Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Nguyễn Phu

MÙI HƯƠNG


Lễ giổ Mẹ lần thứ 13

Trải qua hơn sáu mưoi năm cuộc đời, cũng được đi nhiều nơi, có rất nhiều mùi hương thoang thoảng qua cuộc đời mình.
Mùi sửa mẹ, khi bú còn nhỏ quá không còn nhớ. Mùi thuốc lá cay gắt của cha ( cha tôi thường hút thuốc tự trồng, tự quấn lấy), mùi hương bồ kết trên tóc ai đó, mùi hương của nụ hôn đầu tiên, mùi hương của người bạn đời hơn ba mươi năm chung sống, mùi khai nồng nước đái của con thơ…và rất nhiều, rất nhiều mùi hương khác
Không hiểu vì sao, tất cả những mùi hương đó không đọng lại lâu trong tôi, với ai khác thì tôi không biết.
Nhưng có một mùi hương, từ mười mấy năm nay, nó đã biến mất, nhưng lúc nào cũng như thoang thoảng đâu đây xung quanh tôi: đó là mùi của mẹ tôi.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, lấy chồng có một con gái. Chồng chết, mẹ tôi đi bước nửa với cha tôi. Đây là cuộc hôn nhân gắn kết những mãnh đời lầm than, cơ khổ. Trong cuộc đời mẹ tôi, số ngày cơ cực nhiều gấp trăm lần số ngày vui. Suốt đời mẹ vất vã trên đồng ruộng, còng lưng nuôi con. Rồi liên miên những cuộc chạy trốn bom đạn. Chỉ từ 1952 đến 1975, gia đình tôi đã hơn năm lần gầy dựng lại từ số không. Mẹ tôi thương chồng thương con bằng việc làm, tôi chưa bao giờ nghe bà nói ra.
Một kỷ niệm nhỏ về mẹ mà tôi không bao giờ quên: Lúc đó là sau Mậu Thân 1968, gia đình tôi phải lên thị xã tá túc tại nhà chị tôi. Chị tôi làm ăn cũng tạm được và hết lòng với gia đình, em út, Nhưng chồng mất sớm, lúc chị chưa tới 25 tuổi, nên tính khí cũng hơi khó. Một bữa, lúc đó cha mẹ tôi đã trên dưới sáu mươi tuổi rồi, cha tôi giận chị tôi, mà phần lổi là do ở ông, chính mẹ tôi và mấy đứa con cũng không đồng ý với cha tôi. Cha tôi giận, bỏ ra đi, mẹ tôi lưởng lự một lúc rồi cũng xách tay nải lúp xúp chạy theo chồng. mặc cho cả lủ con can ngăn. Ôi, hình ảnh quá tầm thường, nhưng biểu đạt một sự yêu thương , trung thành tuyệt đối, dù những lúc chồng mình lầm lổi. 
Nếu nói về việc đạo, mẹ tôi chắc không bằng đươc cha tôi. Khi tôi lớn lên, tôi thấy ông rời cày cuốc là năm lấy tràng hạt. Mẹ tôi thì không. Có chút thời gian, thì bà đi “ tám “ với hàng xóm. Đàn bà mà. Nhưng việc đạo đức hàng ngày thì dĩ nhiên bà không bao giờ thiếu sót.
Bà thường mang trên cổ cái “bộ áo Đức Bà”. Ngày xưa, hầu như người công giáo ai cũng mang cái nầy. Bộ áo làm bằng vải, hai miếng vải vuông trắng đóng khung màu đen, bên trong có in hình Đúc Mẹ. Và người ta luôn mang bộ áo nầy trên mình, kể cả khi tắm rửa. Lâu lâu lại giặt một lần, nhưng hạn chế, vì sợ bay mất hình ảnh trên đó. Lâu ngày, bộ áo thấm mùi mồ hôi của người mang. 
Từ khi còn nhỏ, tôi là con út nên hay nhỏng nhẽo, sà vào lòng mẹ. Mùi hương của mẹ đọng trên bộ áo Đức Bà thấm vào trong tôi từ đó. Ngày xưa, chưa có xà phòng và các loại chất tẩy rửa, cho nên đây bảo đảm là mùi hương nguyên chất, mùi của mẹ tôi. 
Tôi không phải là Nguyễn Tuân, nên không thể tả lại được cái mùi hương ấy, nhưng mười ba năm rồi, mẹ tôi đi xa, mùi hương ấy như còn phảng phất trước mủi tôi, trong tim tôi. Tôi sẽ mang mải cái mùi hương không thơm tho, nhưng ngọt ngào ấy cho đến hết đời mình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét