Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

RU TÌNH BUỔI HOÀNG HÔN



Đời sống con người là một cuộc ra đi dài hạn, luôn tìm kiếm khát khao và mong chờ. Đã ra đi thì ắt có ngày trở về. Trở về cũng là một cuộc đổi chiều cho một cuộc hành trình dài lê thê vô vọng, để đi đúng hướng. Trở về là nhìn thẳng vào nội tâm vô cùng sống động của mỗi người, dừng lại ở đó mà bắt đầu gặm nhấm tích lũy những gì đã qua. Trở về là tìm lại khuôn mặt đích thực của mình, khuôn mặt chính tông vốn đẹp đẽ đến thế, nhưng bị bụi đời ô uế làm biến dạng.

Nhưng có đi thì có gặp gỡ. Gặp gỡ anh em bạn bè, gặp người không quen biết nhưng có chung hoài bão, để níu kéo nhau, giúp nhau vui sống trong từng giai đoạn cuộc đời. Vì sao lại phải cứ ra đi và cứ mong chờ cho đến ngày hoàng hôn cuộc đời, là bởi vì “ trông thói đời cười ra nước mắt, xưa trắng tay gọi nhau bằng hữu, giờ giàu sang quên kẻ tâm giao, còn gian dối cho nhau…”Thế mới khổ.

Phải đợi đến 60 cái xuân xanh, tôi mới có dịp “ dừng cuộc chơi” để đi về. Len lỏi trong tấm trí để nhận diện ra mình hầu trần tình với chính mình qua mọi biến cố vui buồn đã xảy ra trong quá khứ. Chắc không còn sống được bao năm nữa, giây phút ân huệ bất chợt lóe lên trong thinh không, không nắm lấy cơ hội để lưu giữ thì ân hận đến muôn đời, như lời của một bài tình ca:

“…Trong hội trần gian bao nhiêu ngày yêu dấu cũng không còn,
Từng dòng nước mắt sẽ nhớ thương cho đời.
Từng dòng nước mắt sẽ tiếc cho ngày vui.
Người người yêu nhau đã mất nhau trong đời
Một ngày tăm tối khép nghìn sớm mai…” ( TCS).

Nhớ lại mùa hè năm 1967, mới chân ướt chân ráo vào tu học ở TCV, không như những thằng bạn cùng trang lứa, bồn chồn nơi ăn chốn ở xa lạ, lắng lo chuyện học hành đầy khó khăn, tôi cứ tà tà đi thị sát kho lưu giữ bột sữa và kẹo bánh mà văn phòng Caritas địa phận nhờ TCV cất giữ dùm. Rảnh rỗi trốn đá banh lẻn xuống nhà bếp xem thử ổ gà đẻ trứng nằm ở đâu. Lại tới xem xét “ nơi tao ngộ” là một bờ dậu có ai đó chun vô chun ra để mua mì ngọt của lò mì Thiên Phước hằng đêm…

Bột, sữa và kẹo bánh thơm tho ngon lành từ Huê Kỳ nhập đầy kho của chủng viện, làm nao lòng khách giang hồ! Máu lãng tử và bụi đời đường phố trổi dậy kinh hoàng trong người, tôi bèn kêu gọi đồng minh để đột nhập vào kho. Lớp Đệ Thất B năm đó chia ra 3 phần rõ rệt. Chiếu cao nhất còn gọi là các thánh gồm: Mai Nam Hùng, Nguyễn Minh Tâm, Trần Minh Phước, Nguyễn Đức Thủy, Nguyễn An Phong…Chiếu giữa còn gọi là Đấng Chơn Phước gồm Dương Thế Phong, Trần Đức Phong, Trần Bá Thảo, Nguyễn Hùng Sơn…Chiếu dưới còn gọi là “ hồn ma biên giới” gồm có tôi, Nguyễn Viết Xuân, Phạm Xuân, Phan Thắng, Cái Vĩnh, Tống Quý, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Hữu Thạnh, Nguyễn Thanh Minh…

Tôi chưa bao giờ dám mở lời với đám chiếu trên và chiếu giữa, chỉ lôi kéo được một nhóm ở chiếu dưới. Thằng nào cũng bề thế kiêu hùng nên không có thằng nào lãnh đạo thằng nào. Mọi việc trôi chảy và cuộc đời đáng sống làm sao khi đêm về, lúc 9h tối nghe hiệu lệnh tắt đèn ngủ, bọn đệ thất B không gia nhập hội trằn qua trọc về ngủ không được vì tụi nó bỗng nhiên nghe tiếng rúc rích như chuột vờn nhau, nghe tiếng liếm mép, nghe tiếng nuốt ừng ực,lại nghe tiếng ho sặc sụa vì một thành viên trong tổ nằm ngửa nuốt sữa bột, mắc ngang cuống họng nên nó ho ọc ọc, văng cả sữa và nước miếng đầy giường.

Ba năm sau, ý Chúa nhiệm mầu cho chúng nó được “ gần nhau, trao cho nhau cái ngu điên của loài người”. Lễ quốc khánh 1.11.1970, Cha Bề trên gọi tôi, Nguyễn Hữu Thạnh, Nguyễn Viết Xuân và Cái Vĩnh tới phòng, giao cho một xấp giấy dày cộm. Thằng Xuân thằng Vĩnh khóc như mưa, “ khóc để rồi quên một cuộc tình buồn…” Thằng Thạnh và tôi đập 3 búa không ra giọt nước. 

Thế là tôi đi qua được một chặng đời có đủ vị mặn đắng chát chua…để tiếp tục ra đi. Biết đâu “ ngày ra đi với gió, ta nghe tình đổi mùa. Rừng đông vơi chiếc lá, ta cười với âm u…”Cái khổ đã ló dạng, tôi chỉ biết gắng vượt qua, mọi sự khác xin Chúa lo liệu và giúp đỡ.

Ra đời để học và ăn ở, chủng viện bây giờ chỉ còn là ký ức trong mớ hỗn độn vô biên. Mang học hàm lớp 9 Thiên Hựu, tôi được cha Lê Viết Phục đón nhận vào trú ngụ ở Lưu xá Nguyễn Trường Tộ. Gặp lại thằng Hoàng Văn Hiệp và thằng Phan Mẫn. Hai thằng ở lớp A. Ở chủng viện năm đệ ngũ thì A và B nhập lại một, tôi bị đuổi ra khỏi CV nên không có cơ hội quen nhau nhiều. Gặp cố nhân mừng quá quên hỏi hai đứa bây bị về khi mô. Gặp thêm một số đàn anh: Hoàng Văn Hội, Lê Văn Khôi và Lê Xuân ( HT 63), Trần Văn Quý và Bùi Khôi( HT 65). Nhà Lê Văn Sử ở sau nhà Lưu Xá nên giống như một nhà. Thế là không khí Hoan Thiện tràn ngập trong Lưu Xá nên tôi chẳng hơn ai mà cũng chẳng thua ai. Anh Hội, Khôi, Xuân, Quý và thằng Hoàng Văn Hiệp giỏi toán lạ lùng. Dân chủng viện mà ra đời thi tú tài ban B, lại đỗ thứ hạng BÌNH. Anh Hội và Xuân làm cho lưu xá chấn động khi quyết định vào Hoan Thiện tu lại sau khi lấy tú tài 2, chấp nhận thân phận trưởng nhập. Anh Quý thi Y Khoa bác sĩ đậu cái rẹt. Anh Lê Văn Khôi cũng gây nên cơn địa chấn ở Lưu Xá khi mới lớp 10, đầu năm gặp em, cuối năm “ được tin em có bầu”. He he! Thế là phải lo học để kiếm cái tú tài, vừa bòn mót tiền để “ đưa em về quê hương”. 

Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng, cho tôi có 2 năm sống giữa đời sau khi bị về, để cõng thằng Hiệp lên lầu trường Việt Hương trú lũ lụt, ( nhiều người cõng, nhưng tôi có cầm chân thằng Hiệp). Được anh Quý kèm toán, được anh Bùi Khôi hướng dẫn cách khắc con dấu…Tôi trãi qua thêm một chặng đường nữa và sẵn sàng vươn vai để đi tiếp!

Năm tôi mang học hàm lớp 11 thì giã từ Lưu Xá, thằng Hiệp và Mẫn không biết phiêu bạt bên bờ nơi nao. Không biết trời đưa đất đẩy thế nào mà tôi lại gặp nhiều đồng chí, đồng đội năm xưa. Lớp B có tôi, có thằng Trần Bá Thảo, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thanh Minh, Cái Hùng Tâm, Trần Đức Phong, Lê Văn Sử, Nguyễn Viết Xuân. Lớp A là Trần Văn Dũng, Đặng Hòa. Cả bọn rủ nhau đăng ký lớp 11 ban C trường Jeanne d’ Arc. Hoan Thiện 67 rợp khung trời Jeanne d’ Arc. Con gái JdA đẹp lạ lùng, đẹp nức nở, đẹp dễ nổi cơn điên…Nhưng bao năm tháng không có bóng dáng con trai trong nhà trường nên các nàng thường thẩn thờ “ nhớ khói bay lạc vấn vương, cho hơi ấm lên môi người. Lùa sương kín nhẹ bay ngập trường. Làn mây yêu thương, vướng trong hồn em…” Các em cứ lãng mạn và cứ ngồi rên rỉ nỉ non. Vắng đàn ông thường có những hệ lụy đáng buồn như thế. Đến khi có 12 thằng Hoan Thiện chúng tôi xuất hiện ở sân trường, con gái Jeanne d’Arc náo lọan cả lên, không cách chi học hành được. Em thì chới với đưa bàn tay “ lùa nắng cho buồn vào tóc em”, em thì cái miệng đầy son phấn thề thốt: “ Nếu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau, em chôn dấu đời ngàn năm lạnh giá”, em thì học hành trụt thứ hạng ào ào cũng vì “ hồn lỡ sa vào đôi mắt em…thầm ước nhưng nào đâu dám nói, khép tâm tư lại thôi, đường hoa vẫn chưa mở lối…”

Nhưng hồn không phải “ lỡ sa vào”, mà tụi con trai xâm phạm lãnh thổ con gái cố ý cho hồn sa vào, thế mới chết! Rõ ràng thằng Duy Khánh cố ý sa vào đôi mắt một em thơm như múi mít. Hắn hiền lành, học giỏi nên em TTMH mê hắn tả tơi. Tôi chạy lui chạy tới hụt chân đưa thư tình của nó cho em. Thằng Đức Phong vì đẹp trai như tây nên có ních nêm là Phong Lai, con nhà giàu, học giỏi nên hắn cố ý sa vào hồn của em TTAT, đẹp kiêu sa, đẹp lừng lẫy! Thằng Trần Văn Dũng thì lì đòn hơn, hắn không chơi kiểu la đà sa vào, mà bay vào cái rầm, gặp em Huỳnh Thị Thanh hoa khôi trường, ngày nào hắn cũng rên rĩ “ Em ơi em ơi, thời gian gần gủi nào được bao nhiêu, mà khi rời gót lòng đầy cô liêu…”. Em Huỳnh Thị Thanh từ chết tới bị thương, không cách chi chịu nỗi nên đành xách gói “ em theo anh đi về, về quê hương anh đó…”. Đến nay sản xuất cho thằng Dũng 2 trai, một gái và một đứa cháu nội.

Nhiệm vụ chúng tôi trong giai đoạn nầy mới khó khăn làm sao. Học trường con gái xấu cũng khổ, không tài nào làm thơ được, học trường con gái đẹp lại càng khổ hơn, phải giữ gìn nguyên vẹn bản sắc của nhà trường, dứt khoát không cho bọn địch trường khác đột nhập làm ô uế vườn hoa muôn màu. Bọn địch từ Thiên Hựu, Bình Linh, Quốc Học, Bồ Đề mê mẩn vườn hoa Jeanne d’Arc đến mềm người. Bọn tôi thắt chặt vòng vây, một mặt hô hào nội bộ canh giữ vườn hoa, chỉ có con trai JdA mới có quyền hái hoa, ngắt hoa, bọn địch chỉ có quyền ngắm hoa mà thôi. Bọn địch trường khác mà lọt vào vườn hoa JdA, sức mấy mà chúng nó lịch sự “ nâng nhẹ một cây, lá xếp trên tay lá ngủ mê say”, Ôi dào! Bọn chúng mà thấy hoa JdA thì cứ hiên ngang “ ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo”. Kiểu nầy thì chỉ 2 giờ đồng hồ là vườn hoa tan tành xác mướp!

Giữ hoa rồi mê hoa, cũng đã đến lúc chấm dứt nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý nầy. Đến mùa hè năm 1974, bọn tôi từ giã trường và từ giã nhau để tiếp tục vươn mình vào cuộc sống còn đang tiếp diễn ở phía trước. 

Năm 1990, từ Tân Mỹ xa xăm, tôi được thầy Nguyễn Luận mời tham gia lớp Mẹ Vô Nhiễm. Sau 23 năm xa cách, tôi gặp lại thằng Phạm Thanh Cương, Phan Thắng, Lê Xuân Hảo, Đỗ Bá Tinh Thần. Thằng Cương, Thắng và Hảo thuộc hàng ngũ các thánh. Sau năm 1975, tôi buồn đời đi tán gái các làng khác – vì làng tôi con gái ghét nhà nghèo nên khó tán – thì các đấng thánh nầy đêm ngày lo tu luyện cho đắt đạo để thành chánh quả. Tôi chưa thấy áo dòng của thằng Cương và thằng Hảo, nhưng thằng Phan Thắng mặc áo dòng phất phới tung bay thì tôi thấy nhiều lần. Ba thằng Thắng giàu nhất làng Dương Sơn nên may áo dòng cho con khác thiên hạ. Loại vải áo mà khi thầy Thắng mặc giữa trưa hè thì “ Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát” liền! Thầy Thắng đẹp trai và oai phong chi lạ. Nhìn ngang y chang thánh Tổ Phụ, nhìn thẳng thì khuôn mặt y chang Thung Lũng Tình Yêu với nhiều “ Vết lăn, vết lăn trầm. Hằn trên phiến đá nâu thêm muộn phiền…”. Tôi mà mê mệt như thế huống chi là con gái làng Dương Sơn!

Thằng Nguyễn Thanh Tuấn là linh hồn của lớp. Hắn làm ăn khá giả nên giữ chức thủ quỹ muôn năm. Hắn là Tuấn “ lụt” vì mỗi lần thầy dò bài, hắn trả bài, cái miệng xẹo lên xẹo xuống như “ trời hành cơn lụt mỗi năm”, nước miếng văng tùm lum trên cuốn vở. Nhà hắn đồ ăn thức uống đầy dẫy nên hắn cứ tổ chức lễ lạc cho lớp. Thằng Cương nghề quay phim chớp ảnh nên cho hắn chức TB thông tin. Thằng Hảo giảng hay như ĐC Khảm nên cho hắn TB giáo huấn của lớp. Thằng Thắng thịt chó đầy làng nên cho hắn TB ẩm thực với món “ nai đồng quê” quốc hồn quốc túy. Thằng Long thích hát hò nhảy nhót nên phong cho nó TB văn nghệ…

Thầy Luận thỉnh thoảng thăm nhà từng thằng để động viên. Vợ tôi mỗi lần thầy Luận ghé thăm là sung sướng như cha chết sống lại, có dịp để đấu tố chồng mà không sợ bị phản cung. Khi thì nhậu cả ngày thầy ơi, khi thì đi mô hát hò nầy em ốt dột dễ sợ, khi thì răng mà cà lăm như rứa mà siêng nói rứa thầy hè?...

Có lần sau khi làm cha, Nguyễn Luận nhờ tôi làm MC cho ngày lễ 70 năm thành lập giáo xứ và 100 năm lãnh nhận đức tin giáo xứ Vinh Hòa. Cha Luận sau đó đem cái VCD lên khoe với vợ tôi: “ Vân cứ chê hắn mãi, hắn cũng được lắm, coi cuốn phim hắn múa tề”. Vợ tôi cười ngặt nghẽo: “ Cha ơi, cần chi mà xem, cái thứ trong phim nớ ngày mô ông cũng diễn ở nhà ni hết…” Rứa là cha Luận cất cuốn phim luôn.

Mỗi thằng mỗi cảnh nhưng cùng chung lý tưởng để đẩy đưa con thuyền của lớp tới bờ bến bình an. Đó chẳng phải là điều đáng tự hào lắm ru?!

Đến năm 1994, sau một thời gian dài tu luyện học hành, thầy Nguyễn Luận được thụ phong linh mục. Nhờ vậy, tôi mới gặp lại được thằng Vũ Quang Hà, Nguyễn Đức Thủy, Nguyễn Viết Hùng, Nguyễn Ngọc Thanh từ Sài gòn và Đà Nẵng xa xăm xuôi về Huế. Hồi còn là đệ thất B và đệ lục B, thằng Thủy thuộc diện chiếu trên, tụi hắn được các cha các thầy thương cách đặc biệt vì ngoan hiền và học giỏi vô cùng. Ngoài chuyện học hành, thằng Thủy lừng danh với bài “ Mặt Trời Đen” của Lê Hựu Hà, giọng ca giựt giựt và cách nhả chữ điệu đà giống đúc Elvis Phương. Thằng Vũ Quang Hà vì lớp A nên tôi không rành 6 câu vọng cổ, nhưng hắn nổi tiếng khắp cả chủng viện tài đánh trống cùng với cây guitare solo Trần Khôi ( HT 65). Đặc biệt, lịch công giáo giáo phận Huế năm 1975 ghi rõ ràng: ĐCV Xuân Bích Huế. Triết dự Bị NK 1974-1975: Thầy Vũ Quang Hà. Oai vang và cao sang vô cùng! Bốn thằng đại diện miền nam ra Huế mừng tân linh mục Phaolô Nguyễn Luận. Tôi cứ dòm thằng Viết Hùng, rồi thằng Hà, rồi thằng Thủy. Thằng Ngọc Thanh mặc dù ở Đà Nẵng, nhưng đây là lần đầu hắn ra Huế. Dòm qua dòm về mà lòng tự hào có 3 thằng bạn đại gia, danh gia vọng tộc.

Đến ngày 15.10.1997, tôi cùng với lớp lên Phủ Cam để phúng điếu linh hồn bà cố Anna, thân mẫu Đức Ông Cao Minh Dung. Đúng 30 năm mới thấy lại hình hài Đức Ông. Ôi, Đức Ông ăn chi, uống chi mà nước da trắng bóc, vầng trán mênh mông một góc trời! Tôi sửng hồn cứ ngồi nhìn ngắm mãi Đức Ông, cà lăm nói không ra lời. Khi Đức Ông tới bắt tay, tôi cảm thấy như có điện giựt, có cái chi đó “ đi nhẹ vào đời, và đem theo trăng sao đến cuối trời u tối…” Từ đó về sau, cứ mỗi lần Đức Ông về thăm quê, tôi lại được ngồi nhìn ngắm Đức Ông, rồi thổn thức mượn mấy giòng thơ Bùi Giáng, mà ngâm nga cho vơi nỗi lòng:

“Bạn về ở lại đây thôi
Nghe nguồn nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Một trăm cây lá bên rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây
Mười con xóm nhỏ bên nầy
Nhắc nhau nhớ lại cái ngày xưa kia…”

Mười năm sau, vào mùa lũ 2007, tôi lại được gặp Đức Ông Nguyễn Minh Tâm tại Huế. Ôi, cũng giống như ĐÔ Dung, Đức Ông Tâm to cao lạ thường, khác hoàn toàn thời ốm yếu học trường Pio X Đà Lạt. Thời ở Hoan Thiện, Đức Ông đã là chiếu trên, là một đẳng cấp khác, huống chi bữa nay đai nịch bề thế quá chừng. Cho nên khi Đức Ông nói chuyện, tôi không nghe chi hết, vì run rẩy như hồn lìa khỏi xác.

Thôi thì thân phận hèn yếu, gặp Đức Ông thì run rẩy là chuyện thường, chắc không ai cười chê. Không còn biết viết chi thêm nữa vì cuối đời rồi. Mõi mệt với kiếp người nổi trôi theo ngày tháng. Xin chấm dứt nơi đây sau khi mượn mấy giòng của nhạc sĩ Hoàng Trọng để gởi gắm tâm can đến với bạn bè mến thương:

…Quán tranh xiêu xiêu, chốn đây cô liêu
Nhắc cho ta biết bao nhiêu dáng xưa yêu kiều.
Tiếng ca xa xa, lắng trong bao la,
Với tiếng ru khẽ rung lên trong chiều gió.
Đã bao năm qua sống nơi phương xa,
Về quê cũ đành dừng bước chân giang hồ…”


Nguyễn Úy. HT67











0 nhận xét:

Đăng nhận xét