Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Người Huế mình…

   Có biết bao giai thoại nửa đùa nửa thật về người Huế. Và chính những người Huế, khi nói chuyện với nhau, vẫn hay nhắc đi nhắc lại câu cửa miệng Người Huế mình… để tự phân biệt với những người khác trong một hành động, một lối sống nào đó: Người Huế mình mô có như rứa.

   Trong quá trình làm phim ở Huế, cô diễn viên Hồng Ánh luôn hỏi tôi: Vậy thì người Huế có gì khác lạ? Tôi cũng tự hỏi mình như vậy. Nhà văn Trần Thùy Mai, tác giả truyện ngắn “Trăng nơi đáy giếng”, vô hình trung trở thành mẫu nhân vật cho tôi kín đáo quan sát. Nói chuyện với Thùy Mai, tôi cứ chú ý đến tiếng “Dạ” thật nhẹ và dài, với âm giọng đặc trưng của Huế. Người ta cho rằng giọng Huế không lên cao không xuống thấp khiến người nghe khó biết được tâm trạng, cảm xúc của người nói. Đúng vậy, với tiếng “Dạ” thật nhẹ và dài đó, thật khó biết cô đang nghĩ gì, vui hay buồn, bằng lòng hay không. Cô đều đặn đi làm ngày hai buổi đúng giờ hành chính ở nhà xuất bản, tối viết truyện, viết báo, kiếm tiền nuôi con đi học xa, cần mẫn, âm thầm như không biết mình là người nổi tiếng. Ngỏ ý mời đi đâu, cô luôn có lý do để từ chối: “Mai phải về cho con mèo ăn”, một lý do tôi ít nghe ở nơi khác. Nhìn vẻ ngoài bình thản, tươi tắn, như không màng để ý đến ai, tôi không hiểu cô lấy từ đâu để xây dựng những mảnh đời ngang trái trong những câu chuyện của mình.

   Với hình mẫu đó, tôi cố công đi tìm một người Huế cho vai nữ chính. Và khi đã tìm được người thích hợp, thì lại nhận được những câu trả lời không giống ai, kiểu như: “Mạ em không cho”, ‘Dị lắm, thiên hạ cười chết” hoặc là “Em đồng ý đóng vai người vợ với điều kiện chồng em đóng vai người chồng”… Những lý do mà tôi đã từng nghe khi làm phim “Tuổi thơ dữ dội” ở Huế cách đây hơn hai mươi năm. Đành phải cầu cứu Hồng Ánh.

   Với vai nam chính cũng không hề dễ dàng. Anh diễn viên tôi mời đóng vai người chồng nhờ tôi thuyết phục bà xã giùm. Tôi đã phải ngồi với vợ chồng anh, giải thích cặn kẽ những cảnh tình cảm trong kịch bản để “vợ em yên tâm”, anh nói. Và khi quay những cảnh đó, tôi đã chủ động mời bà xã anh ngồi trước màn hình.

   Cảnh làm tình giữa hai vợ chồng, tôi viết trong kịch bản: “ Để mặc cho chồng hành sự, cô vợ chỉ chú tâm quạt lấy quạt để cho chồng”. Nhưng khi quay, người chồng vừa chồm lên nằm trên người vợ, tôi liền hô cắt. Hồng Ánh ngạc nhiên: “Sao anh không cho em quạt?”. Tôi lắc đầu không nói. Tôi biết cảnh phim đó sẽ rất hay nếu kéo dài cảnh người vợ chỉ lo quạt cho chồng mà không chú ý đến khoái cảm làm vợ. Nhưng rồi khi phim chiếu ra, vợ chồng họ ở Huế sẽ sống bình yên không?

   Ở Huế có hai đoàn ca kịch, nhưng phần lớn là người Quảng Bình. Có người giải thích là vì người Huế không muốn cho con đi học nghề đóng kịch. Họ cho là có những điều “làm giả cũng không được làm” và có những điều “làm giả cũng phải làm như thật”.

   Tôi thật sự ngỡ ngàng khi thực hiện những cảnh quay có nội dung liên quan đến tín ngưỡng. Để được phép quay ở một am thờ nhỏ, bà chủ đền buộc đoàn phim phải làm lễ xin phép ông chủ đền đã chết cách đây ba năm. Cũng may là ông chủ đền, nhập hồn qua thằng cháu, sau một hồi hạch hỏi đã đồng ý. Chỉ cần quay một đoạn chính trong buổi lễ, nhưng những người phụ lễ bắt buộc phải làm từ đầu vì “phải chào hỏi thần thánh đàng hoàng” và khi quay xong, đoàn phim phải đứng yên để nhà đền làm lễ cám ơn, đưa tiễn.

   Tôi nhớ mãi cảnh quay cúng giao thừa. Đoàn phim đã mời một cụ già người Huế chỉ dẫn cách bày bàn thờ cúng, tập cho Hồng Ánh các động tác tiến hành lễ theo đúng kiểu Huế. Đúng lúc chuẩn bị quay thì cụ bỗng tới nói tôi dừng lại, không được quay cảnh này, vì “cô diễn viên hôm nay không sạch”. Hóa ra cụ nghe Hồng Ánh nói chuyện với cô hóa trang là mấy ngày này cô đang “bị” chuyện riêng phụ nữ. Năn nĩ giải thích mãi, cuối cùng cụ đồng ý cho quay với điều kiện cô diễn viên phải làm lễ tạ tội, xin phép thần linh. Đối với cụ, chuyện nghi lễ, dù chỉ để quay phim, cũng không thể xem thường, phạm luật.

    Nhìn Hồng Ánh cầm nhang cúi rạp mình, lạy bốn phương tám hướng xin phép được đóng phim, tôi thầm cám ơn ông cụ khó tính, vì diễn viên cũng thực sự cần có một bầu khí với những điều kiện y như thật để có thể nhập vai một cách hoàn hảo.

   Hồng Ánh cứ băn khoăn về cái kết của kịch bản: cô Hạnh, sau khi mất lòng tin ở chồng mình, đã đem lòng yêu thương một anh chồng ở cõi âm. Liệu điều này có đáng tin không? Tôi đọc cho Ánh nghe câu thoại của bà đồng Thơi: “Đã thương thì thương cho trót, đã vót thì vót cho tròn. Đã giữ thì giữ riết luôn, đã cho thì cho đứt”. Với người phụ nữ Huế, người chồng là một biểu tượng cao quý. Họ cảm thấy hạnh phúc khi được yêu thương, và không ngại hy sinh, phục vụ cho sự cao quý đó.  Nhưng khi ánh hào quang đã phai mờ đi thì động lực yêu thương của họ cũng không còn, như câu nói: “Tìm được một anh hùng để thờ cũng không phải dễ”. Hồng Ánh chép miệng: Nghĩ vậy làm gì cho khổ.

   Vâng, cách nghĩ, cách cảm nhận cuộc sống của người Huế người ngoài nhìn vào thấy có vẻ kỳ kỳ, cực đoan, gàn bướng. Có người mỉa mai chơi chữ: đất thần kinh. Nhưng để có cái tính cách rất riêng đó, không phải dễ. Nó bắt nguồn từ phong thủy, địa lý, từ lịch sử với các triều đại vua chúa, từ nguồn gốc phát triển xã hội, văn hóa…

   Câu chuyện “Trăng nơi đáy giếng” không thể đem đặt vào một nơi nào khác, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt chẳng hạn, ngoài Huế. Trên nền bối cảnh trầm mặc của Sông Hương, núi Ngự, những dấu tích lịch sử trên những tường thành, cung điện, vẻ cổ kính và thanh thoát của ngôi nhà rường với mảnh vườn nhỏ bao quanh, thì những nhân vật trong chuyện mới toát lên được chất Huế của mình một cách thuyết phục.

   Và dù có vẻ rất cá biệt, tính cách Huế lại rất hiện đại, rất toàn cầu: Khao khát của con người muốn vươn tới gần nhất với Chân, Thiện, Mỹ. Đòi hỏi đạt cho được cái hoàn hảo so với thực tế đời thường khiến người Huế bị mang tiếng khó, gàn, lập dị… Nhưng theo tôi, đó là nét đẹp của tính cách Huế.

Dù giấy khai sinh ghi rõ ràng nguyên quán: Phước Quả, Hương Thủy, Thừa Thiên, nhưng tôi lại được sinh ra ở Quảng Trị, cách Huế chừng 50 cây số. Khoảng cách ấy hình như vẫn chưa đủ gần để tôi có thể nhập vào hàng ngũ Người Huế mình…

1-1-2009
Nguyễn Vinh Sơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét