Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Chiều trên phá Tam Giang



(Thân tặng Phi Khanh, dân cư phá Tam Giang và cũng để cảm ơn những hủ tôm chua của bạn đã cho mình tìm lại được cái hương vị mình đã mơ tưởng mấy chục năm nay.)

Chiều tàn, đứng trên bến đò Cồn Tộc, chút nắng vàng màu mật  còn vương víu trên những ngọn cây, những mái nhà. Gió từ phá mơn man thổi về. Chợt nhớ bài hát của Trần Thiện Thanh: ”Chiều trên phá Tam Giang”. Nhưng đó là bài hát phổ thơ nói về một người lính trẻ, đứng trên Phá Tam Giang mà nhớ về Sài Gòn, nhớ người yêu.
Còn tôi, đứng đây, tôi đang nhớ gì? Hơn bốn mươi năm mới về lại nơi một thời mình đã sống, những cảm xúc dồn nén, tức nghẹn trong ngực. Quá nhiều cảm xúc đồng loạt  ùa về, chen lấn, tranh giành đến nỗi chẳng có cái nào nổi bật lên được. Nhưng trong sâu xa tâm tưởng, cái nhớ nhung  đó thật diết da, thật quay quắt và…. rất thật. Sau chuyến công tác Huế thật lâu, tôi mới nhận diện  được tâm trạng đó: đứng trên Phá Tam Giang, tôi không nhớ đến ai, không nhớ về một địa danh nào cả, tôi đang nhớ phá Tam Giang, phá Tam Giang của tôi.
Phá Tam Giang, từ khi tôi còn nhỏ, những ngày mưa dầm gió bấc, không có việc đồng áng, cha tôi ngồi với hai anh em cạnh bếp lửa ( để tránh rét), vừa lượm những hạt bổng do lúa sót lại từ trong rơm đun bếp. Những câu chuyện dân gian, có thật và không có thật về những nơi mà bước chân của cha tôi, anh nông dân suốt đời làm thuê cơ khổ đã đi qua. Những địa danh Cây Da, Thanh Hương, Thế Chí và những câu chuyện về vùng đất, thật và tưởng tượng, đã hằn sâu trong trí óc tôi. Tam Giang là vùng đất xa xôi, là vùng phá mênh mông, rộng lớn hơn cả trí tưởng tượng trẻ con ( ngày nay, người ta lấn phá nuôi trồng thuỷ sản gần hết). Và những câu ca dao về vùng đất nầy đã theo tôi suốt cuộc đời:
Trăm năm dù lổi  hẹn hò,
Cây đa bến cũ con đò khác đưa….
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
Lớn hơn một chút, hàng năm tôi được đi theo mạ vào  thăm cậu tôi. Cậu tôi lúc đó là cha JB. Nguyễn Văn Đông, đang làm quản xứ Thạch Bình. Đón xe giữa đường, xuống xe ở cầu An Lỗ, rồi đón xe về Sịa. Quà cho cậu là một vài chục trứng, vài nãi chuối hay một ít gạo nếp. Đứng trước ông cha sở nghiêm nghị, thằng con nít nhà quê chỉ thấy cảm phục và lo âu. Quà cậu cho tôi khi là một tràng chuổi, khi là vài cái tượng giấy. Có một lần, dịp  mừng ngân khánh linh mục cậu, tôi và mạ ở lại nhà xứ một đêm. Cậu hỏi tôi có giúp lễ được không, tôi thưa được (dù gì cũng đã có thâm niên sáu tháng giúp lễ cho cha Tôma Lê Văn Cầu). Sáng bốn giờ, mắt nhắm mắt mở, nhà thờ đèn đuốc tù mù, những câu thưa La Tinh câu được câu chăng, nhưng sợ nhất là những khi phải rung chuông, không còn thấy ông cha làm chi trên bàn thờ. Sợ toát mồ hôi hột, nhưng rồi cũng xong. Hú hồn.
Cũng từ đầu mối nầy, mà gia đình tôi đã phó thác tôi cho cha Yuse Trần Văn Lộc, lúc đó là cha phó của cậu tôi. Những năm được làm “ Miles Christi”, hè nào tôi cũng  về ở với ngài một hai tuần. Lúc nầy ngài đã là quản xứ Mỹ Thạnh,  giáo xứ mới tách ra từ Thạch Bình. Vì thời gian tôi ở với ngài không lâu, nên ngài cũng không bắt tôi phải học hành gì. Ngài chỉ chú ý đến việc kinh nguyện, thiêng liêng của tôi bằng những câu hỏi, lời khuyên  nhẹ nhàng, tế nhị. Tại Mỹ Thạnh nầy, tôi đã được thưởng thức những đặc sản mà hương vị của nó đã đeo đẳng theo tôi suốt mấy chục năm nay.
 Ở Nha Trang hay bất kỳ ở đâu, người ta cũng mang tôm chua Huế vào bán khắp các chợ, siêu thị, nhưng xin thưa thiệt với anh em, với mình, tôm chua nầy thua xa tôm chua bà Tô ở chợ Đầm, Nha Trang. Tôm chua vùng phá người ta không dùng tôm lớn,  không lỏng bỏng nước, con tôm màu đỏ tươi như mới luộc, cay xé họng. Kẹp một con tôm nầy với miếng thịt luộc, ăn vào vị ngọt của tôm, măng vòi, riềng quyện lại làm bạn  thấm thía hết cái ngọt ngào, nồng nàn của Tam Giang. Ăn một lần là muôn đời khó quên. Tôm chua phá mới thiệt là….tôm chua.
Một món khác là cá bống thệ. Những con cá tươi xanh kho khô hay nấu canh măng chua đều ngon trên cả tuyệt vời. Đây là tôi chưa dám nói đến những món độc khác như cá ông, lệch….
Kỷ niệm khó quên khác của những kỳ nghỉ nầy:  hè nào trong nhà cha Lộc cũng có một hai thầy về chơi. Năm đó là thầy Nam, và thầy Trần Trọn. Cụ Trọn  đạo mạo không tham gia trò  đi soi cua nầy với chúng tôi, nhưng thầy Nam thì ít khi vắng mặt. Hai yếu tố quyết định để có thể tổ chức trò vui: một là cha đi Huế vắng, tối không về; hai là đêm đó phải không có trăng. Ăn tối xong, thầy trò chúng tôi và đám thanh niên trong xứ, chuẩn bị hai ba cái đèn dầu (hồi đó đèn pin còn hiếm hay là vì ghẹ bắt bằng đèn dầu ăn ngon hơn?) đặt trong thùng thiếc có quai xách, một vài cái áo rách để làm găng, nơm, oi. Tối trời, nhưng lội phá không có gì đáng sợ: không có sóng, nước cạn, ra thật xa cả trăm mét nước cũng chỉ lên tới đầu gối. Bắt cua ghẹ ở đây rất dễ, thấy chúng bò dưới nước thì chụp nơm lại rồi dung vải quấn tay bắt cua. Có anh thiện nghệ còn không cần dùng nơm. Nhưng cái mục hấp dẩn nhất là cuối buổi, tại nhà xứ, một nồi to cua ghẹ luộc được bày ra và vị ngọt của nó thì đi cùng trời cuối đất cũng không có nơi nào bằng.
Quê tôi là vùng đồng trủng, rất thuận lợi cho việc trồng lúa, nhưng trái cây thì không có. Cạnh hiên nhà cha xứ, có cây mảng cầu khá lớn, nhưng trái đâu có  kịp già ( chưa dám nói tới chín) cho lũ quỹ chúng tôi. Nhưng mùi vị của mảng cầu xanh rất khó chịu, do đó tôi không thích loại trái cây nầy. Một chiều kia, bà O của cha Lộc đi đâu về mang cho tôi hai quả mảng cầu thật to mời tôi ăn. Tôi cảm ơn O, nhưng nói là không thích. O bảo tôi đây là mảng cầu Thuỷ Lập, trồng trên cát, ngon lắm. Nể lời O, tôi ăn thử.  Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết có một loại trái cây ngon ngọt như thế và nếu trái cấm có ngon như thế, thì tôi cũng không dám trách móc bà E và đã không cưỡng lại được cơn cám dổ.
Rời chủng viện, cha Lộc đổi đi nơi khác, tôi không còn được về lại Thạch Bình, Mỹ Thạnh, nhưng những hương vị ngọt ngào của phá Tam Giang đã theo tôi đi suốt cuộc đời. Chiều nay, đứng trên phá Tam Giang, tôi cồn cào nhớ Tam Giang của tôi.
Nguyễn Văn Phú
HT 63

0 nhận xét:

Đăng nhận xét