Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Hoặc Thiên Chúa hoặc César

                           Chủ nhật XXIX thường niên Mt 22, 15-21

Đạo Phật có câu chuyện được nhiều người biết.
Một người đàn ông cao ngạo chẳng biết sợ ai, luôn luôn coi thường đạo lý.
Nghe Đức Phật dạy rằng: đừng bao giờ lấy ác trả ác. Một ngày kia, hắn đến gặp Đức Phật và dự tính xem Phật có sống theo điều Ngài giảng không. Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời thoá mạ Ngài và gọi Ngài là tên đần độn. Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ lời lăng mạ thì Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Chờ hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Ngài mới lên tiếng: “Này con, nếu một người không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho thì món quà ấy sẽ đi về đâu”? Gã cay cú đáp:”Thằng điên nào mà chẳng biết, dĩ nhiên là món quà ấy sẽ trở về lại với người đem cho”. Đức Phật ôn tồn nói:”Hỡi con, con vừa tặng ta rất nhiều lời thoá mạ nhưng ta chẳng nhận đâu nhé”. Gã kia câm miệng không thốt ra lời nào nữa. Đoạn Đức Phật nói tiếp:”Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc nhổ ra không làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn khuôn mặt của chính hắn. Cũng thế, kẻ nào thoá mạ một người nhân đức thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ chỉ bay vào mắt hắn mà thôi. (Trich tuyển tập chuyện hay GIẤC MỘNG VÀNG )
Câu chuyện trên là một minh hoạ cho cuộc tranh luận qua bài Tin Mừng hôm nay giữa các Pharisiêu, Luật sĩ và Chúa Giêsu. Nhóm Biệt phái không chấp nhận giáo lý của Chúa Giêsu nên hợp tác với phe Herode bàn mưu tìm cách hại Ngài. Nhóm Biệt phái ghét cay ghét đắng người Rôma đang đô hộ Israel, còn phe Herode thì lại nịnh bợ các quan bảo hộ để được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Dù không ưa nhau nhưng họ lại liên kết với nhau để chống lại Đức Giêsu. Trong lãnh vực tôn giáo, nhóm Biệt phái không làm gì được đến Ngài. Do đó, để loại trừ Ngài một cách hợp pháp, chỉ còn cách nhờ bàn tay chính quyền là phe Herode để gài bẫy Ngài và gán cho Ngài một tội trạng có tính cách chính trị. Cái bẫy được giăng ra là: có nên nộp thuế cho César, tức là cho đế quốc La mã không? Trả lời có, tức là chấp nhận sự đô hộ của ngoại bang và như thế là phạm tội phản bội quốc gia dân tộc. Còn nếu trả lời không thì điều đó có nghĩa là không chấp nhận Đế quốc, tội còn nặng hơn vì đã phản loạn chống lại La mã.
Trước cái bẫy được giăng ra như thế, Chúa Giêsu không thể trả lời có hoặc không. Sau khi xem đồng tiền có in hình Hoàng đế La mã. Ngài dõng dạc tuyên bố: ”Hãy trả cho César những gì thuộc César, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa”.
Đó là phương thế duy nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho Giáo hội chính là tình yêu và đau khổ. Hãy trả cho César nghĩa là hãy trả cho trần thế những gì thuộc trần thế : danh vọng, quyền thế, hận thù. Hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa, nghĩa là hãy để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc sống. Hãy để Ngài hiện diện trong mọi sinh hoạt thường ngày, hãy yêu mến Ngài trên hết mọi sự, hãy để Thiên Chúa là tất cả đối với chúng ta. Trong mọi sự, chúng ta hãy hướng về Chúa và chỉ tìm vinh quang Chúa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét