Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT

Chủ nhật XXX thường niên (Mt 22,34-40)

Có một câu chuyện tưởng tượng như sau: Trên đường đi về miền đất hứa, Abraham dựng một cái lều để nghỉ chân.Vừa ra khỏi lều, gặp một hành khất xin giúp đỡ. Động lòng thương, ngài mời người đó vào và làm tiệc thết đãi. Trước khi ăn tiệc, ngài mời người hành khất cùng dâng lời chúc tụng cảm tạ Chúa. Nhưng vừa nghe tiếng “Chúa”, người ăn mày liền nói lộng ngôn xúc phạm đến Chúa. Abraham nổi giận đuổi người đó ra khỏi lều. Đêm hôm đó, khi Abraham quỳ cầu nguyện, ngài nghe có tiếng Chúa nói như sau: “Này Abraham, ngươi có biết người ăn mày đó đã nhục mạ Ta 50 năm qua không? Thế mà Ta vẫn ban lương thực cho nó, ngươi không yêu thương cho nó một bữa ăn sao?”
   Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đến mạc khải là một người cha yêu thương mọi con cái, ngay cả những đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch. Đồng thời Ngài mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời, nghĩa là yêu thương không loại trừ người nào. Đó là tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu: Ngài đến để nói với con người rằng, Thiên Chúa yêu thương con người và con người cũng hãy yêu thương nhau.
   Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng tóm lược giáo huấn yêu thương của Ngài. “Tất cả lề luật và lời các Tiên tri đều quy về hai giới răn : mến Chúa và yêu người”.
Điều đó có nghĩa là nếu loại bỏ tình thương ra khỏi lề luật thì toàn bộ lâu đài của lề luật sẽ sụp đổ. Đối với người thông luật và những biệt phái, điều quan trọng là tuân giữ lề luật, chứ không phải sống theo tinh thần của lề luật là tình thương; họ sẵn sàng loại bỏ và khước từ tình thương đối với tha nhân để trung thành với lề luật, cụ thể là giữ ngày sabat. Chúa Giêsu gọi giáo huấn của Ngài là một điều răn mới : mới vì Ngài đặt tình thương vào trọng tâm của lề luật, mới vì Ngài xem tình yêu đối với tha nhân như một thể hiện của lòng mến Chúa.
   Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm : đạo của chúng ta là đạo của tình thương, thước đo lòng đạo của chúng ta không chỉ là những kinh kệ dài dòng hay những biểu dương tôn giáo, mà chính là tình yêu mà chúng ta thể hiện với tha nhân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét