Truyền thuyết người Do Thái có kể câu chuyện như sau. Beneiah là vị quan vốn thường hãnh diện cho rằng ông sẽ chu toàn mọi nhiệm vụ mà nhà vua giao phó. Nghe như vậy, vua Solomon ra lệnh cho quan Benaiah trong vòng sáu tháng, ông phải tìm cho nhà vua một chiếc nhẫn thần vừa có khả năng làm cho ai mang nó vừa cảm thấy mình hạnh phúc và cũng cảm thấy mình đau buồn.
Dù là người rất tài giỏi, Benaiah cảm thấy lo âu vì làm sao có thể tìm chiếc nhẫn nào vừa làm cho người ta hạnh phúc và đau buồn được! Thời gian thấm thoát trôi qua, Benaiah miệt mài bôn ba tìm kiếm chiếc nhẫn thần khắp mọi nơi mà cũng không nghe ai nói là có chiếc nhẫn thần như vậy. Ngày qua ngày, Benaiah càng hiểu rằng mạng sống của mình sắp bị lấy đi, vì không thể tìm cho nhà vua chiếc nhẫn thần được. Cuối cùng, khi đang ngồi nghỉ chân trong quán nước, ông chia sẻ câu chuyện này với người chủ quán nhằm tìm sự cảm thông và trút bớt phần nào nổi phiền muộn lo sợ trong lòng ông. Nghe xong câu chuyện, ông già chủ quán thưa lại. “Tôi đang có chiếc nhẫn mà ông đang kiếm tìm.” Nghe vậy, Benaiah sáng mắt và quì xuống van xin được mua lại chiếc nhẫn đó với bất kỳ giá nào. Ông già đáp, “Tôi không bán, nhưng tôi chỉ tặng vì dù giá trị nó có lớn lao bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng sẽ qua đi.”. Ông già trao cho Benaiah chiếc nhẫn, chiếc nhẫn thần rất đẹp với hàng chữ: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi.” Hôm sau, Benaiah trình nhà vua với chiếc nhẫn, nhà vua hoan hỹ và trọng thưởng cho Benaiah. Cầm chiếc nhẫn trên tay, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của nhà vua, nhưng khi đeo chiếc nhẫn thần vào, nhà vua thấy hàng chữ: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi” điều này làm cho nhà vua buồn, vì ông hiểu rằng, chính địa vị của ông, vương quốc của ông, danh tiếng của ông rồi cũng sẽ qua đi như hàng chữ trên chiếc nhẫn nhắc nhở: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi.”[i]
************************
Quí bạn thận mến, câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng không có gì là bất biến vĩnh hằng trong kiếp nhân sinh. Niềm vui hay nỗi buồn, giàu sang hay nghèo hèn, được tán dương hay bị khinh chê,… Cũng vậy, tất cả chúng cũng sẽ qua đi. Thông điệp “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi” là một thông điệp đơn sơ nhưng hùng hồn để nhắc nhở chúng ta về sự thật của cuộc đời.
Trong tiến trình làm người, nhiều người thường trải qua hai giai đoạn suy nghĩ đối lập nhau. Những người trẻ tuổi nhìn cuộc đời như bất biến, vĩnh hằng. Họ tin rằng sức khỏe, sắc đẹp, và sức sống của mình sẽ mãi mãi không thay đổi. Ngược lại, đối với những người lớn tuổi, họ âu lo, sợ hãi cho sức khỏe, cho sắc đẹp của mình; cuộc đời không còn là bất biết vĩnh hằng như họ đã từng suy nghĩ như trước đây. Như vậy, thái độ nào là hợp lý và giúp ta nhận ra giá trị thật khi ta quan sát cuộc đời? Xin thưa, có thể nói rằng thái độ hợp lý đó là trân trọng giây phút hiện tại nhưng không bám víu vào chúng. Nói cách khác, sống trân trọng tức là sống từng giây phút hiện tại với tất cả khí lực của tuổi trẻ. Mỗi giây phút hiện tại dẫn ta đi vào hành trình khám phá giá trị con người. Mỗi giây phút hiện tại cũng đẩy lùi những bám víu vào quá khứ, dù là những giây phút huy hoàng hay xót xa cho những lầm lỗi. Và cũng chỉ có giây phút hiện tại mới thực sự giúp ta xây dựng tương lai cho đời ta một cách thực nhất.
Thưa bạn, Sư Cô Ayya Khema trong tác phẩm “Being Nobody, Going Nowhere” đã chia sẻ rằng. “Hành trình tâm linh không phải hành trình để học nhằm đạt được điều này điều nọ, nhưng là học biết từ bỏ.”[ii] Cũng vậy, học làm người không gì khác hơn chính là học biết cách biết bỏ đi, thả xuống chứ không phải nhặt lên và góp giữ lại. Biết thả xuống quá khứ và đừng góp giữ tương lai. Bạn thử nắm bàn tay bạn lại thì sẽ biết. Bàn tay nắm lại là bàn tay nóng, không hưởng được khí thiên nhiên; bàn tay mở là bàn tay mát vì hưởng được khí trời ban tặng. Sống hiện tại là sống mở ra như bàn tay mà không giữ lại quá khứ và cũng không cố gắng bắt chộp tương lai.
Br. Huynhquảng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét