Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

NHƯ DOAN SƯU TẦM

  Đặc khảo về những “Loài hoa tim rướm máu"



Ở Việt Nam, nói đến TTKH là tự động ta nghĩ đến hoa ti gôn. Hoa ti gôn được mệnh danh là hoa của tình yêu hay “hoa lòng” qua câu thơ trách móc dễ thương sau:

Trách ai mang cánh ti gôn ấy
Mà viết tình em được ích gì…
…………
Những cánh hoa lòng – hừ đã ghét,
Thì đem mà đổi lấy hư vinh!

Ti gôn là loại hoa leo giàn và có màu đỏ tươi, nên TTKH tả là “hoa máu” qua đoạn thơ giã biệt sau trong Bài Thơ Cuối cùng (1937) trên tờ Tiểu thuyết thứ bẩy. Sau bài này thì tiếng thơ TTKH im bặt luôn, khiến văn đàn Việt Nam ngơ ngẩn không biết TTKH là ai trong suốt nửa thế kỷ:

Là giết đời nhau đấy biết không
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh, em viết giòng dư lệ
Là chút dư hương, điệu cuối cùng!

Trong thiên bút khảo này, trước hết tôi muốn dẫn độc giả tìm hiểu thêm hoa ti gôn về nguyên ủy ly kỳ của cái tên ti gôn của nó. Trong mắt Tây phương, hoa ti gôn hoàn toàn không dính gì với tình yêu như chuyện TTKH mà cái tên của nó bắt nguồn từ thần thoại Hy lạp. Tuy nhiên, nhân nói đến biểu tượng về tình yêu, nói đến những tu từ bóng bẩy như “hoa lòng”, “hoa máu”,”hoa trông dáng như tim vỡ”, trong đoạn sau, tôi mời quí bạn tìm hiểu thêm về những đóa hoa hình “Tim Rướm Máu”.

Hoa ti gôn nguyên tên Tây phương là Antigône,ta gọi gọn là ti gôn. Nó còn mang nhiều tên khác rất đẹp tùy theo địa phương xứ sở như:
- Tràng hoa vương miện của Nữ Hoàng (Queen’s Wreath)
- Hoa hồng của vùng Montana (Rose de Montana)
Khi tôi về hưu ở Austin,Texas tôi tình cờ tìm được hoa ti gôn ở Nursery dưới tên Mỹ thông dụng là Coral Vine (dây leo san hô).

Đặc biệt theo sách Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ, ti gôn còn được gọi là “Dây Hiếu nữ” do sự phiên dịch cái tên Antigône nguyên là tên của một nữ nhân vật trong thần thoại Hy lạp. Antigone là con gái của ông Oedipe và bà Jocaste (viết theo chữ Pháp).

Oedipe (xin Việt Nam hóa đọc là Âu Điệp) và gia đình ông gặp phải một định mệnh trớ trêu, ngang trái và bi thảm nhất. Âu Điệp nguyên là con của vua vùng Thébès là Laios (Lai Ất) và hoàng hậu Jocaste (Du Cát). Vua Lai Ất phạm tội hoang dâm, cướp vợ người ta nên bị một lời nguyền rủa tiên tri là bản thân của ông sẽ bị chính con đẻ của mình giết, và đứa con này sẽ lấy mẹ nó. Do đó, vợ chồng Lai Ất và Du Cát tránh ăn nằm với nhau để sinh con, nhưng rồi nhân một đêm say rượu, ông bà lỡ sinh ra Âu Điệp. Sợ lời nguyền rủa, vua Lai Ất sai người bỏ Âu điệp trong núi sâu cho chết lại cẩn thận lấy dáo đâm xuyên chân nó, với ý đồ là oan hồn của nó không hiện về được! Nhưng Âu Điệp lại được mục đồng cứu sống. Và sau đó được vua vùng Corinthe nuôi. Cái tên Âu Điệp đặt cho nó có nghĩa là bàn chân bị sưng húp (do vết dáo đâm!). Khôn lớn, Âu Điệp ra đi tìm kiếm pháp sư để hiểu về gốc gác gia đình. Trên đường đi, lại gặp chính cha mình là Lai Ất nhưng không biết mặt lại gây gổ, và Âu Điệp giết chết cha đúng như lời tiên tri nguyền rủa!

Khi đến cửa thành Thébès là quê hương, Âu Điệp ra tay trừ khử con quái vật Sphinx (Linh Sư) để cứu dân tình khi đi qua thì bị nó ăn thịt! Linh Sư Sphinx hình thù thì có đầu người đàn bà nhưng mình là sư tử có cánh, nằm chận bên đường ở cổng thành, bộ hành ai đi qua đều bị nó hỏi một câu đố, giao hẹn rằng đáp sai thì nó ăn thịt, còn đáp đúng thì chính nó tự lao mình xuống núi đá mà chết. Câu đố của Linh Sư là: ”Con vật gì lúc bé thì đi 4 chân, lớn thì đi 2 chân, khi già yếu thì đi 3 chân.” Âu Điệp đáp đúng là: ”Con người!”

Nhờ công lao trừ khử Linh Sư, Âu Điệp được vị nhiếp chánh vương Créon ( Khế Ông), cai trị vùng Thébès thay vua Lai Ất tưởng thưởng nhường ngôi vua và được gả vợ cho là em gái của mình và là hoàng hậu quả phụ đúng như tờ bố cáo rao truyền! Ai ngờ, nhiếp chánh vương Khế Ông là anh của bà Du Cát!! Nên đúng như lời tiên tri nguyền rủa, Âu Điệp đã giết cha và lấy mẹ mình mà không biết. Âu Điệp ăn ở với mẹ ruột mình một cách hạnh phúc và sinh ra 2 con trai là Étéocle (Thế Ốc) và Polynice (Bá Lý Nhi) và 2 con gái là Antigone (Thi Ân) và Ismène (Y Miên).

Nhưng về sau, vua Âu Điệp khám phá ra tông tích và hành động tội lỗi sát phụ và loạn luân với mẹ của mình. Bà Du Cát xấu hổ bèn treo cổ quyên sinh. Ông Âu Điệp thì tự đâm mắt cho mù. Bị đàm tiếu và khai trừ khỏi xứ, ông bỏ đi lang thang. Antigone Thi Ân là gái hiếu thảo, cũng bỏ cảnh nhà sung sướng êm ấm mà đi theo để dắt người cha mù lòa khổ ải. Rốt cuộc lang thang đến thành Nhã điển thì cha chết.

Tấm lòng cao quí hy sinh của nàng Thi Ân không ngừng ở đây. Ít lâu sau, khi nghe rằng anh ruột mình là Bá Lý Nhi nổi loạn chống cậu ruột là vua Khế Ông nên bị giết và bỏ phơi thây nhục nhã. Lệnh vua nghiêm nhặt là tuyệt đối cấm không cho ai chôn cất, mục đích cốt để linh hồn tử tội lang thang vất vưởng không phục thù báo oán được.

Nhưng nàng Thi Ân là người em gái hiếu đễ, nhất quyết tìm thây anh rồi cưỡng lệnh vua mà rắc đất lên thây anh như làm một nghi lễ mai táng tượng trưng. Nàng bèn bị vua Khế Ông là cậu ruột đem xử tử không thương hại gì cả.

Huyền thoại về Oedipe đã gợi ý cho văn hào tác kịch gia Hy lạp Sophocle dựng hai vở bi kịch trứ danh về Oedipe. Bác sĩ Sigmund Freud, cha đẻ ngành Phân tâm học, là người đặt ra danh từ Complex “mặc cảm”, dùng để chỉ tập hợp những cảm xúc phức tạp tuy bị dồn nén ẩn sâu trong đáy tận cùng của tiềm thức người ta nhưng lại có năng lực mạnh mẽ chi phối, điều động cái bản ngã chiều nổi của mỗi con người, như mặc cảm tự tôn, tự ti; mặc cảm tội lỗi. Freud đã dựa vào thần thoại Hy lạp trên mà ông đặt ra danh từ “mặc cảm Oedipe” là khuynh hướng kín đáo của người ta thường luyến ái mẹ ruột qua sự bú mớm, vuốt ve, mơn trớn trên da thịt trong tuổi thơ ấu ẵm bồng mà ngược lại thù ghét cay đắng đối với cha ruột vì là tình địch tranh giành sự ân ái của mẹ mình, lại còn nghiêm khắc răn đe, roi vọt đối với mình.

Mặc cảm Oedipe thì áp dụng cho con trai. Còn đối với con gái thì là “mặc cảm Électre” dựa vào chuyện thần thoại Hy Lạp của người con gái tên Électre, con của ông Agamemnon và bà Clytemnestre. Để trả thù cha, Électre xúi đẩy em trai mình là Oreste ra tay giết chết bà mẹ và người tình của mẹ là Égisthe. Chuyện Électre đã được nhiều thi văn sĩ trong nhiều thế kỷ xưa nay dựng thành bi kịch như Sophocle, Euripide, Giraudoux, Eschyle.

Trở lại chuyện nàng Antigone hay Thi Ân, nàng hy sinh tận tụy đối với người cha Oedipe Âu Điệp và liều chết vì anh là Polynice (Bá Lý Nhi),cũng có thể hiểu trong một khía cạnh tâm lý trong tiềm thức là mối luyến ái tự nhiên chăng?
Tôi chưa tìm được tài liệu tại sao tên của nàng Antigone Thi Ân hiếu đễ trong thần thoại Hy lạp lại được dùng để đặt cho loài dây hoa leo ti gôn là Dây Hiếu nữ!

Có thể hoa này trông giống như một tràng hoa quấn đầu mà nàng Antigone Thi Ân hay đội trong một vở bi kịch danh tiếng nào đó chăng? Hoặc có thể trên mộ nàng, đã bỗng nhiên mọc ra giây hoa này giống câu truyện Trầu Cau của Việt Nam. Ai có trồng hoa ti gôn đều thấy lá nó hình quả tim, hoa cũng hình tim màu đỏ tươi như máu và thân nó có nhiều dây vòng như lò xo để bám leo lên dàn, tượng trưng cho sự quấn quít tự nhiên của sợi giây huyết thống, của tấm lòng hiếu thảo!

Ở Việt Nam, TTKH là người đã dùng hình ảnh của hoa ti gôn trong những bài thơ danh tiếng của mình vì nó chứng kiến cho mối tình kín đáo chung thủy của nàng trong hàng rào lễ giáo. Nàng đã trước bạ nó vào văn học rồi và gọi nó là loài hoa trông “dáng như tim vỡ”, một cái tên mà kẻ yêu thơ Việt Nam ghi nhớ!
Kỳ thực, về thảo mộc học,trên thế giới và nhất là ở Mỹ, những người chơi hoa còn gặp nhiều thứ hoa khác có tên là ”Hoa rướm máu” ( Bleeding heart) mà tôi xin kể ra cho quí bạn tường lãm:

1- Bleeding Heart Vine (Clerodendrum thomsoniae),loại dây leo gốc ở vùng bán nhiệt đới Á châu và Phi châu, 5 cánh hoa trắng kết lại giống trái tim như hoa ti gôn, nhưng lại có một cái tua nhị đỏ tươi lú ra ở giữa như một tia máu vọt ra!
2- Bleeding Heart (Dicentra formosa) là loại thường niên thảo có hoa giống trái tim có màu hồng phớt, hồng đỏ ửng hay trắng. Ở đầu cánh hoa có lú ra hai nhánh trông giống như hai cái cựa nhỏ nên loại hoa này mang một tên phân loại là loài “lưỡng cự” (di: hai; centra: cựa. G/s Phạm hoàng Hộ gọi là loài Cựa ri!)
Một đặc điểm bí ẩn của hoa tim này là trong lòng hoa, dưới cánh hoa ngoài giống quả tim, nếu ta lấy tay vạch ra sẽ thấy thêm một vòng cánh hoa trong có tua nhị trông hệt như một hình búp bê nhỏ xíu mặc một cái váy trắng rộng. Hoa này rất dễ kiếm mua trong các Nursery ở Mỹ, nở suốt mùa hè, chịu nắng dịu và có một đặc điểm hoa rất ít bị sâu và bịnh nên bền bỉ… như ý nghĩa quả tim chung tình khắc khoải với thời gian. Một trò chơi lý thú mà người ta hay thử là lấy cánh hoa này vò ra, nếu hoa vẫn còn đỏ là “tình ta không ngừng như thác đổ”(miễn xài Viagra!), còn cánh hoa bầm tím thì đúng là một:

…”kẻ vô duyên vẫn cứ mong
Trăm năm ôm mãi khối tình không,
Trọn đời làm kẻ đưa thuyền khách
Thuyền chẩy, trơ vơ đứng với sông.”

Loại Hoa Tim rướm máu (Bleeding heart) thuộc gia đình Lưỡng Cự (Dicentra) thì nhiều xứ có và mang những tên đẹp khác nhau như:
- Hà bao mẫu đơn (Hà bao là trông giống búp hoa sen) hay Ngư nhi mẫu đơn (giống hình cá nhỏ) tại Trung quốc.
- Hoa Man mẫu đơn (Man là lả lướt mượt mà lan man như làn tóc) tại Nhật bản.
- Hoa Đậu San Hô vì có sắc đỏ tại nước Áo.

Như lời kết để gói ghém, tôi muốn nhắn đến những tâm hồn yêu hoa trong thiên hạ rằng yêu hoa thì trân trọng ngắm hoa chưa đủ mà còn nên tríu mến tìm hiểu ý nghĩa và ngôn ngữ biểu tượng của hoa.

Riêng với những bạn thích trồng một giàn hoa tigôn trong vườn trên đất khách Hoa Kỳ, sau đây là một vài chỉ dẫn theo kinh nghiệm bản thân của tôi:

1- Hoa ti gôn có tên Mỹ thông dụng là CORAL VINE,thường bán ở các Nursery trong những tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, nhất là Texas nóng bức, lá tươi xanh luôn vì tigôn ưa thích nắng chói chang. Tên khoa học là ANTIGONON LEPTOSUS. Đây là một loại dây leo cho ra hoa rất dài mùa trong năm, mọc mau và che kín giàn và hàng rào.

2- Thời gian ra hoa nhiều: cuối hè đến thu.

3- Kích thước của cây dài 30 đến 40 feet, mọc rất nhanh.

4- Sự chịu khí hậu lạnh thấp nhất là 10 đến 20 độ F, nên thích hợp cho vùng USDA Cold Hardiness Zone B. Còn sức chịu nóng là trung bình là 86 độ F từ 60 đến trên 210 ngày trong một năm (theo American Horticultural Society (AHS) Heat Tolerance Zone 12-7)

4- Tưới nước: cây còn nhỏ thì tưới mỗi ngày, khi cây ổn định thì lâu lâu một lần.

5- Nên trồng chỗ nhiều nắng trong vườn thì mới lắm hoa.

6- Chăm sóc: khi cây con mới trồng thì chăm tưới cho mọc ra rễ sâu và rộng.
Phân bón cho hoa loại phổ thông – general purpose fertilizer. Dựng giàn rộng cao cho cây leo, vì cây mọc um tùm nên hằng năm nên tỉa lá cho gọn đẹp.

7- Cách trồng cây con mới mua về:
a. đào hố rộng gấp 3 đường kính của chậu
b. nên để bầu rễ hơi cao hơn mặt đất
c. dùng đất topsoil trộn với 1/3 planting mix, đổ chung quanh, chớ nén chặt
d. ngoài chu vi bầu rễ, nên đắp đất thành vành mô hơi cao, cỡ 2 inch
e. tưới nước cho đất nằm xuống rồi cho thêm đất vào hố rễ
f. đắp ũ rễ bằng một lớp mulch cho mát
g. đặc biệt trong mùa đông, cần ủ rễ thêm bằng mulch tránh giá lạnh.

Thân chúc quí bạn thành công trong sự gầy một giàn ti gôn thơ mộng.

LÊ VĂN LÂN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét