Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

THẬP GIÁ CỦA NHỮNG ÔNG CHỒNG

Hình như trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng”, có một bài viết được bắt đầu bằng câu :
- Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu.
Càng suy nghĩ về đờn ông con giai, gã càng nghiệm thấy thân phận phe ta thật là hẩm hiu, bẽ bàng và cay đắng. Chỉ nguyên những lễ hội trong năm mà thôi, cũng đã đủ cho phe ta tức hộc máu. Nào là ngày lễ tình nhân dành cho những người đang yêu, nào là ngày quốc tế phụ nữ vùng lên đòi quyền sống, nào là ngày tưởng nhớ công ơn mẹ hiền. Ấy là chưa kể tới ở Việt Nam còn có những ngày mừng kính những vị anh hùng…liệt nữ, như ngày Hai Bà Trưng. Tất cả những ngày này đều được tổ chức một cách long trọng và phe ta cứ việc móc hào bao, vui vẻ mua quà tặng cho cánh đờn bà con gái.
Rất nhiều cố gắng đã được thực hiện để bàn dân thiên hạ vực ngày tưởng nhớ công ơn người cha lên để mừng vào trung tuần tháng sáu, nhưng xem ra chẳng có ma nào hưởng ứng, thành thử những cố gắng ấy chỉ là như một tiếng kêu trong sa mạc mà thôi :
- Dã tràng xe cát biển Đông,
  Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.
Đã tới lúc phe ta phải gào lên :
- Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu.
Hay hợp lời với nhà thơ Thế Lữ mà hét toáng :
- Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ!


Cám cảnh trước số mạng đen thủi đen thui ấy, một tác giả nào đó trong ngày tưởng nhớ công ơn người cha, tiếng Ăng Lê gọi là “Fathers’day”, đã viết một bài với tựa đề “Đền tội”, như để góp thêm một tiếng lẻ loi và cô đơn.
Thế nhưng, khi đọc xong bài này, gã đã phải vỗ đùi đánh đét một cái và rất lấy làm tâm đồng ý hợp. Vì thế, gã xin mượn tạm một vài hình ảnh của tác giả, làm chất liệu để suy gẫm thêm về thập giá, về nỗi  khổ đau của những ông chồng trong hoàn cảnh hiện nay.
Có một câu chuyện vui kể lại rằng : Hôm đó vào lúc năm giờ chiều, thánh Phêrô đang chuẩn bị đóng cửa thiên đàng, thì bỗng từ xa nghe văng vẳng những tiếng kêu la thất thanh :
- Lạy thánh cả, chờ con với, chờ con với.
Thánh Phêrô giật mình quay lại. Không phải một người réo gọi, mà những hai người đang vội vã chạy tới, mồ hôi mồ kê toát ra nhễ nhại.
Thấy vậy, thánh Phêrô bèn hỏi :
- Hai anh đi đâu mà chạy cứ như Tào Tháo rượt vậy ?
Cả hai vừa thở hổn hển, vừa trả lời :
- Dạ, xin cho chúng con được vào thiên đàng.
Thánh Phêrô nhìn hai người, rồi lên giọng :
- Hai anh làm như thiên đàng là chỗ không người, muốn vào lúc nào là vào phải không ?
Nói đoạn, thánh Phêrô quay lại nhìn chằm chặp như dò xét, rồi chỉ tay thẳng vào người đứng trước, tướng tá đẹp trai, vóc dáng hồng hào khỏe mạnh và hỏi :
- Anh đã làm gì ở dưới thế ?
- Dạ, con là linh mục đã bốn mươi năm và đang chuẩn bị mừng kim khánh.
Nghe vậy, thánh Phêrô bèn bảo :
- Anh đứng qua một bên. Còn anh kia, anh có gia đình, vợ con gì chưa ? Nếu có thì đã được bao nhiêu năm rồi ?
- Dạ con đã có vợ được bốn mươi năm và đèo thêm bốn đứa con nữa.
- Anh làm nghề gì ?
- Dạ con là dân biểu.
Vừa nghe nói tới hai chữ dân biểu, thánh Phêrô liền đùng đùng nổi giận :
- Anh là đại diện dân mà không chịu khó làm việc vì dân, chỉ lo quơ tiền, vơ vét về cho đầy túi tham của mình, nên không xứng đáng vào thiên đàng chút nào.
Anh ta vội vã giơ tay xin đính chính :
- Dạ con không phải là dân biểu, nghị sĩ gì ráo cả. Con làm nghề đạp xe xích lô. Dân biểu cho chở đi đâu, thì con chở đi tới đó, nên ở dưới trần thế, cánh nhà báo ăn hại đái nát gọi chúng con là dân biểu.
Thánh Phêrô nhìn kỹ anh dân biểu, thấy mặt mũi anh ta xanh lè, thân hình anh ta là một bộ xương cách trí biết đi, gầy ốm đong đưa như cây sậy, đứng ngồi không vững. Thánh cả bèn dang rộng hai tay ra ôm lấy con người khốn khổ ấy và nói :
- Ngày hôm nay, con sẽ ở nơi vui vẻ cùng ta.
Sau đó, thánh cả quay sang anh linh mục mà phán :
- Anh phải xuống luyện ngục đền tội bốn mươi năm.
Anh linh mục nghe vậy lấy làm tức tối, bèn khiếu nại :
- Tại sao ngài cư xử quá bất công như vậy. Ở dưới đó, con đã thực hiện  biết bao nhiêu công việc làm sáng danh Chúa và cứu vớt được biết bao nhiêu linh hồn.
Không để cho anh linh mục nói hết, thánh Phêrô đã xua tay và ngắt lời :
-Thôi. Biết rồi, khổ lắm nói mãi. Thế nhưng, anh đâu có hay anh dân biểu này đã đền tội bốn mươi năm rồi, còn anh thì chưa có đền tội một ngày nào hết.
Nói xong, thánh cả dắt anh dân biểu vào thiên đàng và đóng sập cửa lại, mặc cho anh linh mục la lối om xòm.
Câu chuyện trên đây muốn nói lên rằng : những anh đờn ông con giai nào đã lấy vợ và có gia đình, đều là những người đang đền tội cả đấy, nhưng mỗi người đền tội theo một cách thức khác nhau.
Kinh nghiệm đời thường cho thấy : con người không thể nào sống cô độc lẻ loi như một pháo đài biệt lập, hay như một hòn đảo giữa biển khơi, nhưng sống là sống với người khác, nhất là với những người thân yêu trong cùng một gia đình.
Tuy nhiên, trong cuộc sống chung này, chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền, bởi vì bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng, hơn nữa nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình.
Do đó, mỗi gia đình đều có những thập giá của mình. Con cái là thập giá của cha mẹ và cha mẹ cũng là thập giá của con cái. Vợ là thập giá của chồng và chồng cũng là thập giá của vợ. Cho nên Kinh Thánh đã khuyên :
- Anh em hãy vác đỡ thập giá của nhau.
Ngôn ngữ Việt Nam quả thực là tài tình và phong phú. Người phụ nữ khi còn là con gái thì dễ thương dễ mến làm sao. Sở dĩ như vậy bởi vì cái âm “ái” có nghĩa là yêu. Từ lời nói dịu dàng đến nhõng nhẽo, từ cử chỉ hiền hòa đến nũng nịu, tất tật đều làm cho trái tim phe đờn ông con giai bị lúc lắc.
Thế nhưng, cũng người phụ nữ ấy một khi đã trở thành bà vợ, thì bỗng quay phắt 180 độ. Xưa rồi Diễm ơi, đâu còn nữa :
- Một thương tóc bỏ đuôi gà,
  Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
  Ba thương má lúm đồng tiền,
  Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua…
Sở dĩ như vậy bởi vì cái âm “ợ” nghe chẳng êm tai chút nào, nó làn cho ta như nuốt chẳng trôi, chỉ muốn đưa lên cổ họng,rồi ói ra ngoài  mà thôi.
Đồng thời, cái âm “ợ” nhắc ta nhớ đến danh từ rợ nghĩa là cái dây, cái xích :
- Trai có vợ như rợ buộc chân.
Hơn thế nữa, cái âm “ợ” còn khiến ta liên tưởng tới danh từ nợ. Vợ là cái nợ phải mang và phải trả trong suốt  đời mình. Chẳng thế mà người ta đã bảo :
- Anh đờn ông con giai đi lấy vợ là tự ý ký vào bản án chung thân, bế mạc cuộc đời.
Hay như một câu danh ngôn cũng đã nói :
- Trong đời anh đờn ông con giai có hai ngày vui. Ngày vui thứ nhất là ngày cưới vợ, vì lúc ấy anh ta ngu ngơ ngớ ngẩn. Còn ngày vui thứ hai là ngày vợ chết, vì lúc ấy, anh ta được thoát khỏi…cái của nợ.
Vậy đâu là những khổ đau âm thầm đã kết thành cây thập giá đời thường cho những anh chồng ? Dĩ nhiên là có nhiều, nhiều lắm. Nhưng trong khuôn khổ của bài viết, gã chỉ xin đưa ra hai cái tật mà thôi.
Cái tật thứ nhất là nói dài, nói dẻo, nói dai. 
Tác giả bài “Đền tội” cho biết như sau :
Các nhà tâm lý  nghiên cứu về đời sống lứa đôi, đã đi tới kết luận như sau :
- Đờn bà sau khi có chồng, thì nói nhiều hơn lúc chưa lấy chồng một trăm lần. Còn đờn ông thì ngược lại, nói ít đi một trăm lần sau khi có vợ.
Chúng ta thử tưởng tượng xem khi các bà gặp nhau thì sẻ xảy ra những gì ?
Trước hết là một cái chợ được hình thành. Tất cả những chuyện cà kê dê ngỗng đều được đem ra bày bán, còn hơn hàng cá hàng thịt. Hàng cá hàng thịt thì chỉ có một loại hay một món, có trả giá, có kỳ kèo. Còn đây thì không phải chỉ có một thứ, mà là đủ thứ…hầm bà lằng.
Các nhà tâm lý còn cho biết : nơi nào có hai bà ngồi nói chuyện với nhau, thì sẽ có một người đờn ông bị đấu tố. Nhưng nơi nào có ba bà ngồi nói chuyện với nhau, thì sẽ có một người đờn ông bị đưa lên đoạn đầu đài, chết tức tưởi không kịp ngáp.
Trong phạm vi gia đình, ngoài những tin tức lượm lặt từ vỉa hè hay xó bếp hàng xóm, thì điệp khúc buồn được phát đi phát lại nhiều lần trong ngày, đó là điệp khúc “cơm áo gạo tiền”. Thôi thì vật giá leo thang. Thôi thì học phí gia tăng. Thôi thì xăng dầu lên giá. Còn tiền lương khiêm tốn anh chồng đem về chỉ được có bằng ấy, làm sao mà chi dùng cho đủ ? Khốn khổ cho anh chồng làm thân trâu ngựa, hì hục kéo cày suốt năm suốt tháng, cốt tìm tiền kiếm bạc, mà đem về nộp cả cho bà xã.
Tuy nhiên, không hiểu phe đờn ông con giai ta có nên nghe theo tất cả những lời nói dài, nói dẻo, nói dai ấy hay không ?
Ngày xưa, trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã dựng nên ông Adong. Thấy ông buồn sầu vì cứ phải lặng lẽ sống cu ki một mình và âm thầm kéo lê những bước chân cô đơn, nên đã dựng nên bà Eva để ông có bạn. Ngài muốn Eva sẽ là  người bạn đường đem lại nguồn vui cho ông trong suốt cả cuộc đời.
Vì thế, Ngài đã ban tặng cho ông bà tất cả những gì tốt đẹp nhất, đặt ông bà lên làm chủ cá biển, chim trời cùng muôn loài muông thú. Ngài chỉ cấm không được ăn trái cây biết lành biết dữ mà thôi.
Thế nhưng, bà Eva đã không vâng nghe lời Thiên Chúa truyền, giơ tay ngắt trái cấm mà ăn, lại còn xúi ông Adong cùng ăn. Từ đó, ông bà mất đi tất cả.
Còn chúng ta là con cháu cũng đã bị lãnh đủ hậu quả thảm khốc của tội tổ tông truyền : sống một cuộc sống vất vả vì phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có cơm ăn, một cuộc sống khổ đau vì đất đai đã trổ sinh gai góc và cuối cùng kết thúc bằng cái chết vì là thân tro bụi, nên sẽ phải trở về cùng bụi tro.
Giả như ông Adong phe lờ và bỏ ngoài tai những lời dụ dỗ đường mật của bà Eva, nhất định không thèm nếm thử trái cấm, thì chắc chắn thân phận của phe đờn ông con giai cũng như của toàn thể nhân loại  đã sáng sủa và tốt đẹp hơn nhiều.
Kinh nghiệm của ông Adong đưa ra cho chúng ta một vấn đề vừa cụ thể lại vừa nghiêm trọng,  mà gã cũng vừa mới nêu lên, đó là :
- Có nên nghe lời vợ hay không ?
Thiết tưởng phe đờn ông con giai ta cần phải suy nghĩ thật  kỹ càng và nghiêm chỉnh về vấn đề này, bởi vì kinh nghiệm ông Adong vẫn còn đó, sờ sờ trước mặt, rồi lịch sử cũng đã minh chứng :
- Vua nghe vợ, mất nước.
Thế mà trong phạm vi gia đình, biết bao nhiêu anh chồng vẫn còn mê muội cho rằng :
- Lệnh vua thua lệnh bà.
-  Nhất vợ nhì giời.
- Vợ muốn là trời muốn.
Thành thử mèo vẫn hoàn mèo và chó đen vẫn giữ mực, không khá lên được !!!
Cái tật thứ hai là vung tay quá trán. 
Lương ông xã thì ba cọc ba đồng, thu nhập chả được bao nhiêu, mà bà vợ thì lại có đam mê mua sắm, bóc ngắn mà lại cắn dài, con nhà lính nhưng tính lại nhà quan, thành thử sự thiếu hụt là như một căn bệnh mãn tính, khiến mọi người đều phải bó tay.
Tại Việt Nam cũng như tại nhiều nơi trên thế giới, các siêu thị hiện giờ mọc lên như nấm sau cơn mưa và các “shop” liên tục phát triển vì ăn nên làm ra. Họ đã tung vào thị trường biết bao nhiêu “độc chiêu” để dụ dỗ các thượng  đế :  Nào là mua hàng có thưởng, nào là khuyến mãi giảm giá 50%, nào là mua trả góp…khiến cho các bà các cô, cứ như con nai vàng ngơ ngác, mê mẩn cả tâm thần và máu “shopping” bốc lên đùng đùng. Thấy cái lợi trước mắt mà quên mất cái hại sau lưng. Hiện tượng này phải chăng nên được gọi là “hội chứng shopping”!!!
Thực vậy, tôi có một cô em thuộc loại ghiền siêu thị. Vào những ngày nghỉ, thì chương trình của cô nàng rất giản đơn  : sáng đi siêu thị, chiều đi siêu thị và tối cũng đi siêu thị. Nhiều khi đi chỉ để mà ngắm các thứ hàng hiệu, rồi thèm rỏ rãi, vì tiền đâu mà mua, có nằm mơ cũng chả thấy.
Có những bà vợ thuộc hàng chuyên viên, luôn nghiên cứu và sưu tầm những cửa hàng khuyến mãi. Hễ chỗ nào khuyến mãi là nhào vô ăn có, bởi vì các bà ấy lý luận :
- Giá rẻ mạt, tội gì mà không mua.
Và thế là các bà ấy lôi về nhà đủ mọi thứ lỉnh kỉnh. Thậm chí có thứ chẳng được xài tới một lần. Chỉ tội cho các ông chồng, cứ phải xì tiền ra, mà mặt thì nhăn như cái bị rách.
Chuyện rằng :
Trong phiên tòa xử một ông chồng về tội hành hung vợ. Quan tòa phán  :
- Anh không được quyền…đá vợ, làm như vậy là phạm tội. Tòa tuyên án anh ba tháng tù treo và không được tới gần vợ 3 mét trong suốt thời gian thụ án.
Ông chồng đau khổ xin được hỏi lại  :
- Thưa quan tòa, nếu bà vợ trong gia đình cứ xài tiền lương của chồng một cách xả láng. Tối ngày shopping, tụ họp bài cào tứ sắc, chẳng lo lắng gì đến con cái, đã vậy khi bảo ban thì  chẳng nghe, lại còn văng tục chửi thề. Trong trường hợp như thế thì phải làm sao bây giờ ?
Quan tòa nghe nói, tức khí nổi xung, đập bàn cái rụp và tuyên bố hách xì xằng :
- Đánh bỏ mẹ nó đi, cho chừa cái tật hỗn láo.
Nói vậy thôi, chứ đa số đờn ông con giai ta đều hiền như ông…bụt, và nhất là mắc phải chứng bệnh sợ vợ :
- Lời vợ dặn, phải lắng nghe,
Mai sau “khôn lớn” mà khoe mọi người.
  Nói ra xin hãy chớ cười,
  Vợ ta ta sợ ! Vợ người…còn lâu.
Chứng bệnh này dường như đã thấm sâu vào máu huyết con tim, ám vào lục phủ ngũ tạng nên không còn thuốc chữa. Thực vậy, rất nhiều lần phe đờn ông con giai muốn vùng lên, thoát khỏi cái “cồng” bà, mà liền thất bại ngay từ trong ý đồ, ngay từ trong trứng nước.
Hôm ấy, trời đang nắng bỗng dưng có một cụm mây đen kéo tới và bất ngờ đổ xuống những giọt nước mưa, khiến cho áo quần đang phơi, không kịp chạy đều bị ướt hết trơn hết trọi. Và thế là ông chồng liền bị bà vợ xài xể cho một trận tơi bời hoa lá :
- Anh thật là phường vô tích sự, chỉ mỗi  việc chạy quần áo mà làm cũng không xong. Còn ra cái thể thống gì nữa, sao không chết đi cho rồi.
Nghe vậy anh hàng xóm bèn góp ý với ông chồng :
- Tại sao anh cứ để cho bà ấy xài xể và lên mặt như vậy. Phải tay tôi ấy à…
Vừa phát ngôn tới đây, anh hàng xóm liền nghe thấy một giọng nói oang oang từ phía sau :
- Gớm thật, phải tay tôi ấy à…
Quay mặt lại, thấy bà xã đang hầm hầm tiến tới. Và thế là  anh hàng xóm bèn cười toe toét :
- Dạ thưa mình, phải tay tôi thì tôi đã chạy quần áo từ trước khi có những đám mây đen.
Phe đàn ông con giai của một làng kia bị bàn dân thiên hạ chê là bọn sợ vợ. Nhân ngày các bà đi chợ hết, họ mới ngấm ngầm thông báo tổ chức đại hội. Phen này phe ta nhất định phải rửa nhục. Một là để cho các bà ấy biết tay ta. Hai là để những kẻ xấu bụng thối mồm làng khác không còn dí mũi vào mà khinh bỉ  ta nữa.
Họ đưa ra hết sáng kiến này tới tối kiến kia. Nhưng trước câu hỏi ai sẽ thực hiện, thì xem ra mọi người đều e dè sợ sệt. Cuối cùng, một vị cũng đã can đảm giơ tay xin lãnh nhận nhiệm vụ cao cả ấy. Anh ta nói :
- Phen này nhất định phải vùng lên, cho các bà ấy lãnh đủ.
Giữa lúc đang hăng tiết vịt như vậy, thì các bà đi chợ về. Nhìn thấy quang cảnh đại hội, các bà bèn vứt quang, vứt thúng…chỉ còn mỗi cái đòn gánh và xông vào chiến trận.
Và thế là  các ông bèn lỉnh mất tiêu, tìm chỗ nấp để xem sự việc xảy ra làm sao. Chỉ còn mỗi một anh tình nguyện là bám trụ ở lại để chống cự. Các ông mừng thầm vì từ nay mình có một nhà lãnh đạo thật xứng đáng.
Nhưng  sao cứ thấy anh ta quì gối mãi ? Té ra, khi các bà xông tới, anh ta liền bị nhồi máu cơ tim và chết bất đắc kỳ tử trong tư thế quì gối như vậy.
Giai làng nọ cũng mang tiếng là phường râu quặp, nhưng họ lại có máu văn nghệ. Vì thế, thay vì bạo động, họ vận dụng lời ca tiếng hát để đấu tranh đòi quyền…sướng.
Vào một đêm trăng sáng, họ tụ lại với nhau, rồi phệu lời ca và cùng nhau tập dượt :
- Ta không chê vợ người, ta không khen vợ ta…
Đang say mê với lời ca như vậy, bỗng có mấy bà xuất hiện, thế là họ bèn đổi tông, trước cứng như sắt, thì bây giờ lại mềm nhũn như con chi chi :
- Nhưng dù sao đi nữa, ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Thế mà cũng đòi đấu với tranh, đấm với đá. Một hãy cúi đầu xuống như muông chim cho rồi.
Mỗi khi gặp những người khổ đau, thiên hạ thường chia sẻ và khuyên nhủ :
- Âu cũng là thập giá Chúa gửi đến, ráng vác đời này để được thưởng đời sau.
Một người đờn ông mon men tới cửa thiên đàng. Thánh Phêrô bèn hỏi :
- Trong cuộc sống nơi trần gian, anh đã làm được những gì để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Nước Trời.
Anh đờn ông gãi đầu gãi tai mà chẳng thấy mình làm được một việc gì tốt lành cả. Cuối cùng, như sực nhớ ra điều gì, anh bèn  nói :
- Thưa thánh cả, con có vợ ạ.
Nghe vậy, thánh cả Phêrô bèn vân vê chòm râu bạc và nói :
- Ngươi cũng đã đau khổ và vác thập giá như ta. Thôi hãy vào thiên đàng mau đi.
Và để kết luận, gã xin ghi lại mấy mấy câu thơ như một an ủi cho phe ta :
- Mỗi lần em nổi tam bành,
  Vào phòng đóng cửa mình anh nguyện cầu.
  Nhìn anh, Chúa cũng lắc đầu.
  Thôi con ráng chịu, đời sau phúc lành.
Chuyện phiếm của Gã Siêu - trích conggiaovietnam.net

0 nhận xét:

Đăng nhận xét