Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

ĐỂ HƯỞNG NIỀM VUI NƯỚC TRỜI

             Chủ nhật XXVIII thường niên: Mt 22, 1-14

   Khi mời dự tiệc, để tiện việc tổ chức và sắp xếp, người chủ tiệc thường thêm vào góc thiệp mời một ghi chú nhỏ :”Xin vui lòng trả lời : tham dự hay không?” Vì lịch sự, người được mời luôn trả lời cho chủ biết trước.
   Bí tích rữa tội có thể được sánh với thiệp mời dự tiệc Nước Trời. Đấng khoản đãi bữa tiệc Nước Trời cũng chờ đợi chúng ta câu trả lời. Chỉ những ai đến tham dự bữa tiệc, người đó mới được hưởng niềm vui trong bữa tiệc. Mang danh hiệu Kitô, nhưng không sống theo những cam kết của Bí tích rữa tội; nhận được thiệp mời, nhưng không tham dự, người Kitô hữu không thể nếm được niềm vui Nước Trời.
   Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự khước từ của người Do thái qua hình ảnh những người được mời tìm đủ lý do để chối từ : người đi xem đất, người đi thử bò, kẻ mới cưới vợ. Đó cũng có thể là thái độ của chúng ta khi không sống theo con đường Đức Kitô đề nghị, khi gắn bó với của cải vật chất hơn giá trị Nước Trời. Qua hình ảnh những người hành khất tàn tật, đui mù được mời dự tiệc, Chúa Giêsu muốn nói đến thái độ tiên quyết của người  Kitô hữu, đó là tinh thần khó nghèo. Những người hành khất, tàn tật, đui mù không có lý do gì để từ chối, bởi vì họ chẳng có gì để chọn lựa, niềm vui được tham dự bữa tiệc là giá trị cao cả nhất đối với họ.
   Cần phải có tinh thần khó nghèo để hưởng được niềm vui Nước Trời, đó là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy tư và sống qua bài Tin mừng hôm nay. Nước Trời được ví như bữa tiệc và bữa tiệc nào cũng đem lại niềm vui. Người Kitô hữu chưa tìm thấy niềm vui trong cuộc sống là vì họ chưa thực sự tham gia bữa tiệc do Chúa khoản đãi. Và sở dĩ họ chưa nếm được niềm vui của bữa tiệc là vì họ còn quá bận tâm đến những thực tại trần thế.
   Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tinh thần nghèo khó. Nhưng sống tinh thần nghèo khó không có nghĩa là phải bỏ mọi tài sản để vào ẩn mình trong một Tu viện, cũng không có nghĩa là phân phát mọi của cải  để  đi khất thực, và càng không có nghĩa là chối bỏ mọi trách nhiệm để sống như một người nằm chờ sung rụng. Có tinh thần nghèo khó đích thực tức là lấy Chúa làm gia nghiệp trong cuộc sống, đặt Ngài lên trên mọi giá trị trần thế, tìm Ngài qua mọi sinh hoạt thường ngày. Chỉ với tinh thần ấy, chúng ta mới thực sự tìm thấy bình an và niềm vui của Nước Trời.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét