Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

MÙI THUỐC LÁ



Trước ngày lễ giỗ 30/1
Gởi tặng hai anh trai và các cháu bên kia Thái Bình Dương
Đã gần hết năm thứ mười ba của thiên niên kỷ thứ ba mà còn viết bài ca ngợi thuốc lá thì thiệt là lạc hậu. Nhưng có những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà nay đã trở thành một phần cuộc đời máu thịt không thể nào quên được.
Không biết khi đó mình mấy tuổi, các anh chị lớn đã có gia đình hay đi học xa ( nhà mình có 11 người con), chỉ còn lại trong nhà ba thằng nhỏ nhất. Mỗi buổi sáng, trời đông mưa dầm hay nam lào khô rát, cha mình cũng kêu ba đứa dậy đi lễ. Chắc lúc đó mình còn nhỏ lắm, vì lúc nào ông cũng rữa mặt cho mình. Bàn tay cha ám đầy khói thuốc, nên lúc nào rữa mặt cho mình, cũng thấy cay trong mắt. Đường từ nhà mình vào nhà thờ không xa ( tuy nhà mình ở cuối làng), đâu chừng như ba bốn trăm mét thôi. Mùa hè thì sáng sớm mát mẻ, nhưng mùa đông thì mưa dầm, đường sá lầy lội ( vì trâu bò dẫm đạp) quả thiệt là một cực hình. Những bước chân ngái ngủ, trong cái lạnh cóng miền bắc trung bộ, lúc bốn năm giờ sáng thiệt chẳng thú vị chút nào. Nhưng cha mình và con cái chưa bao giờ bỏ lễ ngày thường. Như một cái lệ trong gia đình, cha mình đi lễ sáng, còn mẹ mình đi đọc kinh tối tại nhà thờ.
Nhà tôi nhỏ như cái lỗ mũi, ba gian , hai chái. Gian giữa trên cao có bàn thờ, ngay dưới bàn thờ là bộn phảng gỗ, trước bộ phảng là bộ bàn ghế. Mẹ tôi ngủ trong phòng nhỏ bên cạnh, một căn phòng không cửa sổ, lúc nào cũng tối mịt mù. Cha tôi và ba đứa con trai ngủ trên phảng gổ. Những ngày nam nắng thì mát mẻ, nhưng mùa đông thì lạnh. Con út, nên tôi ưu tiên được ngủ bên cạnh ông. Mùi khen khét, đăng đắng của thuốc lá trên người ông đã ấp ủ tôi suốt cả quãng đời thơ ấu cho đến bây giờ ( không biết có phải vì thế không mà đến nay tôi vẫn không bỏ thuốc được).
Cha tôi rất nghiêm khắc với con cái và như cách nuôi dạy thời đó ( thương cho roi cho vọt),
 tôi không thể quên những trận đòn nên thân ông dành cho chúng tôi. Không kể những lúc đánh lộn với tụi trong làng, bị người ta đến mắng vốn, nếu có lộn xộn giữa ba đứa, thì cả ba cùng ăn đòn. Bộ phảng gỗ là nơi dùng làm việc đó. Nhỏ nhất, nhát gan nên tôi là thằng lên nằm trước, phía ngoài. Hai anh tôi khôn hơn, lì hơn nên nằm trong. Lợi bất cập hại, vì cha tôi đứng phía ngoài, nên hai anh tôi lãnh đủ ngọn roi của ông, tôi cũng có dính chút chút, nhưng thường thì không đau lắm. Và nhiều đêm, sau những trận đòn, chúng tôi thấy nhột nhột trên má, thì ra cha tôi hối hận, nhân lúc chúng tôi ngủ say ( là ông nghĩ thế), hôn con xin lỗi.
Khi chúng tôi đã trưởng thành, ông không còn dùng roi nữa, nhưng lại thường xuyên la mắng, ca cẩm. Tuổi trẻ vô tâm, chúng tôi còn thậm chí đặt cho ông một biệt hiệu:”chướng ngôn viên”. Ngày nay, khi đã làm cha, tôi mới cảm nhận được tình thương của cha dành cho con. Người cha không biết biểu lộ tình thương như người mẹ. Nóng lòng vì tương lai con cái, những roi đòn, la mắng là cách ông biểu lộ sự quan tâm, lo lắng.
Tôi đưa tay sờ phía sau, xem còn sót lại vết lằn roi vọt nào không? Không, thời gian đã xóa hết rồi, gần hai mươi năm rồi, còn đâu.

Nha Trang 22/12/2013
Nguyễn Phu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét