên nó vẩn giử hướng đi của con đường ngày xưa. Tôi có thể hình dung lại vị trí của từng ngôi nhà, từng con ngỏ. Nhà thờ đã sập từ lâu, nay chỉ là một bãi đất trống, trước sân, ngày nay người ta xây trường mẫu giáo. Nhà cha xứ còn đó, vững vàng qua khắc nghiệt của thời gian, chinh chiến. Đài tưởng niệm thánh Simon Phan Đắc Hoà còn đó, nhưng nham nhở và tượng thánh đã bị người ta lấy đi tự hồi nào.
Bên kia cái hồ nhỏ tí tẹo (mà ngày xưa trong trí óc non nớt của tôi, nó rộng mênh mông) là lăng tử đạo. Lăng được đồng hương góp tay tôn tạo lại, nên tình trạng còn tốt. Lăng tử đạo nầy, nói một cách nào đó, cũng như là lăng khai khẩn của làng, của họ (làng tôi không có lăng khai khẩn, người lập làng). Hình như người làng tôi cũng không biết gì nhiều về lai lịch làng mình. Lớp trẻ chúng tôi không biết ông bà mình từ đâu đến, chỉ nghe kể rằng: làng theo đạo rất sớm, từ những năm đầu truyền giáo ở Dinh Cát, làng tôi là một địa điểm các cha thừa sai thường ghé đến và làng có linh mục coi sóc từ rất sớm. Dòng Mến Thánh Giá Trí Bưu trước tiên được lập tại đây, sau đó mới chuyển lên Trí Bưu và mang tên gọi đó. Làng cũng có ruộng của chủng viện, năm nào các cha giáo chủng viện cũng ghé về thu lúa.
Từ những đợt bách hại đầu tiên, lúc nào cũng còn sót lại một hai gia đình. Sau đó thì người ta lại mộ dân từ nơi khác đến. Và theo sự sắp xếp của các cha xứ, sau thành lệ làng: khi ai đó đến ở làng , thì có thể chọn trong bốn họ tộc đã hiện hữu từ lâu trong làng, Nguyễn Văn, Nguyễn Công, Lương, Lê. Còn họ cũ thì bỏ đi. Không biết có phải vì thế mà người làng tôi khi đến nhập làng, cũng nhận luôn đức tin, tài sản quý giá nhất của làng. Và cứ thế, sau nhiều đợt bị bách hại, phân sáp, văn thân, làng lại được tái lập và lưu truyền đức tin, nếp sống đạo hạnh.
Nhân đây cũng xin kể chút chuyện gia đình tôi. Ông nội tôi là lương dân từ làng bên, không biết vì lý do gì đã đến đây định cư khi còn thanh niên, chấp nhận làm thuê làm mướn, bỏ quê hương (ngày xưa, bỏ làng mà đi là điều tối nhục nhã). Ông được hồng phúc đức tin lúc mấy tuổi, chúng tôi cũng không biết. Lớn lên, ông cưới vợ đạo giòng, cũng là người đi làm thuê , làm mướn như ông. Gia đình nghèo khổ, đói khát, ông đem vợ và các con ra làm thuê cho dòng Phước Sơn, mới được thành lập, nhưng để cha tôi ở lại để khỏi mất gốc. Như vậy, đó không phải là quê hương tôi, nhưng đã là quê hương đức tin của gia đình tôi. Với tôi, quê hương là một danh từ khá “sách vỡ”,“hành chính”, để chỉ về cái gốc gác của ai đó. Với tôi, thì chỉ có làng mới là “làng” và đây mới là đích thực làng của tôi, nơi đã nuôi dưỡng, dạy dỗ tôi và các anh chị tôi.
Tôi chậm rải bước đi trên con đường làng, tâm trí ngập tràn cảm xúc. Nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm. Dù vui, dù buồn, qua năm tháng, tất cả đã cô đọng trở thành cái gì thật thiết tha, quí giá.
Tôi không dám mời bạn về thăm làng tôi, vì ngày nay, không còn ai ở lại làng. Tôi chỉ biết ghé thăm như người khách lạ. Xin nhại lại câu dân ca gởi tới đồng hương đang ly tán khắp mọi miền đất nước cũng như hải ngoại:
“ Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa làng, tội lắm người ơi”
Nha Trang 08/6/2013
Gởi đồng hương Nhu Lý, Quảng trị.
Phu Nha Trang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét