1. KỶ LỤC CÓ HAI CHA THAM DỰ:
Cả hai lớp gom lại bòn được hai ông linh mục, lại ở tuốt bên trời Tây: cha Hiền ở Roma (Ý), cha Thông ở Marseilles (Pháp). Mấy lần hội ngộ trước, may lắm mới có một cha về dự. Riêng lần này, cả hai cha đều có mặt từ đầu đến cuối khiến cho cuộc hội ngộ tại Đà Lạt của HT 63-64 sang hẳn lên. Thật là song kiếm hợp bích, hai cha thay nhau chủ tế và giảng lễ, chia sẻ ý kiến, cùng vui chơi với mọi người, kể chuyện tiếu lâm, hát hò… Nhờ vậy, ngoài những hỗ trợ về tinh thần, anh em còn học hỏi được nhiều điều từ cách cư xử, thái độ thân ái hòa đồng với mọi người của hai cha trong những ngày chung sống.
Ngoài ra, còn có Sơ Thu, một người bạn thân thiết của lớp, cũng đến hẹn lại lên tham dự hội ngộ.
Rất mong kỷ lục này được giữ mãi ở những lần hội ngộ sau.
2. KỶ LỤC VỀ SỐ NGƯỜI THAM DỰ
Hội ngộ Đà Lạt 2015 chiếm kỷ lục về số người tham dự. Các cựu chủng sinh HT 63-64 cố sắp xếp chuyện gia đình để họp mặt. Năm nay còn có những con chiên lạc mới tìm ra, như bạn Vinh Phúc ở Hội An, lần đầu tham dự.
Các phu nhân cũng ngày càng đông, càng đóng vai trò tích cực trong những ngày hội ngộ. Đặc biệt có chi Điền Nguyễn, phu nhân anh Viết Vang, đã thay mặt chồng bị bệnh đi dự và cùng ngồi họp nội bộ với anh em. Còn có vợ và con gái, cháu gái của bạn Bùi Trầm, hy sinh trong chiến tranh, thay mặt chồng, cha tham dự. Có những phu nhân lần đầu tham dự như phu nhân bạn Hữu Phước, Tống Quý. Số F1, F2 tham dự ngày càng đông, đặc biệt hai bé Bơ (cháu Hùng noir) và bé Na (cháu Bùi Trầm) làm khôn g khí thêm sinh động.
Ngoài ra, còn có các thân hữu khách mời, như vợ chồng Hùng Liễu, bạn Mỹ trắng, anh Nam em cha Thông. Rất vui.
Hy vọng kỷ lục này năm sau sẽ bị phá vỡ, vì có vài thành viên bị trở ngại vào phút chót không tham dự được như anh Viết Vang (bệnh), Trần Đức Xuân (lo việc con gái khấn dòng), Hoàng Hội (chuyện gia đình), Trần Văn Phước (bệnh), Lê khanh, Mai Ly (bệnh) và một số phu nhân bận lo chuyện gia đình.
Và cũng hy vọng có thêm một số anh em trong lớp bị mất liên lạc mới tìm ra như Nguyễn VănPhương, Công Lộc cùng tham gia, và những người khác chưa liên lạc được.
3. KỶ LỤC VỀ THỜI GIAN HỘI NGỘ
Hội ngộ Đà Lạt 2015 kéo dài đến 4 đêm, 5 ngày. Mấy lần trước chỉ 3 đêm, 4 ngày. Nói đến ngày và đêm ở đây, là nói đến 24 giờ đầy tràn, không một chút ngưng nghỉ. 4 giờ sáng đã lục tục dậy, đã bắt đầu tếu táo. Rồi kéo nhau đi cà phê sáng. Rồi thánh lễ riêng do hai cha cây nhà lá vườn đồng tế. Rồi ăn sáng. Và sau đó là tham quan. Nhưng đó chỉ là cái cớ để thay đổi đề tài tán gẫu. Suốt cả ngày là những câu chuyện tụm năm tụm ba không dứt. Tối lại, sau giờ cơm, là hát cho nhau nghe. Tới lúc không thể hát được nữa lại tiếp tục tám chuyện kéo dài đến hơn nửa đêm. Và hẳn nhiên không quên đứng bên nhau dâng linh hồn trong tay Chúa In manus tuas Domine và kính chào Nữ vương Salve Regina như truyền thống chủng viện… Và phép lành cuối ngày. Nhưng những câu chuyện rì rào vẫn không dứt cho tới quá nửa đêm. Không biết chuyện chi mà nói hoài không hết rứa.
Mới đầu nghe nói 5 ngày tưởng cũng ngán, sợ không còn gì để chơi, để nói. Nhưng rồi vẫn thấy thòm thèm. Hình như ai cũng thấy quý, bòn mót những phút giây bên nhau. Biết đâu sang năm không còn gặp nữa.
4. KỶ LỤC HOA HẬU VÀ THỜI TRANG
Đà Lạt khí hậu mát mẻ, phong cảnh thoáng đãng xanh tươi, khiến cho chủ đề chính của hội ngộ Đà Lạt vô hình dung trở thành hội ngộ của hoa hậu và thời trang. Mấy phu nhân hình như đã bí mật rỉ tai nhau từ trước, đi sắm áo dài, váy ngắn, khăn quàng, giày dép… ăn diện ngút trời.
Và thế là ngay ngày đầu tiên, các bà nội bà ngoại tạm quên đi đau lưng nhức mỏi, tay run mắt mờ, tha thướt điệu đàng trong những bộ áo quần rực rỡ, tạo dáng trước cảnh vật Đà Lạt tươi đẹp, tạo nên một sự kiện trình diễn hoa hậu và thời trang chấn động. Bà xã Phú mỗi ngày thay mấy bộ. Chị Bùi Trầm từ Đà Nẵng xa xôi cũng mang theo mấy bộ áo dài. Bà nào cũng có váy ngắn khoe chân dài. Cặp Sáng Thư còn diện thời trang cặp đôi, ngày vàng ngày tím, như mấy đôi uyên ương tuổi teen, lãng mạn quá trời. Thôi thì đủ kiểu đủ màu.
Mấy ông tụm năm tụm ba liếc nhìn khoái chí. Thiệt không phải mèo khen mèo, nhưng không ngờ mấy bà nhà mình hấp dẫn rứa, “cơm nguội” còn ngon quá trời. Rứa mà bấy lâu nay tưởng đã qua thời nhí nhảnh, hứng chí nhảy vô ôm bà xã cười mím chi, nghiêng đầu tình tứ đủ kiểu.
Đoán chắc là đi chuyến này về, cả vợ lẫn chồng như được tân trang, hâm nóng lại, tình yêu càng mặn nồng. Cẩn thận coi chừng con cháu nó cười, hehe.
5. KỶ LỤC SIÊU QUẬY
Hội ngộ là thời cơ vàng cho mấy tay siêu quậy thừa nước đục thả câu “quậy” thả ga. Một năm mới có một lần dập dìu tài tử giai nhân, trai tài gái sắc, mạnh ai nấy tung hoành. Có tên còn âm mưu khéo léo để vợ ở nhà, một mình tha hồ bay nhảy. Có anh tóc bạc, răng sún, có vợ trẻ đẹp đi kèm hẳn hoi, vậy mà lập kế mượn vài chén rượu giả mù sa mưa, tán tỉnh như sáo. Mà không phải chỉ riêng mấy ông già không nên nết, mấy bà cũng chịu chơi không kém.
Thôi thì anh em một nhà cả, cũng không còn mấy thời gian, cũng không còn mấy tăm hơi, đùa vui chút đỉnh đổi không khí, tình cảm bạn bè thêm thân mật. Phải rứa không hè?
6. KỶ LỤC NƯỚC MẮT
“Chưa có khi mô khoóc nhiều như ri” nhiều người vừa chậm nước mắt vừa nói. Mấy ngày hội ngộ lớp tại Đà Lạt, ngoài những chuyện đùa vui nhậu nhẹt, cũng có những giây phút lắng động gần gũi gây xúc động.
Buổi họp đầu tiên, mỗi người lần lượt khai báo hoàn cảnh gia đình, những thuận lợi trắc trở riêng mình cho anh em biết. Không phải cuộc sống ai cũng dễ dàng trôi chảy. Những thổ lộ tâm sự như vậy khiến bạn bè gần gũi nhau hơn, dù có thể không giúp đỡ được gì nhiều. Và cũng thật xúc động. Nhiều người nghẹn lời khi nói, và người nghe thì mắt đỏ hoe.
Tui cũng thuộc loại “mu khoóc” và ưa quan sát. Làm sao không rưng rưng khi nhìn thấy những cặp vợ chồng chung sống với nhau đã ba, bốn mươi năm, vẫn tay trong tay tình tứ, khắng khít như thuở ban đầu. Vợ chồng anh Du, Thanh, Phu, Hương… đi mô cũng không rời nhau nửa bước. Vợ chồng Sáng còn chơi luôn thời trang cặp đôi đồng màu đồng kiểu tuy hai mà một. Vợ chồng Hữu Phước cứ lặng lẽ bên nhau giữa đám đông ồn ào nhốn nháo. Vợ chồng Đông ngược lại giỡn như tuổi teen, song ca những bài tình tứ. Hoặc không tránh khỏi chạnh lòng khi thấy chú Cao, một thời chủng viện lừng lẫy học giỏi chơi thể thao hay, bây giờ héo mòn vì bệnh tật. Thi sĩ Dương thì cứ để hồn trên mây tìm tứ thơ. Ứa nước mắt nhìn Lê Quang Tin cố gắng uống cho được ly nước, gắp cho được miếng cơm, cùng sự săn sóc dịu dàng của Yến cô em gái. Hoặc hai ông cha bạn ở trời Tây về chân thành hòa mình với bạn bè, tận tình giúp đỡ mọi việc. Nhìn vợ, con và cháu của Bùi Trầm, hy sinh đã lâu, vẫn gắn bó với bạn chồng, như muốn tìm lại những giây phút hiếm hoi bên chồng, cha.
Đỉnh điểm của cảm xúc hẳn là trong thánh lễ, theo ý của hai cha chủ tế, cả lớp cùng nắm tay nhau đọc kinh Lạy Cha, như một lời khẳng định anh em một nhà, và thắm thiết chúc bình an cho nhau.
Trong thánh lễ cuối cùng, thay cho lời giảng, mỗi người chia sẻ tình cảm của mình. Mắt mọi người lại đỏ hoe, ngay cả những người cứng rắn nhất. Đến nỗi có người phải chạy đi lấy hộp khăn giấy.
Đến tuổi này rồi, tưởng đã chai lì trước mọi việc, thật hạnh phúc thấy lòng còn rung động bởi những việc cỏn con với bạn bè. Hội ngộ đầy ắp tiếng cười, nhưng cũng sẽ thiếu nếu không có những giọt nước mắt. Khóc mà thấy sướng.
7. CHUYẾN ĐI CHUẨN BỊ HỘI NGỘ KỶ LỤC
Một nét đẹp của HT 63-64, khiến nhiều người ngoài lớp ngạc nhiên và thích thú, là trong thời gian chuẩn bị hội ngộ, các bạn cùng lớp hiện ở nước ngoài lần lượt gởi tiền về hỗ trợ. Năm nào cũng vậy, các bạn Hoàng Diễn, Như Doan, Duy Thiện, Duy Sinh, Mạnh Hùng, Trần Hiền… và một bạn không muốn nêu tên công khai (nhưng nội bộ đều biết) đều dành dụm gởi về giúp ban tổ chức và gởi riêng cho một vài anh em có hoàn cảnh khó khăn một phần chi phí. Không chỉ một lần cho vui mà đã thành truyền thống suốt 5 kỳ hội ngộ. Nếu không có sự giúp đỡ này, phần đóng góp của anh em tham dự sẽ nặng nề hơn và phải cắt giảm nhiều món vui chơi, hoặc cắt ngắn thời gian hội ngộ. Anh em rất biết ơn điều này.
Đặc biệt năm nay, đúng một tháng trước hội ngộ, khi ban tổ chức và mỗi người đang lo lắng vấn đề tài chính, thì bạn Như Doan đột ngột xuất hiện ở Huế. Và rồi một chuyến đi chưa có tiền lệ đã được Doan thực hiện: Vào Hội An gặp hai bạn Vinh Phúc và Công Lộc mới tìm ra, vào Long Khánh, Bà Rịa Vũng Tàu gặp anh em quanh đó, tới Quảng Biên, Biên Hòa gặp Lê Quang Tin, người anh cả Đại Đồng, rồi kéo cả nhóm lên Sài Gòn gặp những người còn lại. Mỗi người đều được Doan trao tận tay một món quà, người nhiều người ít tùy theo hoàn cảnh, cùng với những lời chân tình khích lệ anh em trước khi lên đường hội ngộ.
Biết là nói nhiều thì Doan và các bạn ở xa không thích, nhưng không thể không nhắc lại nghĩa cử này khi hội ngộ Đà Lạt đã kết thúc tốt đẹp. Cám ơn các bạn và nhất là các vị phu nhân, tuy xa mà rất gần trong đời sống HT 63-64.
Nguyễn-Vinh-Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét