Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

HỒI TƯỞNG


   Thế là hết! Tôi lững thững xách chiếc va-li bước ra khỏi cổng chủng viện, bỏ lại sau lưng bạn bè và cả một khung trời kỷ niệm. Hôm ấy, tôi còn nhớ là buổi sáng cuối tháng 5 năm 1970. Bạn bè tôi, ngày hôm trước đã chia tay tôi ngay tại phòng étude, có đứa nhìn tôi ái ngại, có đứa nắm tay tôi hẹn ngày gặp lại sau vài năm nữa. Riêng Nguyễn Thế Cương viết tặng tôi một bài thơ mà trong đó có câu "Sao người ơi! vội hái chi trái cây đang còn đắng?". Vâng tôi còn đắng còn xanh lắm, không biết ra khỏi môi trường chủng viện rồi tôi sẽ sống sao đây? Tôi có đủ nghị lực để chống chọi mọi sự cám dỗ của đời thường không?
Tôi lầm lủi bước trên con đường Đống Đa hướng về bến xe An Cựu mà lòng nặng trĩu những kỷ niệm ngày tháng qua. Những lần chơi tè núp. tè bắn quanh nhà thờ mà tôi chỉ cần nhìn con mắt ló ra là biết đó là ai. Những trận đấu bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ với các lớp khác mà tôi thường tham gia với tư cách là cổ động viên. Rồi những mùa giáng sinh về, là lớp trưởng tôi phải lo toan nào làm máng cỏ, làm lồng đèn, trang trí lớp học và tập các tiết mục cho buổi liên hoan văn nghệ. Năm sixième, họa sĩ Nhơn đưa ra ý tưởng vẽ bản đồ thành phố Giê Ru Sa Lem và địa danh Bê Lem được khoét thành máng cỏ. Năm cinquième thì lại đúc tượng Chúa, ông thánh Giuse và mẹ Maria bằng sáp màu...
… Lên một chiếc xe trung từ Huế vào Đà Nẵng, sau khi đã yên vị, dòng hồi tưởng lại trở về như một cuốn phim quay chậm dần dần đi qua trước mắt tôi. Ngày đó, mới đậu tiểu học xong, tôi được soeur Tại dẫn tôi ra cây số 17 để xin làm con cha Tuệ khi ấy ngài đang làm tuyên úy. Ngài hỏi tôi “ Sao con muốn làm linh mục?” tôi vội trả lời “ Dạ, vì con muốn ăn ngon”, ngài phì cười…chắc hồi nhỏ tôi tham ăn, tham uống lắm bởi vì như các bạn biết đó tôi có một mụt ruồi to tướng ở mép mà người ta thường nói “mụt ruồi nơi mép, ăn thép cả làng”, lại thêm cả nhà tôi từ lớn đến nhỏ đều gọi tôi là thằng ròi, ôong ròi  (dân Quảng Bình gọi ruồi là ròi, gọi ông là ôong) Tôi rất ghét nó và tôi đã phá nó từ năm quatrième (năm Mậu Thân 1968) bằng cách châm nó và đắp vôi với xà phòng. 
   Sau khi ở thử hai tuần ở chủng viện, tôi trúng tuyển vào học lớp huitième năm 1963 cùng với một thằng cũng con cha Tuệ đó là Nguyễn Duy Sinh, một cu cậu rất giỏi về âm nhạc. Tôi còn nhớ, năm ấy lớp tôi được chú Chiến đạo diễn tập một màn múa nắp soong mà Duy Sinh làm nhạc trưởng (tôi đang còn giữ hình chụp này, khi nào sẽ đưa lên mạng cho các bạn xem). Và từ đó, một bước ngoặt lớn trong đời, không còn được ở với cha mạ, anh em nữa, đổi lại được mang huy hiệu Miles Christi trên túi áo và được chung sống với những cha giáo, những vị ân sư đã dạy dỗ tôi thành người và các bạn bè đã cho tôi những kỷ niệm, những ngày tháng êm đềm. Có một lần, ngu ngơ bắt chước những thằng bạn nghịch ngợm vuốt mũi tượng thánh Don Bosco và thế là bị chú Lý troisième bắt gặp tát một bạt tai và đá vào mông một phát (không biết có phải là cha Lý ở Diên Sanh sau này không). Rồi thêm một bạt tai nẩy lửa của cố Escherelle ban tặng khi trốn đá bóng để vào nhà tắm trước giờ quy định. Bổng, còi xe thét lên, cắt đứt dòng suy tưởng, tôi nhìn ra ngoài. Ô! Thế là xe đã bắt đầu lên đèo Hải Vân, gần về tới nhà rồi đó, biết ăn nói làm sao với cha mạ đây…
   Tới nhà rồi ư? Tôi vội để vali vào một góc nhà. Mạ hỏi “ ủa? răng con về sớm rứa, chưa hè mà?”. Tôi trả lời với tâm trạng hoảng loạn “ À! Con về nộp đơn thi ở Đà Nẵng cho tiện” (thi tú tài một)…Một tuần, rồi hai tuần, thấy tôi vẫn ở nhà, mạ lại hỏi “ răng con chưa ra Huế?".  Khi ấy tôi phải nói thật rằng tôi đã bị về. Mạ òa lên khóc và nhiếc mắng đủ điều vì tôi là niềm tự hào của cả dòng họ. Thôi! Chúa gọi thì nhiều mà chọn chẳng được bao nhiêu. Sau khi thi đỗ tú tài 1 với hạng bình ban C. Tôi được bố già (khi ấy ông đang làm việc ở sở giáo dục) xin vào học trường Phan Chu Trinh, một trường công nổi tiếng ở Đà Nẵng. Bở ngỡ bước vào một môi trường mới tôi như hụt hững trong những ngày đầu . Thế rồi, lâu cũng quen, tôi có những người bạn mới cùng gắn bó, cùng học tập. Cuối năm học đó, tôi đỗ tú tài II, thi đậu vào 2 trường đại học: Đại học sư phạm Huế và trường sĩ quan CTCT. Tôi chọn trường sư phạm vì đây là ý muốn của bố già. Trở lại Huế sau một năm xa cách, bao kỷ niệm cũ ùa về lòng tôi nao nao. Ngày tựu trường tôi đã gặp lại Vinh Sơn, Hùng noir, Sáng cùng học văn khoa và sư phạm. Chúng tôi trở thành một nhóm chơi thân với nhau từ đó. Nhưng một năm sau Vinh Sơn chuyển vào Sài Gòn, từ đó nhóm chúng tôi  chỉ còn Hùng Anh, Sáng, Hùng. Tôi còn nhớ 3 thằng thường trốn học uống cà phê đánh cờ tướng ở Tổng Hội, ăn chè cồn và bắt đầu tập tểnh biết yêu. Tôi có 1 người yêu bé bỏng như một con búp bê (theo lời Lê Khôi nhận xét). Tưởng chừng sẽ ở với nhau suốt đời, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, thế là đành phải chia tay. Adieu mon amour!  Adieu Jolie Candy! Tôi theo gia đình lên phố núi với “bụi mù trời” và “ buồn muôn thuở” để làm công tác giảng dạy tại trường cấp 3 Buôn Ma Thuột. Tôi lập gia đình với một cô bé ở tuổi học trò của tôi (nàng thua tôi 8 tuổi) và chuyển về dạy trường THPT Việt Đức. Thế mà thấm thoát đã 37 năm kể từ ngày đó (1975) và đã 30 năm ngày lập gia đình với 10 năm sinh con (1982- 1992) gồm 1 trai, 5 gái. Út bây giờ cũng đã là sinh viên năm thứ 2 rồi đó. Tôi ngồi nhìn lại mình trong gương: không những “ nhìn lại mình đời đã xanh rêu” mà còn “ giật mình, ôi chiếc lá thu phai!”. Sang năm (2012) tôi và Sáng được nhà nước tha cho về nghỉ . Và như thế đã hoàn tất nhiệm vụ đối với đời, nhưng nhiệm vụ đối với gia đình và với chúa thì vẩn còn mãi cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. (Hết)

                                                Buôn Ma Thuột, hè 2011- Hùng Anh HT 63



Hùng Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét