Đức tân Tổng Giám mục Lê Văn Hồng, chỉ hai ngày sau khi nhận được chức trọng, đã về La Vang và làng Trí Bưu tỉnh Quảng Trị, như một hành động vinh quy bái tổ. Tôi cùng dông đảo dân làng Trí Bưu xúc động chứng kiến cảnh Ngài tưởng niệm tiền nhân tại lăng khai khẩn, cầu nguyện tại lăng tử đạo (năm 1885, hơn 600 giáo dân trên tổng số 800 giáo dân của họ đạo đã bị đốt cháy trong nhà thờ), và thắp hương bái tạ tại đất thánh, trước lăng mộ ông bà tổ tiên. Thật hạnh phúc cho Ngài và hãnh diện cho bà con làng họ.
Làng Trí Bưu là quê mẹ của tôi.  Ba tôi ở Phú Cam trong Huế ra sinh sống và lập gia đình ở đó. Phần lớn anh em tôi được sinh ra và lớn lên từ đây, trong họ đạo dày truyền thống này. Sau này chuyển qua họ đạo Hạnh Hoa ở gần bên, sống cùng với mệ nội và các bác các chú. Như vậy cũng có làng nội và làng ngoại như ai.

Nhưng rồi biến cố 72 ập đến, cả làng họ chạy vào Phan Rang lập làng mới, lấy tên là thôn Hạnh Trí (Hạnh Hoa + Trí Bưu), xã Quảng Thuận (Quảng Trị + Ninh Thuận), rồi sau 75, cả nhà lưu lạc vào Đồng Tháp, rồi Sài Gòn. Vài anh em vượt biên qua Canada. Anh em lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, tạo dựng nhà cửa, cơ nghiệp. Nhưng những nơi đó đâu phải quê mình.

Vợ tôi người Đồng Tháp, cứ hỏi: Quê anh ở đâu? Cách đây mấy năm, tôi chở vợ bằng xe gắn máy (vì vợ tôi đi xe hơi không được), từ Sài Gòn ra Huế, chạy vòng vòng quanh Phú Cam, nói: “Quê ông già đó”. Rồi chạy ra Quảng Trị, đến họ Hạnh Hoa, chỉ loanh quanh: “Nhà anh ở đâu khoảng này”. Cả họ Hạnh Hoa xóa sổ, không còn một ai, một nóc nhà nào của hồi đó còn sót lại. Lại chở vợ qua Trí Bưu. Cảnh trí đã thay đổi nhiều, nhưng vẫn còn nhà thờ, lăng tử đạo, đất thánh để khoe với vợ. Vậy cũng là may mắn rồi, coi như còn quê.

Nhưng nỗi dày vò về nguồn gốc, quê quán có hoài cổ lắm không? Có thích hợp với lối sống hiện đại không? Nước Mỹ được xây dựng bởi những con người mạnh mẽ, quyết cắt đứt quê mẹ để ra đi, quyết tâm tạo lập nước mới. Quê làng có ích gì?  Tôi có gặp một cô sinh viên Mỹ gốc Việt, con của anh Quang, một cựu chủng sinh Hoan Thiện (hình như là lớp HT72). Cô vượt biên khi còn nằm trong bụng mẹ và được sinh ra ở Hồng Kông và mang tên Hồng từ đó. Hồng cứ băn khoăn: “Như vậy thì quê hương em ở đâu?”. Hồng đã dành mấy năm trời để về Việt Nam làm thiện nguyện, cũng là cách để nguôi ngoai nỗi khát khao quê hương.

Ông Phó Thủ tướng Đức đang ở Việt Nam, ngoài những hoạt động chính, cũng đã dành thời gian tìm về viện mồ côi đã nuôi dưỡng ông khi mới sinh ra. Hóa ra ai cũng cần có quê. Thật bất hạnh khi không có quê làng để nhớ, để về. Băn khoăn về nguồn cội (identité), nỗi nhớ hoài hương (nostalgie) không chỉ dành cho người lãng mạn.

Những đứa trẻ dân làng Trí Bưu lau nhau quanh tôi chắc chắn sẽ không quên hình ảnh Đức Tân Tổng Giám mục về làng lạy tạ. Sẽ đến lượt chúng nó vào đời, tự tin, mạnh mẽ, hãnh diện về quê hương mình, mang theo quyết tâm sẽ có ngày về làng vinh quy bái tổ.

Vinh Sơn