Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Kiệu La Vang

Nha Trang, mồng 3 Tết Nhâm Thìn 2012
Mồng ba, Tết đã có chút màu phôi pha. Mấy ngày nầy lu bu chuyện Tết nhất, nghĩa là không có chuyện gì hết nên không làm được gì hết. Hôm nay , bớt khách một chút, lòng lại bồi hồi nhớ về các cuộc kiệu ở La Vang ( tuổi già sống với quá khứ mà).
Cũng xin giới thiệu sơ qua về địa lý quê tôi. Tôi sinh ra tại làng Nhu Lý, quê hương của Thánh Simon Phan Đắc Hòa, đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, giám mục tiên khởi Đà Lạt. Chắc các bác sẽ nghĩ rằng đây là vùng “địa linh, nhân kiệt”, không dám mô! Làng Nhu Lý nhỏ bé, cách thị xã Quảng Trị khoảng 12 cây số. Trên đường về Cửa Việt, đến chợ Bồ Bản rẽ sang trái chừng hai cây số là đến. Lúc đông nhất làng cũng chỉ có chừng năm mươi gia đình, nhưng được cái là toàn tòng. Sinh hoạt con người nơi đây từ khi sinh ra cho đến lúc chết diễn ra dưới bóng tháp chuông nhà thờ. Bởi vậy, giáo dân quê tôi ít khi vắng mặt trong các cuộc kiệu ở La Vang. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ hết các cuộc kiệu trong năm, chỉ có một vài kỷ niệm về những kỳ kiệu Minh Niên, khoảng mồng hai, mồng ba Tết và các cuộc kiệu Đại Hội ba năm một lần.
Các cuộc kiệu Minh Niên. Giáo dân vùng Quảng Trị sống quay quần bên Mẹ La Vang. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, hàng năm cứ chiều mồng một hay mồng hai Tết là mẹ tôi lại dắt anh em tôi lên Đại Lộc ( quê ngoại) ăn Tết, rồi tiếp đến đi La Vang dự kiệu Minh Niên. Quảng đường chỉ chừng 12 cây số, nhưng phương tiện duy nhất là “ô tô bước”. Lại thêm, như mọi người cũng biết và nhiều năm nếm mùi Tết đất Huế -Quảng Tri: mưa dầm, rét tận xương. Ba mẹ con tôi co ro trong những chiếc tơi lá ( áo mưa ny lon phải mất nhiều nhiều năm sau mới xuất hiện), cái nón cời che đầu đi trong mưa phùn. Và loại “ô tô bước” nầy có cái hay là không đòi hỏi những “free way” thẳng tắp, phẳng phiu, mà vì nó là phương tiện di chuyễn cơ bản nhất nên nó đi theo định hướng ( không phải bằng vệ tinh) mà theo con mắt nhìn của “mạ tui”. Ba mẹ con băng qua những đồng lúa mới cấy của làng Quảng Điền, Dương Lệ đến Đại Lộc. Từ Đại Lộc lên La Vang thì đi theo đường chính “tổng lộ”. Nhưng đó cũng chỉ là những con đường quê lầy lội vì vết chân trâu bò dẩm xéo từ nhiều tháng mùa mưa. Bì bỏm trong bùn lầy hết hơn nữa đoạn đường, đọan từ Sãi lên La Vang thì khá hơn. Nhưng thấy được tháp chuông La Vang là quên hết mệt nhọc. Tôi cũng không nhớ là mình đã cầu nguyện gì với Đức Mẹ, nhưng thời gian làm tôi ngộ ra là Mẹ dõi theo từng bước chân đời tôi. Thú thiệt tôi không “có lòng yêu mến Đức Mẹ cách riêng”, nhưng cảm giác về sự ân cần, bảo bọc của mẹ bàng bạc trong suốt đời tôi.
Kiệu Đại Hội: Ngày đó, xe cộ còn hiếm lắm. Năm mô cha sở (lúc đó là cha Tôma Lê Văn Cầu, Trí Bưu, bác ruôt của Lê Văn Du, HT 63) xin được chiếc xe nhà binh về chở cả họ đi là cả một hồng phúc. Còn đa phần là đi bộ. Năm đó tôi học lớp hai trường làng, nhưng như các bác nào đã vô phúc được biết tui, ngoài hai lỗ tai thỏ, tui là thằng nhỏ con , ốm yếu, nhưng được cái dai sức. Tôi can đảm đi bộ theo đoàn hành hương. Lại thêm được cha Cầu khích lệ, tui đi như không biết mệt. Đoàn khởi hành từ đầu buổi chiều, đến La Vang cũng đã chập tối. Ổn định chổ ăn, chổ ngủ, lấy gói lá chuối cơm nắm, cắt lát, chấm muối mè, một ngụm nước giếng Đức Mẹ là a lê hấp ( chử của cha Cầu), ra đài Đức Mẹ hay lên nhà thờ lần hột, đọc kinh.
Kỳ Đại Hội hình như là năm 1962 ( xin tha lổi cho trí óc lú lẩn nầy), tôi ở nhà chị tôi trên đường Hồ Đăc Hanh, Quảng Trị. Lúc đó đường nầy chỉ là đường làng của làng Thạch Hãn, chưa đổ nhựa. Năm đó, khách hành hương đông ơi là đông. Rất nhiều xe đò chạy Quảng Tri Huế và Đông Hà đều tập trung chạy từ Quảng Trị lên La Vang liên tục. Và vì quảng đường qúa ngắn, nhà xe muốn quay vòng nhanh, khách đông, lơ xe không có đủ thời gian để thu tiền hết mọi người. Thế là tụi tui đi xe quỵt ( xin Mẹ tha tội, không phải vì lòng mến Mẹ mà chỉ vì cái thú được đu xe). Mỗi ngày tụi tôi ( hai cậu cháu cùng tuổi) cũng làm được vài ba vòng. Ở đây thì xin đừng nói đến lòng đạo đức, đây đơn giản chỉ là cái cớ lên về La Vang để được đu xe.
Và những lần kiệu của riêng tôi. Những năm rời chủng viện, tôi về học Trung học đệ nhị cấp (cấp 3- có thầy Nguyễn Thiện, PX làm giám học và thầy Đỗ Trinh Huệ, PX, giáo sư Pháp văn). Nhiều buổi chiều, tôi lấy xe Honda lên La Vang chơi, một mình thôi nghe, không em út gì đâu. Tôi thích đắm mình trong cái tịch mịch của La Vang những ngày không lễ hôi. Tôi không đọc kinh cầu nguyện gì ráo, đơn giản chỉ là để được hiện diện, hòa mình trong cái im lặng thánh thiện của nơi nầy (không biết có đồng hương mô cùng chia sẽ cái thú nầy không nhỉ). Những buổi chiều có cái nắng màu mật ong, cái tỉnh lặng an lành theo tôi đến tận ngày hôm nay.
La Vang ơi, suốt thời thơ ấu tôi lớn lên dưới bóng tà áo Mẹ, tôi không phải là đứa con ngoan, nhưng Mẹ thì mãi mãi là Mẹ hiền. Xa La Vang đã bốn mươi năm, một đôi lần trở về cũng chưa vơi hết nhớ thương. Kiệu Minh Niên năm nay có đông không?
Nguyễn Văn Phú
Nha Trang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét