Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

THỦY SÂM


Gần đây trong nước ta rộ lên phong trào nuôi thủy sâm để lấy nước uống chữa bá bệnh. Thị trường bán con giống thủy sâm cũng rất sôi động.Tuy nhiên,chưa có căn cứ để khẳng định tác dụng của đồ uống nầy. Vì vậy, mình gởi đến các bạn bài viết nầy đọc để cân nhắc và đề phòng.
. Coi chừng mang bệnh viêm gan vì uống thủy sâm
Về góc độ sinh học, cùng một môi trường nuôi cấy nhất định, có thể ngoài chủng nấm men chính đó, còn có nhiều loại vi sinh vật (VSV) khác, các chủng loại nấm men khác (nấm men cũng là một loại VSV) cùng chung sống. Trong chuyên môn vi sinh gọi là “môi trường bị nhiễm hay tạp nhiễm”, nếu môi trường ấy không được đảm bảo nuôi cấy trong điều kiện hoàn toàn vô trùng (tiệt trùng), trong các buồng nuôi cấy đặc biệt. Vì vậy, ta không lấy gì đảm bảo rằng, trong các bình, thẩu để nuôi thủy sâm tự nhiên ấy sẽ không bị nhiễm các VSV khác, và các VSV nhiễm này là không hề tiết ra các chất độc tố vào môi trường nước mà ta sẽ uống.Ngoài ra, nếu cứ dạng tự bán hoặc cho giống để nhân truyền một cách tự phát, tự nhiên như thế, không phải từ một nguyên chủng giống gốc cố định, thì không có gì đảm bảo rằng, giống đó sẽ không bị thoái hóa, hoặc phát sinh các biến dị, tạo ra các biến thể mới khác xa so với nguyên chủng gốc ban đầu, như hiện tượng chúng ta đã gặp về chủng cúm H5N1 biến thể thành H1N1,… hoặc dịch bệnh tay chân miệng đã biến thể, gây lúng túng cho các ngành chức năng khi nó đang có nguy cơ và đã thành dịch ở gần hầu khắp các tỉnh thành VN hiện nay (làm gần bốn chục nghìn người mắc, gần chín mươi người chết, lây lan sang cả người lớn, mà trước đây chỉ ở độ tuổi trẻ em từ mười lăm trở xuống, người lớn không bị mắc bệnh).... Và như vậy, kiểu lên men tự phát đại trà trên sẽ lại càng khó kiểm soát về hoạt tính và mức độ gây độc tố, so với chủng gốc ban đầu. Mỗi lần lên men lại không có xét nghiệm, kiếm tra, kiểm soát… Nhất là trong điều kiện truyền miệng nuôi đại trà, nhà nhà, người người như trên, thì sự xuất hiện các nguy cơ nhiễm độc do cả 2 yếu tố trên là khó tránh khỏi.
Phàm cái gì cũng có tính hai mặt và các tác dụng phụ của nó. Thực phẩm đồ uống vào cơ thể, không thể chủ quan được các bạn ạ. Mỗi người lại có một cơ địa và phản ứng khác nhau với cùng một loại thực phẩm, tốt cho người này nhưng lại có thể có hại, nguy hiểm ngấm ngầm cho người khác, tốt mặt này nhưng lại có hại mặt khác là điều tất nhiên, chưa kể còn có tác dụng phụ của chính chủng gốc đó. Ngay cả khi dùng các loại thuốc bổ vitamin cũng thế, nếu bạn dùng quá lâu, quá nhiều, kiểu mưa lâu thấm dần cũng sẽ rất nguy hiểm. Chúng sẽ gây chất thừa, chất thiếu, làm ức chế lẫn nhau, sinh ra rối loạn các tuyến nội tiết trong cơ thể. Uống chơi, thỉnh thoảng thì được, lâu dài thì không nên !
Như bản thân tôi, nhiều người cho giống để lên men, nhưng tôi không làm và vì họ đang hoan hỉ hy vọng, nên có can cũng chẳng được (vì tôi không phải chuyên ngành y ), có nói trực tiếp, họ cũng chẳng tin. Tuy nhiên, tôi biết được tác hại nguy hiểm này, sớm muộn gì điều đó cũng sẽ xảy ra, như đã từng gặp ở Trung Quốc cách đây vài chục năm… Vì vậy, nhân có bài viết của các nhà khoa học Chuyên ngành Y , tôi phân tích thêm về mặt sinh học để các quí độc giả thêm tin tưởng và rộng đường dư luận, mạn đàm.
1. Chỉ là quảng cáo để bán hàng? Chị Nguyễn Thị Hòa (ở quận Đống Đa, TP.Hà Nội) xin được một con giống, chị nuôi ngay theo công thức được một người bạn “chuyển giao”: 3 gói trà lipton, 2 lít nước, 2 lạng đường. Chị đưa cho cả gia đình xem một tập tài liệu được tải từ trên mạng xuống, đóng vuông vắn, trong đó có những câu chuyện thần kỳ do thủy sâm tạo nên. Nào là ở Nhật, ở Nga người ta sống thọ hơn 100 tuổi, có làn da đẹp, khỏi được nhiều bệnh nhờ uống thủy sâm. Từ cả tháng nay, đây là một trong những chủ đề “nóng” nhất qua điện thoại của chị.
Vị chua chua, ngọt ngọt nhiều khi khiến ông Hà Xuân Tùng, ở Thanh Xuân, Hà Nội nhớ lại thấy thèm thèm, nhưng sau khi uống đều đặn 1 tháng, ông sụt mất 3kg. Hoảng quá ông thôi không dám uống, đổ đi cả bình 10 lít nước đã ngâm. Ông bảo, mình đã gầy uống vào còn bị sút cân, nước chua chua nên chỉ sợ mắc thêm dạ dày nên không dám uống.
Trên mạng có rất nhiều tài liệu về thủy sâm, trong đó nói rằng loại thức uống được chiết xuất từ loài này có thể trị dứt hoặc giảm bớt được rất nhiều bệnh như cao huyết áp, chống lão hoá, giảm nếp nhăn trên trán, mặt; làm sáng mắt, làm cơ bắp rắn chắc hơn; chữa mỏi nhức gân cốt, xuyên, lác, ung nhọt, lở loét; trị bệnh trĩ, làm tóc đen trở lại, mọc thêm tóc…trong đó có những bệnh nan y như đái tháo đường, ung thư.
Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu này đều là tài liệu dịch từ nước ngoài với những trích dẫn mơ hồ mà ở VN, độc giả rất khó kiểm chứng thực tế, ví dụ như kinh nghiệm của “BS Pan Pen, khoa học gia người Nhật đã tìm thấy ích lợi của trà nấm như sau…”, “BS Sklenar ở Đức đã dùng trà nấm này để chữa bệnh ung thư….”, “khi đến vùng Kargasoks người ta khám phá ra nơi này có nhiều người sống trên 100 tuổi..”, “theo TS, BS Paupell ở Nhật thì Thủy sâm có thể trị dứt/hoặc giảm bớt các bệnh sau đây và kéo dài cuộc sống không thể ngờ…”. Cuối những bài viết này, hầu như đều có địa chỉ của người bán con nấm, với những giá cả rất khác nhau, từ 10.000/con đến 350.000đ/con.
2. Nhà khoa học: Chỉ là bã chè lên men. Theo GS. TS Dương Trọng Hiếu, nguyên BS BV Y học cổ truyền TƯ: Thủy sâm thực ra là con dấm lên men từ bã chè, muốn làm thì chỉ cần bã chè và nước chè lên men khoảng 1 tuần. Nhờ quá trình lên men, nên nước chè ban đầu có vị chát sẽ trở thành chua chua. Đây là đồ uống mà từ lâu, người dân không lạ gì, cách đây 30 – 40 năm ở quê tôi đã thấy. Có thể vì người dân muốn thể hiện là cái gì quý nên gán cho nó có chữ sâm. Tôi thống kê có 54 cây có tên là sâm, nhưng không phải là loại sâm nào cũng tốt.
Muốn khẳng định tác dụng một loại đồ ăn, thức uống nào tốt hay không tốt cho sức khỏe, cần phải thông qua nghiên cứu, đánh giá khoa học trên 1 nhóm người chứ không thể nói suông một cách vu vơ cái A, cái B này tốt lắm. Nếu có kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm cá nhân. Chưa có nghiên cứu thì không thể đưa ra chỉ định hay chống chỉ định. Chỉ đơn giản riêng về tiêu hóa, giống như người ăn dưa, người ăn được thì thấy ngon, có người lại thấy đau bụng. Không thể có 1 thức uống hay đồ ăn tốt cho tất cả mọi người.
Ở VN chưa có đánh giá nào về vấn đề này, nên người uống cũng phải cảnh giác, vì nó là nấm. Không nên uống quá nhiều và thường xuyên để có thời gian đào thải. Uống chơi thì uống, chứ nhằm một mục đích gì thì tôi không khuyên.
3. Đổ đi vì nghi uống bị viêm gan. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội đông y ViệtNamcho biết: “Khoảng những năm 1968 -1970, ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã rộ lên phong trào nuôi thủy sâm, còn có tên là tiểu cầu tảo, hay thủy cầm sâm. Nó như một loại con dấm.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sau một thời gian nhà nhà nuôi và uống thủy sâm thì có hiện tượng nhiều người ở Bắc Kinh bị men gan cao không rõ nguyên nhân. Khi học ở đó, và làm thực tập, có những buổi sáng tôi khám 20 bệnh nhân thì 15 người bị men gan cao.
Sau đó, người ta bắt đầu bỏ, kết thúc 1 thời kỳ nuôi thủy sâm ở Bắc Kinh. Năm 2001, khi sang Quảng Tây, tôi cũng thấy đang rộ lên phong trào này, lúc đó người ta gọi là hải sâm. Quan sát tôi thấy có 2 giai đoạn như vậy, thực hư không rõ ràng nên tôi đã hỏi thầy giáo ở trường ĐH Trung y, trung dược Bắc Kinh. Thầy Vũ Trạch Dân, cho hay: Chỉ là đồn đại ngoài dân gian, còn sách vở Trung y chính thống không thấy nói. Trong các BV cũng không ai dùng”.
Theo thầy thuốc Nguyễn Xuân Hướng, hiện nay khi trong đời sống hàng ngày rộ lên những phong trào nuôi và uống thủy sâm rộng rãi như vậy, Bộ Y tế cần tiến hành nghiên cứu và cung cấp tới người dân những thông tin chính thống về thành phần và mức độ tác dụng (nếu có) của loại nước uống này, nhằm tránh những lạm dụng và quảng cáo thương mại tráhình.
Gần đây, trên các diễn đàn mạng rộ lên thông tin nói về “thủy sâm” chữa được bách bệnh. Phong trào nuôi thủy sâm và rao bán con giống cũng rộ lên từ đây…
Chữa bá bệnh
Qua những lời đồn đại về nhiều công dụng trị bệnh của thủy sâm, ngoài những người nuôi thủy sâm để dùng chữa bệnh cho gia đình, còn có nhiều người nuôi nhân giống rồi rao bán con giống thủy sâm.
Một người có số điện thoại 098809… rao bán con giống thủy sâm trên một diễn đàn mạng như sau: “Mua một con giá 160 ngàn đồng; mua 2 con giá 150 ngàn/con; mua từ 3 con trở lên thì giá 140 ngàn/con. Tặng kèm tài liệu tham khảo…”. Người rao bán thủy sâm này còn rao công dụng chữa được 27 căn bệnh như: tiểu đường, cao huyết áp, chống ung thư, đau khớp, giúp tăng khả năng sinh lý, chống lão hóa, giảm nếp nhăn…
Vào trang vatgia.com cũng có rất nhiều người rao bán thủy sâm, với giá dao động từ 100 ngàn – 200 ngàn đồng/con giống. Thậm chí, nếu ai có nhu cầu mua nước thủy sâm về uống ngay thì giá 35 ngàn đồng một lít, giao hàng tận nơi và cả qua đường bưu điện (tùy địa phương). Người có nickname <khuonghien…@…> thì rao… thanh lý thủy sâm, với lời rao rằng: “Thủy sâm nhà em chật cả bếp và cả tủ lạnh rồi nên muốn thanh lý lại với giá 300 ngàn đồng một hũ (hũ 5 lít có kèm con giống)…
Theo một địa chỉ rao bán thủy sâm trên một diễn đàn mạng, chúng tôi tìm đến nhà anh N. (21 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). N. cho biết: “Tôi đã nuôi thủy sâm được hơn nửa năm nay. Xuất phát từ việc có người giới thiệu về công dụng chữa được nhiều chứng bệnh của thủy sâm nên tôi nuôi thử. Sau đó, tôi lên một số diễn đàn thấy nhiều người có nhu cầu nuôi thủy sâm nên nảy sinh ý định nuôi nhân giống thủy sâm để bán kiếm tiền cho vui”. N. quảng cáo: “Mẹ tôi bị viêm khớp, dùng nước thủy sâm một thời gian, thấy bệnh bắt đầu giảm phần nào. Bản thân tôi cũng dùng nước này cũng thấy đỡ mệt mỏi cơ bắp mỗi khi vận động nhiều?”. N. còn đưa cho chúng tôi xem một tờ giấy trong đó liệt kê ra mấy chục căn bệnh có thể chữa khỏi nhờ uống thủy sâm như: huyết áp cao, đau khớp, giải độc gan, thận…

”Thực tế thủy sâm không có quá nhiều công dụng như người ta rao. Ngoài ra, cần lưu ý với những sản phẩm lên men, luôn phải cẩn trọng, dễ ảnh hưởng trên tế bào gan” - Lương y Huỳnh Văn Quang

Cẩn trọng!
Theo lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN): “Thực ra thủy sâm là một dạng nước uống làm đơn giản, nó được lên men từ trà và nước đường, tạo ra con giống gần giống như con giấm. Nó cũng có vị chua như giấm. Sản phẩm lên men nên cũng có một số vitamin, chất a-xít. Vì có vị chua nên nhiều người dùng để giảm cân. Thường trong dân gian hễ nghe nói cái gì bổ thì gọi đó là sâm, trong thực tế có hàng chục thứ cây, lá, củ… được gọi là sâm, nhưng chỉ có vài loại là sâm thực sự, có tính bổ dưỡng. Việc nuôi thủy sâm cần đảm bảo vệ sinh từ khâu nước đến lọ hũ đựng để không bị nhiễm vi sinh”.
Về khả năng chữa bệnh của thủy sâm, lương y Quốc Trung cho rằng: “Thủy sâm có vài công dụng, dễ thấy nhất là giảm cân, vì cũng như những loại chất chua khác đều có tác dụng giảm cân. Bên cạnh đó là giải khát. Còn những lời rao trên mạng là nói quá, nhất là chống ung thư, điều này chưa có nghiên cứu, chưa có cơ sở khoa học gì cả”. Tương tự, nói về thủy sâm, lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM) cho rằng: “Thực ra đây là phong trào đồn thổi để bán sản phẩm, nhất là sản phẩm do một công ty nào đó nhập về bán chứ không đơn thuần chỉ là con giống mà mọi người nuôi thủ công bán. Thực tế thủy sâm không có quá nhiều công dụng như người ta rao. Cũng cần lưu ý với những sản phẩm lên men, luôn phải cẩn trọng, dễ ảnh hưởng trên tế bào gan. Do vậy, những bệnh nhân có xét nghiệm men gan cao, hay có các triệu chứng về gan thì không nên dùng những sản phẩm ủ lên men”.
Dược sĩ Lê Kim Phụng (giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM) cũng đưa ra một số lưu ý khi dùng thủy sâm, đó là: Cần chú ý vì lượng a-xít axetic chứa trong thủy sâm khá cao (giống như giấm), vì vậy không nên uống quá nhiều mặc dù thấy hợp khẩu vị hoặc uống cho đã cơn khát. Liều lượng sử dụng thay đổi tùy từng người, khi bắt đầu uống để bồi bổ chỉ nên uống một lượng nhỏ chừng 50-60 ml lúc sáng sớm và uống kèm nhiều nước trong ngày. Có thể tăng lên 1/2 lít hoặc 1 lít nếu để điều trị bệnh nhưng phải có sự chỉ dẫn chuyên môn. Do trà thủy sâm chứa nhiều a-xít lactic, do đó dùng một thời gian dài có thể dẫn đến đau khớp, chóng mặt và viêm xoang. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và phụ nữ có thai không nên dùng (vì có đến 1% lượng cồn trong thủy sâm). Cũng không nên uống trong thời gian cho con bú vì có thể gây đau bụng cho trẻ sơ sinh. Người tiểu đường cũng không nên dùng nhiều. Phụ nữ bị rong kinh cũng cần thận trọng khi dùng, và nên ngưng sử dụng trước kinh kỳ tối thiểu là 1 tuần. Dụng cụ chứa đựng nên dùng lọ thủy tinh, sành sứ, vì nấm men trà tương kỵ với dụng cụ kim loại do chất a-xít trong trà thủy sâm sẽ tạo ra những độc chất…  
Phi Khanh st

0 nhận xét:

Đăng nhận xét